Tâm lý ở người bệnh ung thư

Nội dung

Ung thư là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu của con người. Hàng năm trên thế giới có vào khoảng 16 triệu người chết vì ung thư. Tỉ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng cao, ngoài các yếu tố có thể thay đổi được như môi trường, thuốc men, nhiễm siêu vi trùng… còn có các yếu tố khác không thể thay đổi được đó là di truyền và tuổi tác.

Khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo này, diễn biến tâm lý của mỗi bệnh nhân rất phức tạp. Hiểu rõ những vấn đề này là cả một công trình nghiên cứu rất khoa học.

Thông thường một bệnh nhân bị ung thư sẽ trải qua 4 giai đoạn về tâm lý, đó là:

1, Giai đoạn sửng sốt và nghi ngờ:

Ở giai đoạn này sau khi nghe biết mình bị ung thư bệnh nhân rất sửng sốt bất ngờ, có người còn rơi vào tình trạng trầm cảm, u uất, cáu gắt với tất cả mọi người. Sau đó vài ngày họ chuyển sang trạng thái nghi ngờ không biết bác sĩ hay bệnh viện có chẩn đoán đúng hay không? Họ hy vọng là bệnh viện và bác sĩ chẩn đoán sai.

Tìm mọi cách chứng minh rằng mình không phải bị ung thư và tìm đến rất nhiều bác sĩ, cơ sở y tế để khám và hy vọng vào khả năng không bị ung thư. Ở giai đoạn này sự tư vấn về tâm lý hết sức khó khăn. Nhiều khi phải làm nghiệm pháp giả tức phải nói bệnh nhân chưa chắc đã bị ung thư mà chỉ nghi ngờ thôi...

 

2. Giai đoạn hy vọng:

Tinh thần bệnh nhân bớt dần căng thẳng, tin vào lời bác sĩ và nhân viên y tế; hy vọng vào phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác sẽ làm cho mình khỏi bệnh. Đây là giai đoạn tốt nhất để các thầy thuốc can thiệp vào điều trị và trấn an tâm lý cho bệnh nhân.

Kết hợp với thầy thuốc ở giai đoạn này là những chuyên viên tâm lý Y khoa hoặc những điều dưỡng có kỹ năng về tâm lý Y khoa giúp bệnh nhân tin tưởng, hy vọng và hồi phục sức khỏe tốt.

 

3. Giai đoạn chấp nhận:

Sau khi can thiệp phẫu thuật hoặc sử dụng các phương pháp điều trị khác bệnh nhân chuyển sang giai đoạn chấp nhận về căn bệnh của mình. Tiếp tục theo dõi và sử dụng các phương pháp điều trị tiếp theo với hy vọng đến đâu cũng được, “sống chung với lũ”. Họ không còn nghĩ nhiều đến cái chết và không còn mặc cảm về bệnh tật nữa.

Ở giai đoạn này, những niềm tin về số mệnh về tôn giáo và gia đình sẽ an ủi họ rất nhiều để vượt qua được những đau đớn, khổ hạnh của bệnh tật.

 

4. Giai đoạn chờ đợi:

Bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối, họ ít nghĩ đến cái chết, chấp nhận sự ra đi và hy vọng vào một cuộc sống tương lai ở thế giới khác. Giai đoạn này rất cần sự giúp đỡ của tôn giáo với các vị linh mục, nhà sư và những người thân trong gia đình. Vai trò của các chuyên gia tâm lý trong gia đoạn này cũng rất cần thiết để họ ra đi trong một niềm hy vọng.

Ngoài ra, mặc cảm về bị mất cơ quan bộ phận trong cơ thể xảy ra rất nhiều ở người trẻ tuôi. Ở những phụ nữ trẻ nếu bị đoạn nhũ, các rối loạn tâm lý tình dục sẽ xảy ra có khi phải vài năm mới khắc phục được.

Chính vì vậy khi tư vấn về phẫu thuật, thầy thuốc nên khuyên bệnh nhân phẫu thuật sớm khi khối u còn nhỏ. Ngoài việc điều trị tốt bệnh ung thư vú, bệnh nhân còn có cơ hội để tái tạo tuyến vú bằng chất liệu nhân tạo(túi ngực) hay bằng chính chất liệu của bản thân như dùng cơ lưng rộng, cơ thẳng bụng...

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top