✴️ Làm sao để bảo vệ chức năng thận

Thận là một cơ quan rất quan trọng của cơ thể. Thận thực hiện các chức năng :

  • Ổn định thể dịch, điện giải và kiềm toan: Đây là chức năng quan trọng nhất. Măc dù lượng nước và điện giải nhập vào cơ thể thay đổi nhưng nhờ sự bài tiết nước tiểu của thận giúp giữ vững nước và chất điện giải như K+, Na+ , H+...

  • Bài tiết các chất dư thừa từ sự chuyển hóa của cơ thể. Các chất nội sinh từ sự chuyển hóa của cơ thể gồm sản phẩm có chứa Nitơ ( Ure, Creatinine) và các Acid hữu cơ, ngoài ra Thận còn giúp loại thải các chất ngoại sinh được đưa vào cơ thể như dược chất.

  • Bài tiết Hormon giúp điều hòa huyết áp( Renin), sản xuất hồng cầu( Erythropoietin) và khoáng chất và xương( Hoạt hóa Vitamin D thành 1,25-diOH cholecalciferol)

Ngày nay, các bệnh về thận ngày càng tăng nhiều, theo bệnh viện Bạch Mai tại buổi lễ kỷ niệm “Ngày Thận Thế giới” (12/3/2015), hiện nay có tới 6.73% dân số Việt Nam mắc bệnh thận, trong đó, những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu chiếm 0.09% dân số, và chỉ 10% trong số đó được lọc máu, 90% đều tử vong. Cũng theo thống kê của Hội Thận học Thế giới , trên thế giới có hơn 500 triệu người đang có vấn đề bệnh lý mãn tính ở thận. Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường.

Những người mắc bệnh thận mạn tính sẽ tiến triển dẫn đến suy thận mạn tính, làm mất chức năng thận và phải dùng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận. Trong khi đó, đây là bệnh có thể kiểm soát được nếu như người bệnh phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng.

Muốn phòng ngừa, kiểm soát và làm chậm diễn tiến bệnh thận , cần tuân thủ tốt các bước sau :

Hoạt động thể lực phù hợp

Thiếu hoạt động thể chất là nguyên nhân gốc rễ của nhiều loại bệnh liên quan đến lối sống. Điều này khiến bạn dễ bị cao huyết áp, bệnh tim, béo phì và thậm chí cả bệnh tiểu đường.

Những bệnh nhân tiền tiểu đường, người có nguy cơ bị biến chứng vì tiểu đường, có thể kiểm soát lượng đường trong máu của họ bằng cách tập thể dục 30 phút/ngày.

Tập thể dục cũng giúp kiểm soát cholesterol, huyết áp và cân nặng của bạn. Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và huyết áp cao, đó cũng là những yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh thận.

hoạt động thể lực đúng cách giúp ngăn ngừa suy thận

Kiểm soát tốt đường huyết

Luôn giữ đường huyết ổn định trong giới hạn cho phép (< 7mmol/l lúc đói và< 10mmol/l sau ăn 2h).

Bệnh tiểu đường làm tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của thận và  là nguyên nhân chính gây suy thận. Bị đái tháo đường có nghĩa là đường trong máu cao. Khi đó, thận phải làm việc vất vả hơn để lọc máu. Theo năm tháng, do tăng cường làm việc quá nhiều, thận sẽ bị tổn thương gây rò rỉ một lượng nhỏ protein vào trong nước tiểu.
Tổn thương ngày một nặng dần và rò rỉ nhiều protein hơn vào nước tiểu. Lúc này, huyết áp sẽ có chiều hướng tăng dần, các chất thải cũng tích tụ dần trong máu. Nếu không điều trị, chức năng hoạt động của thận sẽ bị suy yếu. Một khi thận bị suy hoàn toàn thì người bệnh cần phải lọc máu qua máy (chạy thận nhân tạo) hoặc ghép thận. 

Biến chứng thận hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm soát tốt đường huyết và các yếu tố nguy cơ. Kiểm soát tốt đường huyết có thể làm giảm đến 1/3 nguy cơ xuất hiện protein niệu vi thể và giảm 1/2 nguy cơ tiến triển từ protein niệu vi thể thành protein niệu đại thể.

Theo dõi huyết áp

Giữ Huyết áp ≤ 120/80mmHg. Huyết áp cao không chỉ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ và bệnh tim mạch, huyết áp cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp và bệnh thận, hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên. Bạn nên thực hiện một cuộc sống lành mạnh, duy trì mức độ cholesterol ổn định.

Bốn cách đơn giản để hạ HA phải thực hiện đồng thời là: giảm cân (nếu có thừa cân); ăn nhạt, bỏ rượu, thuốc lá và tập thể dục đều đặn. Nếu các biện pháp này không có hiệu quả thì cần dùng các thuốc hạ HA sớm. Một nghiên cứu trên các bệnh nhân đã có biến chứng thận trong 16 năm cho thấy điều trị kiểm soát tốt HA có thể làm giảm tỉ lệ bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối từ 73% xuống 31%.

Chế độ ăn phù hợp và kiểm soát cân nặng

Không uống nhiều rượu và nên ăn các thức ăn có lợi như ít muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả. Một số loại thức ăn ít muối như thực phẩm tươi, trái cây, củ hành, tiêu, chanh, gừng...

Uống lượng nước thích hợp

Uống nhiều nước giúp thận làm sạch natri, urê và độc tố khác từ cơ thể một cách lành mạnh. Nước sẽ giúp cho 2 quả thận và toàn bộ cơ thể bạn khỏe mạnh. Nước có nhiệm vụ pha loãng nước tiểu, nhờ đó cũng giảm tải cho thận khi phải bài tiết. Nước tiểu được bài tiết nhanh chóng còn giúp ngăn ngừa hình thành sỏi.

Không hút thuốc lá

Hút thuốc làm tăng huyết áp, thuốc lá cũng làm lắng đọng cholesterol trong các mạch máu lớn, giảm lượng máu cung cấp cho thận. Điều này có nghĩa là nồng độ oxy trong thận giảm, gây ra tình trạng thiếu oxy, làm giảm bớt khả năng hoạt động tối ưu của thận.

Dùng thuốc theo đúng chỉ định bác sĩ

Không nên lạm dụng thuốc bừa bãi, nhất là thuốc nam, thuốc bắc vì trong thuốc nam, thuốc bắc có chứa Kali và các chất độc thận khác sẽ làm bệnh thận càng nặng hơn, khó kiểm soát và nguy hiểm tính mạng.

Nếu bị bệnh, bị đau khớp hay các bệnh gây đau khác cần phải uống thuốc, bạn nên đi khám bác sĩ và uống thuốc theo chỉ định, liều lượng của bác sĩ kê đơn.

Kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ

Người cao tuổi, bị tiểu đường, tăng huyết áp hoặc gia đình có người bị bệnh thận là những yếu tố dễ bị suy thận. Khám bác sĩ chuyên khoa thận học định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm. Khi khám thận cần chú ý kiểm tra huyết áp, nước tiểu, xét nghiệm máu. Nếu người thân, có thể là bố hoặc mẹ có tiền sử mắc bệnh về thận, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm để có cách phòng ngừa.

 

Các biểu hiện của bệnh thận thường âm thầm và không rõ rệt thường gặp là mất cảm giác ngon miệng, choáng váng và nôn. Mệt mỏi, khó tập trung, giảm trí nhớ và mất ngủ... có thể do thiếu máu, do chức năng thận suy giảm nên không loại bỏ được các chất độc.Có vị tanh trong miệng hoặc hơi thở hôi, choáng váng, buồn nôn, mất cảm giác ngon miệng, sợ ăn thịt, khó tập trung, bị ngứa.Phù ở mặt, chân hoặc tay, khó thở, hụt hơi.Đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có bọt hoặc bong bóng, đi tiểu ra máu.Thiếu máu: mệt mỏi, yếu sức, luôn thấy lạnh, khó thở, lú lẫn...Ngoài ra còn nhiều dấu hiệu xuất hiện ở bệnh nhân suy thận như: ngứa ngoài da, có thể là do hàm lượng phospho và canxi trong máu cao. Khi bạn có các biểu hiện nói trên cần đi khám bác sĩ chuyên khoa thận ngay để tầm soát, điều trị và kiểm soát  để làm chậm diễn tiến bệnh thận.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top