Sự quan trọng của giấc ngủ đối với trẻ em

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ của con người, đặc biệt là với trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Tuy vậy, thời gian ngủ dài hay ngắn không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng giấc ngủ của trẻ mà việc bé ngủ có ngon giấc hay không mới ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ. Vậy trẻ ngủ bao nhiêu là đủ và làm thế nào để bé ngủ đủ và ngủ ngon?

Tầm quan trọng, ảnh hưởng của rối loạn giấc ngủ đối với vấn đề phát triển trẻ em

Ở trẻ em, nhu cầu ngủ rất cao, cứ 1 giờ hoạt động phải bù lại bằng 2 giờ ngủ, tức là gấp 4 lần người lớn. Thời gian ngủ mỗi ngày thay đổi theo cơ địa ở mỗi trẻ và bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó tuổi của trẻ là quan trọng nhất. Nhu cầu ngủ giảm dần theo độ tuổi của trẻ.

Trẻ sơ sinh 1- 4 tuần tuổi: Mỗi ngày ngủ từ 16-18 giờ, ngủ cả ban ngày và ban đêm, mỗi giấc ngủ kéo dài từ 2 – 4 giờ.

Trẻ từ 1 – 4 tháng tuổi: từ 6 tuần tuổi trở đi, trẻ thường ngủ ít đi một chút, ngủ từ 14 – 15 tiếng mỗi ngày là đủ: Tuy nhiên, mỗi giấc thường lâu hơn, kéo dài từ 4 – 6 tiếng và có xu hướng ngủ nhiều hơn vào buổi tối.

Trẻ từ 4 tháng tới 1 tuổi: ngủ đêm nhiều hơn ngủ ngày và thường có 2 giấc ngủ về ban ngày với tổng số giờ ngủ từ khoảng 14 –15 giờ/ngày. Khi trẻ được 1 tuổi thì giấc ngủ buổi sáng sẽ dần mất đi, và thường chỉ có một giấc ngủ ngắn buổi trưa vào ban ngày. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để tập cho trẻ hình thành một thoái quen ngủ lành mạnh vì lúc này trẻ đã bắt đầu hòa nhập nhiều với xã hội và chu kỳ ngủ bắt đầu giống người lớn.

Trẻ từ 1 – 3 tuổi: ngủ từ 12 – 14 giờ mỗi ngày. Phần lớn trẻ từ 21 – 36 tháng, vẫn cần ngủ trưa và thời gian kéo dài khoảng từ 30 phút tới một giờ. Buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ từ 7 – 9 giờ tối và thức dậy từ khoảng 6 – 8 giờ sáng.

Trẻ từ 3 – 6 tuổi: ngủ 10 – 12 giờ mỗi ngày. Ở giai đoạn này, buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ từ khoảng 7 – 9 giờ tối và dậy khoảng từ 6 – 8 giờ sáng. Từ 3 tuổi trở đi, hầu hết trẻ vẫn còn ngủ trưa, tuy nhiên khi được 5 tuổi thì hầu như không còn ngủ trưa nữa. Thời gian ngủ trưa ngắn sẽ tốt cho trẻ.

Từ 3 tuổi trở đi, phần lớn trẻ đã hình thành được thói quen ngủ của mình.

Trẻ từ 6 – 12 tuổi: cần ngủ 10 – 11 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, trẻ đã có những hoạt động ở trường, xã hội và gia đình, nên buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ trẻ hơn. Buổi tối, chúng thường ngủ bắt đầu ngủ lúc 9 giờ tối và thức dậy từ khoảng 7 – 10 giờ sáng. Giai đoạn này, trẻ cần được ngủ đủ từ 9 – 12 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu mỗi ngày trẻ ngủ được trung bình khoảng 9 tiếng thì cũng vừa đủ.

Trẻ từ 12 – 18 tuổi: cần ngủ 8 – 9 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, các em có nhiều hoạt động hơn nên giấc ngủ rất quan trọng để lấy lại sức khỏe. Tuy nhiên, với áp lực học hành, nhiều em đã không ngủ đủ giấc mỗi ngày. Do đó, phụ huynh cần để ý nhiều hơn tới giấc ngủ của các em. Khi 16 tuổi, trẻ chỉ còn ngủ 8 giờ/ngày giống như người lớn.

Đối với trẻ em, giấc ngủ cũng có tầm quan trọng như thức ăn và nước uống hàng ngày. Một giấc ngủ sâu là điều rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Ngược lại ngủ không ngon giấc hoặc có thể bị thiếu ngủ, sẽ khiến trẻ cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi. Nếu thường xuyên ở trong tình trạng trẻ này sẽ phát triển chậm hơn so với các trẻ khác và dĩ nhiên là sẽ không nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát và về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormon tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. Theo quy luật là lúc chúng ta đi vào giấc ngủ hormon tăng trưởng mới sản sinh ra, sau 1 tiếng lượng hormon sẽ đạt đỉnh, thường là từ 22 giờ cho tới 1 giờ. Do vậy, nếu trẻ không ngủ đúng giờ sẽ bỏ lỡ quãng thời gian hormon tăng trưởng tiết ra nhiều nhất và gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của trẻ.

Ngủ là thời điểm não bộ nạp lại năng lượng. Do vậy, một giấc ngủ sâu sẽ giúp tăng cường trí nhớ, độ tập trung và khả năng học tập của trẻ. Một nghiên cứu trên 11,000 trẻ em xuất bản trên tạp chí Journal of Epidemiol Community Health đã chứng minh những trẻ không được ngủ đúng giờ cho tới khoảng năm 3 tuổi sẽ gặp phải những vấn đề liên quan đến khả năng nhận thức, khả năng đọc và kỹ năng toán học thậm chí tới năm 7 tuổi. Do vậy, các nhà khoa học kết luận rằng 3 năm đầu đời là thời điểm trẻ đặc biệt nhạy cảm với giấc ngủ và có một mối liên hệ khăng khít giữa giấc ngủ đối với sự phát triển não bộ của trẻ.

Giấc ngủ giúp duy trì một cách cân bằng quá trình tiết của một số hormon, bao gồm cả hormon giúp kiểm soát cơn thèm ăn. Do vậy, tình trạng mất ngủ có thể làm tăng cơn thèm ăn gây ra chứng thừa cân và béo phì ở trẻ.

Một giấc ngủ ngon còn hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và trẻ ít ốm hơn.

 

Các giải pháp hỗ trợ để cho trẻ được ngủ đủ và ngủ ngon?

Tạo thói quen cho trẻ:

Dạy trẻ biết phân biệt ngày và đêm bằng cách là khi bé tỉnh vào ban ngày, hãy cố gắng tác động đến bé càng nhiều càng tốt, mở cửa ra cho ánh sáng vào phòng, không cần để ý đến việc giảm thiểu tiếng ồn thường xuyên vào ban ngày như tiếng điện thoại, tivi, … nếu bé định ngủ trước giờ ăn, hãy đánh thức bé dậy. Ngược lại, vào ban đêm, không nên chơi với bé khi bé tỉnh giấc, giữ ánh sáng và nhiệt độ trong phòng thấp, không nên nói chuyện với con quá nhiều. Cứ như vậy một thời gian dài, bé sẽ tự nhận ra rằng ban đêm là để ngủ. Trước khi bé ngủ, có thể hát một bài hát ru và hôn chúc bé ngủ ngon.

Luyện cho trẻ thói quen tự đi ngủ: Vào thời điểm trẻ được từ 6-8 tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu cho trẻ tự mình đi ngủ bằng cách đặt trẻ xuống giường mỗi khi thấy trẻ buồn ngủ nhưng vẫn còn đang thức.

Có thể ru trẻ bằng cách đu đưa, ru ngủ, cho đến khi bé ngủ là cách bình thường và tự nhiên nhất. Khi bé thích thú với giấc ngủ, bé sẽ ngủ tốt, phát triển tốt và khỏe mạnh.

Một số cách sau đây có thể giúp các bà mẹ chăm sóc tốt giấc ngủ cho con:

Nếu trẻ tình giấc và khóc trong đêm, các bà mẹ trẻ đừng vội dỗ dành, cưng nựng trẻ ngay mà hãy tìm nguyên nhân bé hay thức giữa đêm. Vì với bé dưới 6 tháng tuổi, việc thức mỗi đêm vài lần để ‘ti mẹ’ là điều hoàn toàn bình thường. Nhiều bé trong 2 tháng đầu thường thức, quấy khóc gần như suốt đêm (khóc dạ đề), khiến mẹ luôn trong trạng thái stress vì mất ngủ và phải chăm con.

Khoảng 3 tháng tuổi trở lên, bé có thể ngủ dài giấc hơn về ban đêm. Phần lớn các bé khỏe mạnh được mẹ ôm ấp và cho bé sẽ cảm thấy dễ chịu là nhanh chóng quay trở lại giấc ngủ. Nếu một vài buổi đêm, bé quấy khóc không ngừng mà bạn cũng không tìm ra cách dỗ hiệu quả thì có thể bé đang bị đau bụng hoặc mắc chứng bệnh nào khác…

Khi bé được khoảng 7-8 tháng tuổi, nhiều cha mẹ lo lắng vì thấy bé hay quấy khóc về đêm. Nguyên nhân có thể do bé đang trong giai đoạn mọc răng, học bò nên các bé dễ bị hoạt động quá mức vào ban ngày.

Đừng vội dỗ dành khi con khóc giữa đêm

Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Hoàng gia Melbourne (Australia) cho thấy, cha mẹ “phớt lờ” những lần trẻ bật khóc giữa đêm thì dần dần bé sẽ tự tạo cho mình một kiểu ngủ ngon hơn. Các nhà nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên 156 người mẹ có con từ 6 tháng tới 1 năm, hay khóc đêm, có nhiều trục trặc về giấc ngủ để chia hai nhóm: nhóm 1 được học cách kiểm soát tiếng khóc của trẻ và các kỹ năng khác về giấc ngủ; nhóm 2 thì không, để cha mẹ làm theo bản năng, dỗ dành lúc con tỉnh dậy và khóc. Kết quả sau 2 tháng, con của các bà mẹ nhóm 1 đã tự điều chỉnh để có giấc ngủ ngon hơn.

Các chuyên gia phân tích rằng: khi trẻ khóc đêm, cha mẹ cần đợi một thời gian mới đến an ủi bé và điều này sẽ giúp bé biết cách tự “ru” mình. Để tập thói quen này, cha mẹ cần kiên nhẫn và lạnh lùng, đợi 1-2 phút có khi là lâu hơn, càng ít vuốt ve, vỗ về và nói chuyện với bé càng tốt. Đặc biệt không bế bé dậy và cũng không bật đèn ngay khi bé khóc. Nếu bạn “xót” con, lập tức nựng nịu thì sẽ tạo thói quen cho những lần sau, bé sẽ không tự ngủ, và ngay lúc đó có thể còn tỉnh luôn. Tại Mỹ, tất cả những điều trên được gọi là phương pháp Feber dùng cho các bà mẹ có con hay khóc giữa đêm.

 

Một số lời khuyên để giúp trẻ ngủ ngon hơn

NÊN:

+ Tắt đèn ru con ngủ

Bóng tối giúp cơ thể giải phóng hormone melatonin gây buồn ngủ nhờ vậy trẻ sẽ có giấc ngủ sâu, kéo dài và tăng trưởng. Nếu ánh sáng đèn quá lớn sẽ kìm chế sự sản sinh melatonin. Để đèn ngủ quá sáng thường xuyên sẽ gây rối loạn nhịp sinh học, ức chế hoạt động tế bào khiến bé hay trở mình, chậm phát triển. Cách tốt nhất là nên tắt đèn khi trẻ ngủ.

+ Tuân theo nhịp thức – ngủ của trẻ

Trẻ sơ sinh ngủ trung bình mỗi ngày tới 16-17 giờ và chia thành những chu kỳ “thức-ngủ” cứ 3 tiếng một, không kể ngày đêm. Lên 3 tháng tuổi, trẻ ngủ 15 giờ/ngày nhưng nhịp “thức-ngủ” thay đổi: giấc ngủ về đêm kéo dài hơn 7 tiếng liên tục và thời gian thức ban ngày nhiều hơn. Trẻ 1 tuổi chỉ còn ngủ 13 giờ/ ngày và trẻ 3-5 tuổi ngủ 12 giờ/ ngày. Chính vì nhịp thức ngủ này nên bạn chớ lo con đói mà bắt bé bú khi chưa tỉnh dậy. Không để con bú ngày quá nhiều hoặc chơi quá giờ đi ngủ, sẽ gây ra mộng mị.

KHÔNG NÊN:

+ Nói chuyện khi bé thức giữa giấc

Nhiều cha mẹ giật mình khi vô tình nhìn sang thấy con mở mắt tròn xoe rồi họ nựng nịu, nói chuyện, vỗ về nghĩ là con sẽ ngủ tiếp. Nhưng chính điều này khiến bé bị đánh thức mạnh hơn, tỉnh táo hơn, bé sẽ “nói chuyện” với bạn và không còn tập trung ngủ. Tình trạng này sẽ lặp lại vào nhiều ngày sau đó dẫn tới thói quen thức giữa giấc.

+ Cho ăn trước giờ ngủ

Nhiều bà mẹ nuôi con quá cứng nhắc về giờ giấc cho bú, cho ăn nên sắp tới giờ đi ngủ cũng ép con ăn thêm cái phô mai, hay đánh thức con dậy uống sữa. Ăn thức ăn giàu protein trước khi đi ngủ khiến hệ tiêu hóa phải làm việc nên ngủ không ngon. Đồ uống lợi tiểu khiến bàng quang của trẻ căng tức nhanh hơn nên phải thức giấc. Vì vậy không nên cho trẻ nhỏ bú hoặc ăn quá no, ăn đồ ăn có nhiều nước, lợi tiểu trước khi đi ngủ.

Nhớ yêu thương chăm sóc và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong ngày cho trẻ cũng như tránh quát mắng, tạo áp lực hoặc làm trẻ sợ hãi trước giờ ngủ. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top