✴️ Nghén và những thông tin cần biết

Nội dung

Có khoảng 70% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng nghén. Trong đó có khoảng 3% trường hợp thì  các triệu chứng buồn nôn và nôn khá nặng nề. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về nghén, thời điểm bắt đầu, cách điều trị, bạn có thể làm gì để cảm thấy thoải mái hơn và khi nào cần đi khám bác sĩ.

 

Nghén là gì?

Nghén hay còn được biết tới là tình trạng buồn nôn và nôn trong thai kì là 1 tình trạng khá phổ biến. Thường gặp ở khoảng 70% các thai kì và thường bắt đầu khoảng tuần thai thứ 6 và kéo dài khoảng vài tuần hoặc 1 vài tháng. Các triệu chứng thường cải thiện ở tam cá nguyệt thứ 2 (từ tuần thứ 13 tới tuần 27; 3 tháng giữa của thai kì). Tuy nhiên trong 1 vài trường hợp nghén có thể kéo dài cho tới hết thai kì.

Mặc dù các triệu chứng thường gặp vào buổi sáng tuy nhiên vẫn có thể gặp bất kì thời điểm nào trong ngày.

 

Nghén có trở nên nặng hay không?

Câu trả lời là có. Hầu hết các sản phụ sẽ gặp phải tình trạng nghén trong 1 khoảng thời gian ngắn trong ngày và có thể nôn 1 hoặc 2 lần. Ở những trường hợp nặng thì buồn nôn có thể kéo dài vài tiếng mỗi ngày và nôn xảy ra nhiều hơn. Với 3% sản phụ có thể gặp phải tình trạng nghén rất nặng.

 

Tại sao có tình trạng nghén?

Nguyên nhân của nghén vẫn chưa được hiểu rõ. Thường là do tình trạng lượng đường thấp trong máu hoặc là tăng nồng độ nội tiết thai kì, chẳng hặn như hCG hoặc là estrogen. Nghén có thể nặng hơn do căng thẳng, mệt mỏi, một số loại thức ăn hoặc nhạy cảm với chuyển động (như say tàu xe).

 

Triệu chứng của nghén nặng là gì?

Triệu chứng của nghén nặng bao gồm:

  • Nôn nhiều hơn 3 lần 1 ngày.

  • Mất nước (các dấu hiệu như không có nước tiểu, tiểu sậm màu, chóng mặt khi đứng dậy).

  • Sụt hơn 2kg.

Thai phụ nghén nặng có thể cần phải nhập viện và truyền dịch để phục hồi điện giải cũng như 1 số thuốc để giảm nôn.

 

Bạn có thể làm gì để cảm thấy tốt hơn khi nghén?

Có 1 số việc bạn có thể làm để cảm thấy tốt hơn. Bao gồm:

  • Ăn 1 vài miếng bánh quy giòn hoặc bánh mì nướng vào buổi sáng để giúp ổn định dạ dày. Bạn nên để 1 ít bánh quy giòn ở cạnh giường và ăn khi vừa thức dậy.

  • Ăn từ 5-6 bữa trong 1 ngày thay vì chỉ ăn 3 bữa lớn.

  • Tránh đồ cay và đồ nhiều chất béo. Ăn thức ăn nhạt như chuối, cơm, bánh mì nướng, khoai tây nướng, gelatin, trứng, đậu phụ, sốt táo hoặc nước luộc thịt.

  • Ăn bữa nhỏ giữa các bữa chính chẳng hạn như yogurt, bơ đậu phộng, phô mai, sữa hoặc các loại hạt.

  • Uống nhiều nước lọc trong ngày.

  • Sử dụng các viên bổ sung vitamin trong thai kì. Thường thì những viên thuốc này có chứa sắt nên uống trước khi đi ngủ.

  • Tránh mùi hôi, ánh đèn nhấp nháy và những tình huống làm bạn khó chịu có thể kích thích cảm giác buồn nôn.

  • Pha trà với gừng hoặc thử dùng kẹo gừng.

  • Nghỉ ngơi nhiều.

  • Để phòng thoáng, mở quạt hoặc đi ra ngoài để hít thở không khí trong lành.

  • Ngửi mùi hương tươi mát, dễ chịu như cam, chanh, bạc hà.

Một số biện pháp khác có thể giúp giảm nôn ói. Hãy trao đổi với nhân viên y tế để có thể thử các phương pháp sau:

  • Băng cổ tay bấm huyệt. Những dải băng này tạo áp lực lên các điểm trên cổ tay.

  • Châm cứu: là phương pháp sử dụng các cây kim mỏng châm lên da.

Không sử dụng cần sa để điều trị nghén. Phương pháp này là không an toàn cho thai nhi.

Bạn có thể làm gì để cảm thấy tốt hơn khi nghén

 

Thuốc nào được sử dụng để điều trị nghén?

Nhân viên y tế có thể tư vấn cho bạn sử dụng vitamin B6 (hay còn gọi là Pyridoxine) và Doxylamine. Doxylamine còn được sử dụng để hỗ trợ giấc ngủ và để điều trị dị ứng phấn hoa (hay viêm mũi dị ứng) hoặc các bệnh dị ứng khác. Cả 2 sản phẩm trên đều là các thuốc không cần phải kê toa của bác sĩ. Tuy nhiên có những chế phẩm là sự kết hợp của 2 thành phần trên. Nó có thể được kê toa hay còn được biết với tên gọi là Diclegis. Sản phẩm này tiện lợi hơn và giúp thai phụ không phải uống thuốc nhiều lần trong ngày.

Thuốc chống nôn cũng có thể được sử dụng. Nếu thuốc này không có hiệu quả, những loại thuốc khác nhưng kháng histamine, kháng cholinergic có thể được sử dụng. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng các loại thuốc này.

 

Nghén có gây hại cho thai nhi không?

Buồn nôn và nôn từ nhẹ tới trung bình trong thai kì thường không ảnh hưởng tới bạn và em bé của bạn. Tuy nhiên nó có thể là vấn đề nếu như bạn không bổ sung đủ dịch, mất nước và sụt cân. Nôn ói không kiểm soát được làm bạn không thể hấp thu được chất dinh dưỡng cần thiết và ảnh hưởng tới cân nặng của thai nhi lúc sanh.

 

Có phải 1 số phụ nữ có nguy cơ ốm nghén nặng hơn không?

Nguy cơ nghén nặng sẽ gia tăng nếu như phụ nữ mang thai có các yếu tố sau:

  • Mang song thai, tam thai hoặc nhiều hơn.

  • Có lần mang thai trước nghén nặng hoặc có mẹ hay chị nghén nặng trong thai kì.

  • Mang thai bé gái.

  • Có tiền sử về say tàu xe.

  • Có tiền sử đau nửa đầu.

  • Thừa cân.

  • Có bệnh lý nguyên bào nuôi (bệnh lý của bánh nhau), sự phát triển của các tế bào bất thường trong tử cung.

 

Khi nào cần gọi bác sĩ?

Bạn không nên đợi cho đến khi nôn ói trở nên nặng mới đi khám bác sĩ. Bạn nên đi khám ngay khi có các triệu chứng của nghén ở giai đoạn sớm của thai kì và ngăn ngừa không để tình trạng trở nên nặng hơn. Nôn ói nặng không phải là 1 vấn đề bình thường trong thai kì và cần được chăm sóc y tế hoặc phải nhập viện.

Một lí do khác cần phải khám đánh giá nghén nặng là bởi vì đó có thể là các triệu chứng của những bệnh lý khác như loét, trào ngược, bệnh liên quan tới thức ăn, bệnh tuyến giáp, túi mật, viêm ruột thừa, dạ dày, tụy hoặc gan.

Khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng sau:

  • Nôn suốt ngày làm bạn không thể ăn hay uống bất kì thứ gì.

  • Nôn ói hơn 3 lần 1 ngày.

  • Nôn ra dịch nâu hoặc có lẫn máu.

  • Sụt cân.

  • Cảm thấy mệt mỏi và choáng váng.

  • Cảm thấy chóng mặt và ngất xỉu.

  • Nhịp tim nhanh.

  • Không có hoặc rất ít nước tiểu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top