✡️ Nâng ngực

Nội dung

Khi nào nên cân nhắc thực hiện nâng ngực

  • Mang thai, cho con bú, tác dụng của trọng lực, tăng hoặc giảm cân, quá trình lão hóa tự nhiên, và di truyền đều gây ảnh hưởng lên hình dáng của ngực, dẫn đến việc chảy xệ hoặc thừa da.
  • Nếu như bác sĩ cho rằng việc chỉ đặt túi ngực thì không đủ để đạt được hình dáng mơ ước của bệnh nhân.
  • Nếu như phần mô xung quanh núm vú hay quầng vú bị giãn.

Cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi nâng ngực

Lợi Hại
  • Hình dáng, sự cân đối của ngực được cải thiện
  • Ngực sẽ có hình dáng trẻ trung hơn
  • Vẻ ngoài trở nên đẹp hơn khi có hoặc không mặc quần áo và cải thiện được sự tự tin.
  • Hiệu quả của nâng ngực có thể giảm theo thời gian do lão hóa và trọng lực.
  • Phẫu thuật nâng ngực có thể để lại sẹo mà có thể được che lại bằng áo ngực hoặc áo tắm.
  • Nếu như mang thai sau khi đã phẫu thuật thì có thể gây ảnh hưởng đến kết quả của nâng ngực.

Trên đây là các yếu tố lợi và hại quan trọng nhất cần cân nhắc khi muốn thực hiện nâng ngực. Nếu như bạn muốn tập trung vào những thứ riêng nhất của bạn thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thẩm mỹ.

Bạn có phải là ứng viên phù hợp cho việc nâng ngực?

Nếu như bạn càng ngày càng cảm thấy không hài lòng với bộ ngực bị chảy xệ của mình, bạn có thể đang có do dự về phẫu thuật nâng ngực. Đừng ngạc nhiên khi bác sĩ gợi ý việc kết hợp phẫu thuật nâng ngực cùng với tăng hoặc giảm kích cỡ ngực; các thủ thuật phụ cũng có thể cần thiết thực hiện để đạt được kết quả mục tiêu của bạn.

Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp dẫn đến việc cân nhắc thực hiện nâng ngực:

  • Ngực lỏng lẻo nhưng kích cỡ vừa
  • Ngực kém săn chắc
  • Núm và quầng vú rũ xuống, đặc biệt khi chúng nằm dưới chân ngực
  • Ngực không cân đối; một bên có thể trông săn chắc và cân bằng, bên còn lại thì không
  • Ngực không đồng đều kích cỡ
  • Ngực nhỏ
  • Ngực khá to và nặng cũng có thể nâng được nhưng kết quả có thể không được lâu dài so với ngực nhỏ hơn; trọng lượng của ngực có thể gây cản trở tác dụng của phẫu thuật.
  • Đã hoàn thành kế hoạch sinh con và cho con bú. Nếu như có kế hoạch sinh thêm con thì bạn nên tạm hoãn việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ ở ngực. Thai kỳ có thể gây giãn ngực và làm giảm thể tích của chúng, gây ảnh hưởng đến kết quả của phẫu thuật thẩm mỹ.

Nếu như đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt, có thái độ tích cực và kết quả mong muốn nằm không quá xa rời thực tế, thì bạn có thể trở thành một ứng viên tốt cho phẫu thuật nâng ngực.

Phẫu thuật nâng ngực có thể giúp nâng hoặc định hình lại ngực bị chảy xệ, cùng với cải thiện hình dáng, độ đầy đặn và sự tự tin của bạn

Các thông tin chi tiết của phẫu thuật nâng ngực

Phẫu thuật nâng ngực được thực hiện như thế nào?

Phẫu thuật nâng ngực được thực hiện dưới gây mê tổng quát hoặc thuốc mê đường tĩnh mạch tại một bệnh viện, một trung tâm phẫu thuật độc lập, hay tại một viện thẫm mỹ có khu vực mổ. Có nhiều kỹ thuật cắt bỏ da ngực và tạo hình ngực khác nhau, và tùy loại mà bác sĩ sẽ quyết định đường cắt và sẹo khác nhau. Bác sĩ sẽ chọn lựa kỹ thuật dựa trên kích cỡ và hình dáng ngực của bạn, vị trí và kích cỡ của quầng vú, chất lượng và độ đàn hồi của da, và lượng da thừa của bạn.

  • Bác sĩ sẽ cắt bỏ đi phần da thừa và di chuyển núm vú và quầng vú đến vị trí cao hơn.
  • Nếu như quầng vú bị giãn, nó có thể được làm giảm kích cỡ.
  • Phần da lúc trước nằm trên quầng vú sẽ được đưa xuống cùng nhau nằm dưới ngực để tạo hình lại ngực.
  • Bác sĩ sẽ cắt bỏ phần da thừa và đóng vết mổ lại, làm săn chắc da, khâu ngực lại và đặt chỉ khâu vào sâu trong mô ngực để hỗ trợ ngực nằm đúng vị trí trong thời gian lâu hơn.
  • Các vết sẹo thường được giấu dưới ngực, mặc dù vậy vẫn có thể thấy vài sẹo nhỏ nằm trên ngực.
  • Núm và quầng vú vẫn sẽ còn được dính vào phần mô bên dưới chúng để có thể giữ lại cảm giác và chức năng cho con bú.
  • Ở một số bệnh nhân, có thể tránh được đường mổ nằm ngang phía dưới ngực cũng như đường mổ dọc chạy từ phía cạnh dưới của quầng vú tới chân ngực. Nếu như bạn là ứng viên tốt của kỹ thuật được cải tiến, bác sĩ sẽ thảo luận việc này với bạn

Có những lựa chọn nâng ngực nào?

Dưới đây là mô tả về những đường cắt khác nhau và các kỹ thuật mà bác sĩ sẽ có thể lựa chọn:

  • Đường mổ hình “mỏ neo”, được thực hiện xung quanh chu vi của quầng vú, dọc xuống chân ngực và đường ngang qua chân ngực, tạo ra nhiều sẹo nhất. Cách này dành cho những phụ nữ gặp phải tình trạng chảy xệ nặng mà không thể nào cải thiện bằng các kỹ thuật ít xâm lấn khác. Đường cắt này là kỹ thuật cổ điển nhất, thường được dùng khi kết hợp với phẫu thuật giảm kích cỡ ngực.
  • Phẫu thuật nâng ngực “kẹo mút”, còn được biết đến với tên đường cắt “lỗ khóa”, đường cắt đi theo chu vi quầng vú và đi dọc xuống chân ngực, đường cắt này phù hợp cho những phụ nữ có tình trạng chảy xệ trung bình mà không thể cải thiện hiệu quả bằng kỹ thuật “quầng vú”, và những người này không có nhu cầu đặt túi ngực.
  • Kỹ thuật “donut”, còn được biết đến với tên “đường cắt quầng vú”, đường cắt thực hiện theo chu vi quầng vú, thích hợp cho những phụ nữ có tình trạng chảy xệ từ nhẹ đến trung bình. Khi bác sĩ kết hợp với việc đặt túi ngực thì có thể tạo ra được kết quả hài lòng hơn ở các bệnh nhân bị chảy xệ rõ rệt hơn.
  • Kỹ thuật “trăng khuyết”, thường ít được sử dụng, là đường cắt đi theo nửa trên của quầng vú. Một phần da hình trăng khuyết được cắt ra ở phía trên đường cắt, và vùng da xung quanh được nối vào lại quầng vú. Kỹ thuật này thường được thực hiện cùng với phẫu thuật chỉnh sửa kích cỡ ngực ở những phụ nữ có tình trạng chảy xệ nhẹ. Kỹ thuật này không thể nâng ngực nhiều bằng các kỹ thuật khác.
  • Kỹ thuật “không sẹo”. Với một số ít phụ nữ lo ngại về việc giảm kích cỡ ngực nhiều hơn là tình trạng chảy xệ, có những kỹ thuật nâng ngực mà được quảng cáo là không gây sẹo có thể phù hợp với họ.

Các đường cắt sẽ đi theo các rãnh tự nhiên của ngực, định vị khu vực cắt và vị trí mới của núm vú

Phẫu thuật nâng ngực có thể được kết hợp cùng với đặt túi ngực, thermage, smart lipo và/hoặc kỹ thuật Quill thread để có thể nâng ngực với ít sẹo nhất. Tuy nhiên, tất cả các kỹ thuật trên đều tạo sẹo dù nhiều hay ít. Những kỹ thuật này phù hợp cho các bệnh nhân có tình trạng chảy xệ ít; và chúng cũng không thể nâng ngực được nhiều như những kỹ thuật sử dụng đường mổ rộng hơn.

Đường mổ và sẹo sẽ trông như thế nào?

Điều này có phụ thuộc vào loại kỹ thuật nào bác sĩ thực hiện. Bác sĩ có thể giấu một vài đường cắt vào trong các rãnh tự nhiên của ngực, nhưng có những đường sẹo có thể thấy rõ ở trên bề mặt của ngực.

Một phương pháp nâng ngực thông thường có 3 đường cắt:

  • Xung quanh quầng vú
  • Mở rộng xuống từ quầng vú đến chân ngực.
  • Đường ngang dọc theo chân ngực.

Mặc dù những đường cắt là không thể mất đi, ở trong hầu hết các trường hợp chúng có thể mờ dần và cải thiện theo thời gian. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ luôn cố gắng để giấu những vết sẹo vào vùng khuất và hạn chế tạo sẹo hết mức có thể, với mục tiêu cuối cùng là tạo được kết quả như mong muốn với ít sẹo nhất. Các kỹ thuật mổ và khâu cũng hạn chế được nhiều hơn việc tạo sẹo. 

Lựa chọn bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ

Chọn bác sĩ đáng tin tưởng

Lựa chọn bác sĩ dựa theo:

  • Bằng cấp và chuyên môn
  • Kinh nghiệm thực hiện nâng ngực
  • Mức độ thoải mái khi tiếp xúc.

Sau khi đã lựa chọn được bác sĩ, bạn cần phải đặt lịch tư vấn. Thông thường do buổi tư vấn sẽ rất chuyên sâu nên buổi khám đầu tiên sẽ có phí.

Buổi thăm khám tư vấn đầu tiên

Trong buổi tư vấn đầu tiên, bạn sẽ có cơ hội bày tỏ mong muốn của mình. Bác sĩ sẽ đánh giá xem bạn có phù hợp để thực nâng ngực hay không và kỹ thuật nào sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho bạn. Trong buổi tư vấn thì việc nói thật thẳng thắng với bác sĩ là rất quan trọng.

Bác sĩ sẽ thăm khám, đo đạc và chụp hình ngực của bạn cho hồ sơ bệnh án. Bác sĩ sẽ cân nhắc:

  • Kích cỡ và hình dạng hiện tại của ngực
  • Kích cỡ và hình dạng mong muốn của bạn
  • Chất lượng và số lượng mô vú của bạn
  • Chất lượng của da.
  • Vị trí của núm và quầng vú.

Nếu như bạn cảm thấy ngực của mình quá to hoặc quá nhỏ, bác sĩ sẽ khuyên nên thực hiện phẫu thuật tăng hoặc giảm kích cỡ ngực thay vì nâng ngực.

Bạn nên chuẩn bị đầy đủ thông tin tiền căn bệnh án của mình để thông báo cho bác sĩ. Những thông tin này bao gồm:

  • Các phẫu thuật trước đây, bao gồm cả sinh thiết vú.
  • Các bệnh đã từng mắc và bệnh đang mắc.
  • Các dị ứng và thuốc đang sử dụng.
  • Các điều trị y khoa mà bạn đã dùng.
  • Tiền căn ung thư vú trong gia đình.
  • Kết quả chụp nhũ ảnh hiện tại.

Nếu như bạn đang có kế hoạch giảm nhiều cân thì nên báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên ổn định cân nặng trước khi phẫu thuật.

Nếu như bạn nghĩ rằng bạn có thể sẽ muốn mang thai trong tương lai, nên báo cho bác sĩ biết. Thai kỳ có thể gây thay đổi kích cỡ ngực một cách không lường trước được và cũng có thể gây ảnh hưởng đến kết quả lâu dài của phẫu thuật nâng ngực.

Kế hoạch điều trị

Dựa vào mục tiêu, đặc tính thể chất của bạn và kinh nghiệm của bác sĩ, bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến cáo và thông tin với bạn, bao gồm:

  • Các kỹ thuật và phẫu thuật kèm theo có thể thực hiện.
  • Kết quả có thể dự đoán được.
  • Chi phí cuộc phẫu thuật.
  • Các nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra.
  • Lựa chọn gây mê và địa điểm phẫu thuật.
  • Những việc cần chuẩn bị cho cuộc mổ.
  • Những việc có thể xảy ra sau phẫu thuật.
  • Đưa ra các hình ảnh về những ca phẫu thuật tương tự trước đó và trả lời các thắc mắc của bạn.

Nên hỏi bác sĩ những gì?

Việc chủ động trong việc phẫu thuật rất quan trọng nên hãy sử dụng những câu hỏi dưới đây như là điểm khởi đầu trong buổi tư vấn đầu tiên.

  • Tôi có đủ điều kiện để phẫu thuật nâng ngực hay không?
  • Kết quả mà tôi mong đợi có hợp lý và khả thi hay không?
  • Bác sĩ có những hình ảnh chụp trước và sau khi phẫu thuật của những trường hợp tương tự hay không?
  • Sẹo của tôi có nhìn thấy rõ hay không? Tôi sẽ có sẹo ở những vị trí nào?
  • Chi phí cho phẫu thuật là bao nhiêu?
  • Tôi cần phải làm những gì để đạt được hiệu quả tốt nhất?
  • Tôi sẽ trải qua những gì ở giai đoạn hồi phục và khi nào thì tôi có thể quay trở lại hoạt động bình thường?
  • Phẫu thuật tôi sắp thực hiện có những nguy cơ và biến chứng gì?
  • Các biến chứng sẽ được giải quyết như thế nào?
  • Tôi có những lựa chọn gì nếu như kết quả phẫu thuật không như những gì được thỏa thuận?

Chuẩn bị cho phẫu thuật

Cần chuẩn bị như thế nào trước khi phẫu thuật nâng ngực?

Bác sĩ sẽ cung cấp những chỉ dẫn tiền phẫu chi tiết, trả lời bất kỳ câu hỏi nào bạn có, ghi nhận lại tiền căn bệnh lý chi tiết của bạn và thăm khám lâm sàng kỹ càng để đánh giá mức độ phù hợp của bạn đối với phẫu thuật nâng ngực.

Nếu như bác sĩ khuyến cáo bạn nên đạt được cân nặng tiêu chuẩn hoặc thay đổi lối sống, bạn cần cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất và để hạn chế tối đa khả năng xảy ra biến chứng.

Trước khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn:

  • Ngưng hút thuốc ít nhất 6 tuần trước phẫu thuật để cải thiện khả năng hồi phục sau mổ.
  • Tránh dùng aspirin, một số loại thuốc kháng viêm và một số thuốc thảo dược có khả năng gây xuất huyết.
  • Cho dù kỹ thuật nào được sử dụng thì việc đảm bảo lượng nước của cơ thể cũng rất quan trọng trước và sau khi phẫu thuật để đảm bảo việc hồi phục được an toàn.
  • Giữ mức sử dụng thức uống có cồn ở khoảng ít hơn 2-3 ly/lon 1 tuần.
  • Trước khi phẫu thuật, nên trữ các thức ăn nhiều đạm, ít muối ở trong tủ lạnh, bao gồm các thực phẩm chế biến sẵn, trái và rau củ cây tươi, và nhiều loại thức uống không protein và nước. Tránh các thức ăn, thức uống chứa nhiều muối trong quá trình hồi phục.
  • Trong lúc bạn đang hồi phục, tay của bạn sẽ bị giới hạn vận động, do đó nên trữ các loại hàng hóa mà bạn sẽ cần trong thời gian hồi phục ở những nơi dễ dàng tiếp cận (ở mức ngang tầm tay, không đặt ở vị trí quá cao hoặc quá thấp)
  • Trữ sẵn phim, các chương trình đã thu lại, tiểu thuyết, tạp chí. Nếu có thể, nên để loa và điều khiển ti vi ở cạnh giường.
  • Nên chuẩn bị sẵn một nhóm người hỗ trợ bạn trong thời gian hồi phục. Điều này vô cùng quan trọng cho quá trình hồi phục của bạn. Nếu như bạn có con nhỏ bé hơn 5 tuổi, bạn phải có người chăm sóc chúng giúp bạn trong vòng một tuần. Bạn không được nâng đồ, lái xe, hay giặt ủi và lau dọn nhà trong vòng 2 tuần đầu.
  • Nghỉ ngơi và nằm ngủ ngửa liên tục trong tư thế nằm cao đầu (25-45 độ) trong vài ngày hậu phẫu đầu tiên hoặc trong khi sưng phù còn chưa giảm. Bạn có thể kê thêm gối để đạt được độ cao phù hợp hoặc nằm ngủ trên ghế điều chỉnh được độ cao.
  • Tránh tắm, rửa bằng nước nóng, bồn tắm nước nóng và phòng tắm hơi trong vòng 2 đến 3 tuần đầu.
  • Nên quyết định trang phục bạn sẽ mặc trong vài ngày đầu tiên; nên chọn lựa những trang phục mở được từ phía trước. Mang giày dép có thể xỏ chân vào dễ dàng để bạn không cần phải cúi xuống.

Phẫu thuật nâng ngực thường được thực hiện ở bệnh nhân ngoại trú. Nên chắc chắn chuẩn bị người chở bạn về sau khi phẫu thuật và ở lại cùng với bạn ít nhất một đêm đầu tiên sau phẫu thuật.

Chuyện gì sẽ diễn ra trong ngày phẫu thuật?

Phẫu thuật nâng ngực sẽ được thực hiện tại bệnh viện hoặc phòng thẩm mỹ có chuyên môn và được cấp phép. Bác sĩ sẽ ước tính thời gian thực hiện phẫu thuật dựa trên kế hoạch phẫu thuật.

  • Bạn sẽ được cho dùng thuốc để cảm thấy thoải mái trong lúc thực hiện phẫu thuật.
  • Gây mê tổng quát thường được dùng trong phẫu thuật nâng ngực, mặc dù biện pháp gây tê tại chỗ hoặc thuốc mê tĩnh mạch cũng được ưu tiên sử dụng trong vài trường hợp.
  • Để đảm bảo an toàn cho bạn, một vài thiết bị theo dõi sẽ được sử dụng để kiểm tra tim, huyết áp, mạch và lượng oxy lưu thông trong máu.
  • Bác sĩ sẽ thực hiện theo kế hoạch đã được bàn trước cùng bạn.
  • Khi phẫu thuật bắt đầu, bác sĩ sẽ quyết định kết hợp sử dụng nhiều kỹ thuật hoặc thay đổi kỹ thuật nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Việc bạn cảm thấy thoải mái và tin tưởng quyết định bác sĩ có vai trò rất quan trọng.
  • Sau phẫu thuật, một miếng băng lớn sẽ được quấn quanh ngực bạn hoặc bạn sẽ được cho một áo cố định ngực. Các ống dẫn lưu có thể được đưa vào ngực của bạn.
  • Bạn sẽ được đưa đến khu vực hồi tỉnh mà tại đó bạn sẽ tiếp tục được theo dõi chặt chẽ.
  • Trước khi về nhà, bạn (hoặc người chăm sóc bạn) sẽ phải thực hiện được việc làm trống và gắn lại các bịch chứa dịch dẫn lưu.

Bạn sẽ có thể được cho về nhà sau một thời gian ngắn theo dõi trừ khi bạn và bác sĩ có kế hoạch khác sau khi hồi tỉnh sau phẫu thuật nâng ngực.

Việc chăm sóc và hồi phục sau phẫu thuật

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về thời gian mà bạn có thể quay trở lại làm việc và sinh hoạt như bình thường. Sau phẫu thuật, bạn và người chăm sóc nên nhớ rõ các chỉ dẫn về việc chăm sóc hậu phẫu, bao gồm các thông tin về:

  • Dẫn lưu nếu được đặt
  • Các triệu chứng thường gặp
  • Các dấu hiệu của biến chứng

Ngay sau khi phẫu thuật

Thông thường, bạn sẽ được quấn băng, mang một dụng cụ cố định và được đặt một vài ống dẫn lưu.

Khi thuốc mê hết tác dụng, bạn sẽ bắt đầu thấy đau. Nếu như cơn đau quá nặng hoặc kéo dài, bạn nên thông báo với bác sĩ ngay. Bạn cũng sẽ bị sưng đỏ sau khi phẫu thuật. Nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu như cơn đau, sưng đỏ là bình thường hay là dấu hiệu của một vấn đề khác.

Một số tác dụng phụ khác của phẫu thuật nâng ngực là gây bầm, tê, và thay đổi sự nhạy cảm ở núm vú, cảm giác ngứa ngáy ở vị trí vết mổ và sự cứng và căng ở mô vú. Các triệu chứng này thường sẽ suy giảm ở những tuần tiếp theo, tuy nhiên có một số triệu chứng sẽ kéo dài đến khoảng vài tháng sau phẫu thuật.

Các mốc thời gian của quá trình hồi phục

Việc tuân thủ theo các chỉ dẫn của bác sĩ là cực kỳ quan trọng. Việc này bao gồm các hướng dẫn về mang mặc dụng cụ cố định, chăm sóc ống dẫn lưu, sử dụng kháng sinh nếu có và mức độ vận động nào là an toàn cho bạn. Bác sĩ cũng sẽ cung cấp các chỉ dẫn chi tiết về các triệu chứng bình thường mà bạn có thể gặp và các dấu hiệu của biến chứng. Thời gian hồi phục của mỗi người mỗi khác, bạn nên chú ý điều đó.

Tuần đầu tiên

  • Ngày đầu tiên sau mổ, bạn sẽ được khuyến khích di chuyển ra khỏi giường  trong một thời gian ngắn.
  • Sau nhiều ngày, bạn có thể di chuyển qua lại một các thoải mái hơn.
  • Tránh gắng sức, cúi người và nâng vật nặng vì những hoạt động đó có thể làm tăng sưng phù và chảy máu.
  • Bạn sẽ có thể được hướng dẫn cách nằm ngửa khi ngủ để hạn chế gây áp lực lên vùng ngực.
  • Bất kỳ ống dẫn lưu nào cũng sẽ được rút ra trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, vào những thời điểm đó thì băng cũng sẽ được thay hoặc tháo bỏ.
  • Trong vòng 2 đến 5 ngày, vùng ngực của bạn sẽ có cảm giác cứng và đau.

Hai đến sáu tuần sau

  • Sau khi phẫu thuật nâng ngực khoảng một tuần, bạn có thể quay trở lại làm việc tùy vào công việc của bạn là gì.
  • Bạn nên tránh các hoạt động nặng trong vòng 2 tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Sau đó, nên nhẹ nhàng hết mức có thể đối với vùng ngực trong vòng 1 tháng tiếp theo.
  • Tránh các hoạt động tình dục trong ít nhất 1 hoặc 2 tuần, nhưng bác sĩ cũng có thể sẽ khuyên bạn tránh trong thời gian lâu hơn. Sau đó, nên nhớ phải hết sức nhẹ nhàng với vùng ngực của bạn trong vòng ít nhất vài tuần.
  • Bạn có thể sẽ được hướng dẫn cách mang áo ngực hỗ trợ trong một vài tuần, cho đến khi sưng giảm và vùng da bị đổi màu trên ngực mờ đi.
  • Thông thường, chỉ phẫu thuật sẽ được tháo bỏ theo từng giai đoạn trong khoảng thời xấp xỉ 3 tuần, bắt đầu từ thời điểm 1 tuần sau phẫu thuật.
  • Bạn có thể sẽ cảm thấy ít nhạy cảm hơn ở vùng núm và quầng vú. Đây thường chỉ là tình trạng tạm thời; tuy nhiên, có thể sẽ mất vài tuần, tháng thậm chí hơn 1 năm để có thể đạt lại mức nhạy cảm thông thường.
  • Ngực của bạn cần một khoảng thời gian để quay trở lại hình dáng tự nhiên.
  • Các vết mổ lúc đầu sẽ có màu đỏ hoặc hồng. Chúng sẽ tiếp tục như vậy trong vòng nhiều tháng sau phẫu thuật.
  • Ở nhiều trường hợp, bạn có thể trở lại thực hiện các hoạt động thường ngày, bao gồm cả các bài tập thể dục nhẹ sau nhiều tuần.
  • Bạn sẽ có thể tiếp tục cảm thấy khó chịu nhẹ theo từng cơn trong khoảng thời gian này, nhưng những cảm giác đó là bình thường. Nếu như cơn đau trở nên nặng hơn, bạn nên báo cho bác sĩ ngay

Kết quả sẽ kéo dài trong bao lâu?

Nếu như phẫu thuật nâng ngực được thực hiện một cách chỉnh chu, ngực của bạn sẽ không quay trở lại hình dáng trước khi phẫu thuật trong vòng vài thập niên, nếu như bạn không thay đổi cân nặng quá thất thường và mang thai. Một số thay đổi có thể sẽ xảy ra nhưng vị trí của núm vú sẽ không di chuyển. Nên hỏi bác sĩ về kỹ thuật đã được sử dụng. Thông thường, bác sĩ sẽ không thực hiện thủ thuật nâng da đơn giản, họ sẽ tái tạo lại toàn bộ mô vú, mang đến tác dụng nâng ngực kéo dài hơn.

Tiếp tục duy trì mối quan hệ với bác sĩ

Để đảm bảo tính an toàn, cũng như kết quả khỏe mạnh và đẹp nhất, việc quay trở lại phòng khám của bác sĩ để tái khám theo chỉ định hoặc khi bạn cảm giác có sự thay đổi nào là rất quan trọng. Không nên chần chừ việc liên hệ với bác sĩ mỗi khi bạn có thắc mắc hay lo lắng gì.

Chi phí liên quan

Chi phí cho phẫu thuật nâng ngực dao động tùy theo bác sĩ và vùng miền.

Do phẫu thuật nâng ngực là phẫu thuật thẩm mỹ tự chọn nên bảo hiểm sẽ không chi trả. Nhiều nơi còn cho phép bệnh nhân chi trả theo kế hoạch để dễ dàng cho bệnh nhân hơn.

Lựa chọn bác sĩ dựa theo chất lượng và kình nghiệm chứ không phải chi phí.

Các hạn chế và rủi ro

May mắn là việc xảy ra biến chứng ở các trường hợp nâng ngực thường không hay gặp. Nhưng nguy cơ liên quan đến từng cá nhân sẽ được thảo luận trong buổi tư vấn. Tất cả các phẫu thuật đều tồn tại rủi ro. Một số biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ có thể gặp là:

  • Phản ứng thuốc mê
  • Tụ máu hay huyết thanh (tích tụ máu hay dịch nằm phía dưới da mà có thể cần phải được lấy ra)
  • Nhiễm trùng hoặc xuất huyết
  • Thay đổi cảm giác
  • Sẹo
  • Phản ứng dị ứng
  • Tổn thương mô nền bên dưới
  • Kết quả không mong muốn mà có thể sẽ cần phải thực hiện thêm vài phẫu thuật nữa.

Bạn có thể giúp làm giảm thiểu các nguy cơ bằng cách tuân thủ các chỉ dẫn và lời khuyên của bác sĩ cả trước và sau khi phẫu thuật.

 

Thông tin liên hệ

return to top