✡️ Phẫu thuật cắt bỏ da thừa

Nội dung

Phẫu thuật cắt da thừa là gì?

Phẫu thuật được thực hiện để loại bỏ phần da và mỡ lỏng lẻo ở phần bụng dưới. Trong đó, bác sĩ sẽ thực hiện đường mổ ngang ở vùng trên xương mu, nằm giữa hai hông và có thể thêm một đường mổ từ xương ngực cho đến xương chậu để loại bỏ phần mỡ và da thừa.

Chống chỉ định

Bệnh nhân có thể không phù hợp để thực hiện phẫu thuật nếu như có bệnh nền đang không được kiểm soát tốt như tiểu đường, bệnh tim, bệnh phổi. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ biến chứng. Bệnh nhân cũng không đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật nếu như hút thuốc lá.

Phẫu thuật cắt da thừa thường được thực hiện ở người trưởng thành và một số trường hợp ở trẻ vị thành niên sau khi đã thực hiện phẫu thuật thu nhỏ dạ dày giảm cân. Bệnh nhân nên giữ được cân nặng ổn định trong vòng 6 tháng trước khi thực hiện phẫu thuật.

Nếu như bệnh nhân đang có dự định thực hiện giảm nhiều cân thì bác sĩ có khả năng sẽ khuyên tạm hoãn cuộc phẫu thuật cho đến khi cân nặng được duy trì ở mức ổn định.

Các nguy cơ có thể xảy ra

Các nguy cơ của phẫu thuật cắt da thừa bao gồm:

  • Da lỏng lẻo;
  • Sẹo;
  • Mất da;
  • Tổn thương thần kinh;
  • Nhiễm trùng;
  • Tình trạng lành vết thương kém;
  • Tụ dịch;
  • Hoại tử mô.

Mục đích của phẫu thuật cắt da thừa

Phần da thừa có thể hình thành sau khi giảm một lượng cân nặng đáng kể nhờ vào phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hoặc thay đổi lối sống. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể do lão hóa, các phẫu thuật trước đó, mang thai hoặc di truyền.

Bác sĩ có thể sẽ khuyên thực hiện phẫu thuật cắt da thừa nếu như phần da và mỡ thừa ờ vùng bụng dưới bị giãn lỏng lẻo đến đùi, đặc biệt là nếu như tình trạng này gây đau, ngứa, và làm cản trở sinh hoạt hàng ngày như việc đi bộ hoặc vệ sinh cá nhân. Phẫu thuật cắt da thừa có thể giúp ngăn ngừa việc ngứa và nhiễm trùng da tái lại ở những vùng nếp gấp da.

Phẫu thuật cắt da thừa có thể được biết đến như một dạng thủ thuật tạo hình cơ thể do nó cũng làm thon gọn lại vùng bụng. Nhưng phẫu thuật cắt da chỉ có mục đích là loại bỏ vùng da và mỡ thừa và không được xem như là phẫu thuật thẩm mỹ.

Nếu như mục đích của bệnh nhân là cải thiện vẻ ngoài thì nên lựa chọn phẫu thuật thu nhỏ vòng bụng, loại phẫu thuật ngoài việc loại bỏ mỡ còn làm săn lại các cơ vùng bụng.

phẫu thuật cắt bỏ da thừa

Khi nào đủ điều kiện thực hiện?

Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân quyết định xem liệu phẫu thuật cắt da thừa có thực sự cần thiết và an toàn cho bệnh nhân hay không. Bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm trước khi quyết định lịch phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt bỏ da thừa có thể được bảo hiểm chi trả nếu như tình trạng da thừa gây ra các vấn đề về y khoa, ví dụ như nổi mẫn đỏ, viêm loét mà không đáp ứng với điều trị, hoặc làm cản trở sinh hoạt hàng ngày và có thể giải quyết bằng phẫu thuật. Nếu thực hiện phẫu thuật cắt bỏ da thừa chỉ vì tính thẩm mỹ thì bệnh nhân sẽ phải tự chi trả.

Chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật

Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được hẹn trước để trao đổi thêm một số vấn đề với bác sĩ như chuẩn bị, các lưu ý, nguy cơ và kết quả thường gặp. Bệnh nhân cũng nên sắp xếp người thân đưa đón cũng như chăm sóc sau phẫu thuật.

Nên thực hiện phẫu thuật cắt bỏ da thừa ở đâu?

Phẫu thuật sẽ được thực hiện tại bệnh viện hoặc một trung tâm ngoại khoa đã được cấp giấy phép và có đầy đủ các trang thiết bị hỗ trợ. Tại TP.HCM, Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong những cơ sở không những có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nhiều năm kinh nghiệm mà còn có đội ngũ Gây mê hồi sức, phòng mổ hiện đại giúp hạn chế được tối đa những biến chứng có thể xảy ra.

Những lưu ý trước khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ da thừa

Trang phục

Mặc những trang phục rộng rãi thoải mái để có thể thay đổi dễ dàng. Bạn sẽ được hướng dẫn đồ mổ trước giờ thực hiện phẫu thuật.

Việc ăn uống

Tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ về thời điểm ngưng ăn và uống trước khi phẫu thuật.

Thuốc

Nhiều ngày trước khi phẫu thuật diễn ra, bác sĩ sẽ yêu cầu ngưng dùng các thuốc như asprin, Advil (ibuprofen), Coumadin (warfarin), và bất cứ loại thuốc nào gây ảnh hưởng đến việc đông cầm máu. Hãy hỏi bác sĩ ngay về các thuốc đang sử dụng trước ngày phẫu thuật.

Nhằm tránh xảy ra các biến chứng, nên báo cho bác sĩ biết về các thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thảo dược, và vitamins.

Nên mang theo những gì

Nên nhớ mang theo giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế, quần áo phòng cho nhu cầu cần thay sau khi phẫu thuật và ở lại qua đêm. Nên nhớ sắp xếp chuẩn bị người đưa đón về nhà sau phẫu thuật.

Thay đổi lối sống trước phẫu thuật

Bác sĩ thường sẽ yêu cầu bệnh nhân bỏ thuốc lá, ít nhất là 3 đến 6 tuần trước khi mổ. Hút thuốc lá làm giảm lượng máu và oxygen nuôi các tế bào, dẫn đến hoại tử các tế bào, làm chậm quá trình lành vết thương, hình thành cục máu đông, và các biến chứng gây tử vong như đột quỵ. Để ngăn ngừa các biến chứng này thì nên hỏi bác sĩ về các yếu tố nguy cơ cá nhân đang có trước khi lên lịch mổ.

Điều gì sẽ xảy ra trong ngày mổ

Trước khi thực hiện phẫu thuật cắt da thừa, một nhân viên y tế sẽ kiểm tra sinh hiệu cho bệnh nhân và hỏi bệnh nhân về các tiền căn bệnh lý. Bệnh nhân sẽ được gây mê cục bộ.

Quá trình mổ

Bác sĩ sẽ thực hiện đường mổ chạy ngang ở vùng giữa rốn và xương mu. Các phần da và mỡ thừa sẽ được cắt ra bằng các dụng cụ mổ thông qua đường mổ trên. Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ thường hiện đường mổ dọc nếu như bệnh nhân có da và mỡ thừa theo chiều dọc.

Phần da bụng còn lại ở phía trên sẽ được kéo xuống và đường mổ sẽ được khâu lại bằng chỉ phẫu thuật. Các ống dẫn lưu nhỏ sẽ được đặt tạm thời dưới da nhằm ngăn chặn sự tích tụ dịch.

Phẫu thuật thường kéo dài từ 3 đến 5 tiếng phụ thuộc vào lượng mỡ và da cần được cắt bỏ. Nên thảo luận với bác sĩ trước khi mổ để biết thêm chi tiết về các kỹ thuật sẽ được thực hiện.

Quá trình phục hồi

Bác sĩ sẽ cho dùng thuốc giảm đau để bệnh nhân thấy dễ chịu hơn sau khi mổ. Nếu như được đặt ống dẫn lưu thì bác sĩ sẽ hướng dẫn quá trình chăm sóc bao gồm ghi nhận lượng dịch chảy ra và cách làm sạch dẫn lưu.

Hạn chế các hoạt động gắng sức trong vòng 4 đến 6 tuần sau khi mổ. Bệnh nhân có thể quay trở lại làm việc trong vòng 4 tuần.

Bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám và ống dẫn lưu có thể được rút ra vào lúc đó.

Quá trình lành vết thương

Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau, sưng, và bầm cũng như có cảm giác tê và mệt mỏi trong vài ngày sau đó.

Nhằm giảm bớt áp lực lên vùng bụng thì bệnh nhân nên hơi co chân và gập người nhẹ trong quá trình nghỉ ngơi. Bác sĩ khuyên chỉ nên tắm sau khi mổ 48 giờ. Có thể đến khoảng 3 tháng sau thì sưng phù mới giảm bớt và vết thương mới lành hoàn toàn.

Nếu như gặp phải các biến chứng như khó thở, đau ngực, nhịp tim không ổn định, hoặc đau và sưng tăng nhiều, nên liên hệ bác sĩ ngay lập tức.

Tâm lý trong khi phục hồi

Phẫu thuật cắt da thừa có thể giúp bệnh nhân cảm thấy tự tin hơn về ngoài hình của mình nhưng nó cần có thời gian. Vết sẹo sau mổ có thể cần một thời gian để mờ đi hoặc cần đến các liệu pháp điều trị thẩm mỹ khác.

Tổng kết

Hãy hỏi bác sĩ về các thắc mắc của mình về phẫu thuật cắt da thừa, thời gian hồi phục và kết quả mình mong muốn. Phẫu thuật cắt da thừa là một phẫu cần nhiều thời gian để hồi phục. Tuy nhiên, nếu như bệnh nhân gặp phải tình trạng da thừa sau khi giảm cân, phẫu thuật có thể thay đổi tình trạng thể chất và cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ.

Xem thêm: Lưu ý sau khi thực hiện phẫu thuật thu nhỏ vòng bụng

 

Thông tin liên hệ

return to top