✴️ Suýt chết vì sặc nguyên múi mít vào đường thở

Nội dung
Bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não, nằm một chỗ. Sau khi người nhà cho ăn nguyên một múi mít ướt, sau đó bệnh nhân bị nghẹn, gồng người, thở hước.

BV Nguyễn Tri Phương tiếp nhận một trường hợp hóc dị vật đường thở nghiêm trọng. Bệnh nhân Trần Văn S. (1956, Bình Chánh) vốn có tiền sử bị tai biến mạch máu não, nằm một chỗ, ăn uống do người nhà chăm sóc. Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng chăm sóc, nên sáng ngày 23/1, người nhà cho bệnh nhân ăn nguyên một múi mít ướt, sau đó bệnh nhân bị nghẹn, gồng người, thở hước.

Ngày 25/1/2018, TS. BS. Trần Văn Thi, Trưởng Khoa Nội Hô hấp (BV Nguyễn Tri Phương) vừa cảnh báo như trên.

Ngay lập tức người nhà đưa vào cấp cứu tại BV Bình Chánh. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán hốc dị vật đường thở, đặt nội khí quản trợ giúp thở và chuyển lên BV Nguyễn Tri Phương. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, bóp bóng qua nội khí quản, suy hô hấp nặng.

“Chúng tôi tiếp tục bóp bóng đồng thời chụp MSCT ngực để xác định vị trí dị vật. Bác sĩ điều trị Phan Vĩnh Khang đã tiến hành nội soi phế quản, thấy múi mít nằm gọn trong phế quản, bít lòng phế quản. Đây là mít ướt nên thường khó lấy hơn mít khô vì nó nhão, nên bác sĩ điều trị phải phối hợp kỹ thuật vừa gắp vừa hút để lấy dị vật ra ngoài,” BS. Thi cho biết.

Múi mít gây tắc nghẽn đường thở khiến bệnh nhân suy hô hấp ngay lập tức

Hiện tại, sau khi lấy được dị vật ra thì phổi đã suy hô hấp, thể trạng suy kiệt, đề kháng rất kém, bệnh nhân vẫn lơ mơ, nhưng oxy máu cải thiện hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo dị vật đường thở rất thường gặp, dễ xảy ra trên các đối tượng có rối loạn tri giác như say rượu, bệnh nhân tai biến phản xạ nuốt không tốt, khi cho ăn uống không đúng cách dễ sặc vào phổi. Các loại dị vật thường rất nguy hiểm nếu bị sặc vào phổi. Nếu dị vật nhỏ bệnh nhân thường ho sặc sụa và dễ bỏ qua giai đoạn đó. Đối với dị vật lớn, bệnh nhân có thể bị rơi vào suy hô hấp ngay.

 

Bệnh nhân Trần Văn S. được chăm sóc tại khoa Nội Hô hấp, BV Nguyễn Tri Phương

 

Điều may mắn là bệnh nhân S. vào viện sớm nên có thể lấy dị vật ra nhanh chóng, không “rơi rớt”. Tuỳ tính chất, dị vật như hạt có ngạch (quả sapoche hay còn gọi là hồng xiêm) khi lấy có thể xước, dính vào niêm mạc đường dẫn khí, dẫn đến nguy cơ tổn thương cao; hoặc các loại hạt tròn nhỏ (đậu phụng) để lâu sẽ mũn, nguy cơ không lấy hết được gây ra các ổ nhiễm trùng, tắc đường dẫn khí nhỏ, tình trạng viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần.

Bên cạnh đó, TS. BS. Thi khuyến cáo, các bệnh nhân bị tai biến cần được chăm sóc và cho ăn uống đúng cách, như bệnh nhân này, phản xạ nuốt kém lại nằm liệt, người nhà cho ăn nguyên một múi mít rất dễ gây sặc. Vì vậy, thức ăn nên cắt nhỏ, làm mềm, thậm chí ở dạng loãng giúp bệnh nhân ăn uống được, hấp thu đầy đủ dưỡng chất tránh suy kiệt.

An Quý

return to top