✴️ Những điều cần biết về cắt ruột thừa, cắt ruột thừa ngược dòng

Viêm ruột thừa có diễn biến nhanh, nếu không kịp thời cấp cứu có thể gây vỡ, viêm phúc mạc, tử vong. Hiện nay, phẫu thuật cắt ruột thừa khi bị viêm là phương pháp tối ưu để đảm bảo sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức về phẫu thuật cắt ruột thừa nói chung và kỹ thuật cắt ruột thừa ngược dòng nói riêng.

 

1. Mổ cắt ruột thừa diễn ra khi nào?

Viêm ruột thừa được coi là một trong những trường hợp cấp cứu ngoại khoa. Phẫu thuật cắt ruột thừa được ưu tiên hàng đầu trong điều trị. 

Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa là mổ hở và mổ nội soi. Căn cứ vào tình trạng và mức độ viêm ruột thừa mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. 

cắt ruột thừa ngược dòng

Phẫu thuật cắt ruột thừa là chỉ định tiêu chuẩn khi ruột thừa bị viêm.

 

1.1. Phẫu thuật mổ hở cắt ruột thừa

Đây là phương pháp truyền thống, mức độ xâm lấn cao, gây đau nhiều. Bác sĩ sẽ thực hiện một vết rạch da khoảng 10cm ở vùng bụng dưới bên phải để bộc lộ ruột thừa bị viêm. Sau khi cắt đoạn ruột thừa bị viêm, bác sĩ sẽ tiến hành khâu lại vết mổ bằng chỉ tự tiêu hoặc chỉ không tiêu.

1.2. Nội soi cắt ruột thừa – Phương pháp ít xâm lấn

Hầu hết trong trường hợp cấp cứu kịp thời, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi cắt ruột thừa cho bệnh nhân. Phương pháp này có nhiều ưu điểm: ít xâm lấn, ít đau, nhanh hồi phục và đảm bảo tính thẩm mỹ.

Khi thực hiện nội soi cắt ruột thừa, bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ trên bụng bệnh nhân. Sau đó sẽ thực hiện các thao tác nội soi cắt ruột thừa trong ổ bụng. Để hình ảnh ruột thừa được rõ, bác sĩ sẽ tiến hành làm phồng bụng của bệnh nhân bằng việc bơm khí carbon dioxide. Dụng cụ nội soi sẽ là một ống dài, nhỏ có gắn camera độ phân giải cao. Hình ảnh bên trong ổ bụng sẽ được truyền dẫn trên màn hình và được phóng đại. Sau khi thực hiện các thao tác loại bỏ ruột thừa và đưa ra ngoài, bác sĩ sẽ khâu lại vết rạch lại. 

Trong phẫu thuật loại bỏ ruột thừa có cắt ruột thừa xuôi dòng và cắt ruột thừa ngược dòng

1.3. Cắt ruột thừa xuôi dòng như thế nào?

Cắt ruột thừa xuôi dòng tức là bác sĩ tiến hành cắt mạc treo ruột thừa trước, cắt ruột thừa sau.

1.4. Cắt ruột thừa ngược dòng như thế nào?

Cắt ruột thừa ngược dòng tức là bác sĩ tiến hành cắt ruột thừa trước, cắt mạc treo ruột thừa sau.

Tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể, tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp cắt ruột thừa xuôi dòng hay ngược dòng.

Lưu ý: Khi nào không thể áp dụng mổ nội soi cắt ruột thừa

Mặc dù nội soi cắt ruột thừa là phương pháp hiện đại, có nhiều ưu điểm. Nhưng không phải bệnh nhân đau ruột thừa nào cũng có thể áp dụng. Đối với những bệnh nhân bị viêm ruột thừa không cấp cứu kịp thời bị vỡ, gây viêm phúc mạc thì phải áp dụng mổ hở. Ngoài ra với những bệnh nhân có bệnh lý về hô hấp và tim mạch, sốc nhiễm trùng hay dị ứng với thuốc gây mê nội khí quản cũng không thể thực hiện được nội soi cắt ruột thừa. 

 

2. Chăm sóc bệnh nhân sau khi thực hiện mổ ruột thừa

2.1. Chăm sóc tại bệnh viện

Sau khi bệnh nhân được phẫu thuật cắt ruột thừa sẽ được đưa ra phòng hồi sức chờ hồi tỉnh. 

Bệnh nhân sẽ được điều dưỡng theo dõi huyết áp, nhịp tim, các dấu hiệu sinh tồn liên tục.

Sau khi có kích thích nhu động ruột bệnh nhân sẽ được ăn. Bệnh nhân có thể ăn các loại cháo loãng, sữa, súp… dễ tiêu hóa. Tiếp đó bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ tại phòng để tránh biến chứng dính ruột.

Thực hiện phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, bệnh nhân lưu viện từ 24 đến 48 giờ để được theo dõi sau đó xuất viện về nhà. Trường hợp cấp cứu khi đã vỡ ruột thừa phải mổ hở, bệnh nhân cần lưu viện lâu hơn. Tại đây bệnh nhân được đôi ngũ điều dưỡng hỗ trợ chăm sóc, bác sĩ hướng dẫn tập thở. 

2.2. Chăm sóc bệnh nhân tại nhà

Sau mổ ruột thừa được xuất viện về nhà, bệnh nhân tiếp tục nghỉ ngơi trong vòng ít nhất 2 tuần.

Uống thuốc theo đúng đơn của bác sĩ đã chỉ định. Tiếp tục ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Vận động nhẹ nhàng. Tắm bằng vòi sen, không ngâm mình trong bồn tắm. Sau mỗi lần tắm nên thay băng vết mổ để tránh nhiễm trùng.

Sau từ 3 đến 5 tuần bệnh nhân mổ ruột thừa mới hồi phục hoàn toàn. 

Những biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật cắt ruột thừa

Đối với tất cả những phẫu thuật ngoại khoa thì đều có thể có những rủi ro xảy ra. Và phẫu thuật cắt ruột thừa cũng không phải ngoại lệ.

Rủi ro thường gặp nhất khi phẫu thuật cắt ruột thừa chính là nhiễm trùng vết mổ.

Các biến chứng khác không thường gặp như: áp xe vết mổ, áp xe vết cắt ruột thừa.

Các biến chứng nguy hiểm hơn: dò vết cắt ruột thừa, thủng ruột, thủng niệu quản, viêm phúc mạc. Trong đó biến chứng viêm phúc mạc rất nguy hiểm đến tính mạng

Do đó, sau phẫu thuật cắt ruột thừa bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn điều trị và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

 

3. Dấu hiệu cảnh báo viêm ruột thừa sớm không thể bỏ qua

Triệu chứng sớm nhất là bệnh nhân bị đau bụng. Bệnh nhân sẽ bị đau bụng từ nhẹ đến nặng, ban đầu đau âm ỉ sau đó triệu chứng sẽ càng ngày càng tăng lên. Bệnh nhân có thể bị đau quanh rốn, trên rốn sau đó lan rộng đến đau vùng bụng dưới bên phải. 

dấu hiệu đau ruột thừa

Đau bụng dưới bên phải là dấu hiệu sớm nhất của viêm ruột thừa.

 

Cùng với tình trạng đau bụng, bệnh nhân sẽ có triệu chứng sốt. Thông thường bệnh nhân sẽ bị sốt nhẹ do tình trạng viêm nhiễm ruột thừa. Nếu bỏ qua, không cấp cứu kịp thời, ruột thừa bị vỡ gây viêm phúc mạc, gây tình trạng sốt rất cao.

Cùng với đau bụng, sốt thì bệnh nhân viêm ruột thừa thường bị rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân cảm thấy không thoải mái, chán ăn, nôn, tiêu chảy.

Mổ ruột thừa là phương pháp tiêu chuẩn cho một ca cấp cứu viêm ruột thừa. Về đánh giá chung, phẫu thuật mổ ruột thừa không quá phức tạp, y tế tuyến quận huyện cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, trong mỗi ca phẫu thuật không thể tránh được những rủi ro có thể xảy ra. Vì vậy, lựa chọn bệnh viện tốt, bác sĩ ngoại khoa giỏi thực hiện mổ ruột thừa bạn sẽ yên tâm tránh được những rủi ro không đáng có.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top