Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là sự bất thường trong nhịp đập của tim, gây ra tình trạng tim đập quá nhanh (trên 100 nhịp/phút), hoặc quá chậm (dưới 60 nhịp/phút) hoặc không đều. Khi tim đập quá nhanh được gọi là rối loạn nhịp tim nhanh. Tim đập quá chậm là rối loạn nhịp tim chậm. Tim đập không đều, bỏ nhịp là ngoại tâm thu.
Tất cả những loại rối loạn nhịp tim này đều có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Khi đó, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tạo ra các dấu hiệu cảnh báo. Thậm chí trong các trường hợp rối loạn nhịp tim nặng, tim có thể ngừng đập đột ngột cực kỳ nguy hiểm.
Các loại rối loạn nhịp tim thường gặp
Dựa vào vị trí phát nhịp bất thường, tần số tim, nguyên nhân và đặc điểm của nhịp tim (nhanh, chậm, đều, không đều hay bỏ nhịp), rối loạn nhịp tim được phân loại thành rất nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến nhất là các dạng sau:
Nhịp nhanh xoang
Nhịp nhanh xoang là nhịp tim nhanh do nút xoang bị kích thích. Tần số tim từ 100 lần/phút trở lên và có thể tới 140 lần/phút ở người trưởng thành. Ở trẻ sơ sinh, nhịp nhanh xoang có khi vượt quá 200 lần/phút. Nhịp nhanh xoang thường không ổn định, tăng lên khi gắng sức hay khi thay đổi tư thế.
Triệu chứng của nhịp nhanh là hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, đau ngực, run tay, hoa mắt, choáng… Nhịp nhanh xoang cũng đáp ứng với nghiệm pháp ấn nhãn cầu hay xoa xoang cảnh, nghĩa là nhịp tim chậm lại dần dần qua trung gian giao cảm...
Chẩn đoán nhịp nhanh xoang rất dễ dàng dựa vào đếm nhịp tim và điện tâm đồ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là chẩn đoán và điều trị nguyên nhân. Vì vậy trong một số trường hợp bệnh lý cụ thể, cần phải khám bệnh tại bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi có triệu chứng hồi hộp nhiều và thường xuyên, khó thở, đau ngực, hoa mắt, choáng...
Rung nhĩ
Thông thường mỗi một chu kỳ co bóp của tim, xung động điện lan toả ra tâm nhĩ trước làm cho tâm nhĩ đang chứa đầy máu co lại, tống máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Sau đó xung động điện lại đi theo một hệ thống dẫn truyền tới tâm thất làm cho hai tâm thất co bóp cùng một lúc. Khi tâm thất phải co, máu được đẩy lên phổi. Khi tâm thất trái co, máu đi đến các cơ quan trong cơ thể. Vì thế, khi tim co bóp đều đặn, máu được đưa nhịp nhàng đi đến khắp các cơ quan.
Những xung động điện này chỉ huy tim đập đều đặn suốt ngày đêm trong cả cuộc đời. Bình thường, tim đập khoảng 60 - 100 lần/phút khi nghỉ và nhanh hơn khi gắng sức. Nếu quá trình hình thành và lan truyền xung điện của tim hoạt động không bình thường, sẽ dẫn đến co bóp của tim sẽ bị rối loạn. Khi xung động không xuất phát từ nút xoang mà thay vào đó xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau trong hai buồng tâm nhĩ sẽ dẫn đến kích thích cơ nhĩ liên tục.
Trong rung nhĩ, xung động điện hình thành rất nhanh (thường > 400 lần/phút) và không đều. Hai buồng tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng mà "rung lên" nên bơm máu không hiệu quả. Ngoài việc làm rối loạn co bóp cơ ở nhĩ, nếu tất cả những xung động này đều được truyền xuống tâm thất thì cũng sẽ gây hiện tượng tương tự ở nhĩ, làm cho tim không bơm được máu ra khỏi tim, có thể gây tụt huyết áp đột ngột thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng trên thực tế, những xung động này bị chặn một phần khi truyền qua nút nhĩ thất để xuống 2 tâm thất (nằm trong hệ thống dẫn truyền).
Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều xung động của rung nhĩ vẫn đi qua được để xuống tới tâm thất và làm cho tâm thất đập nhanh và không đều dù vẫn còn chậm hơn tần số nhịp xung trên tầng nhĩ (thường <160 lần/phút). Hoạt động ở trạng thái rung rung chứ không co bóp đồng bộ và nhịp nhàng. Tình trạng bệnh lý này được ta gọi là rung nhĩ.
Người bị rung nhĩ có thể không có triệu chứng gì, một số khác lại thấy rất khó chịu. Nếu bạn bị rung nhĩ, bạn có thể có cảm giác như tim đập rất nhanh (đánh trống ngực), khó thở, cảm giác hụt hơi.
Choáng váng, vã mồ hôi và đau ngực cũng có thể xảy ra, đặc biệt khi tần số thất rất nhanh. Khi rung nhĩ không được điều trị và tim thường xuyên phải đập rất nhanh, sẽ làm tim giãn ra và tống máu không hiệu quả. Đây là một nguyên nhân gây ra suy tim sung huyết. Nó có thể gây khó thở, cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng hoạt động thể lực và phù.
Nhịp nhanh thất
Nhịp nhanh thất là rối loạn nhịp tim có vị trí khởi phát từ tâm thất, từ chỗ phân nhánh của bó His trở xuống. Nhịp nhanh thất khi có một chuỗi từ 3 ngoại tâm thu thất trở lên gồm: Nhịp nhanh thất có tần số thường từ 100 - 200 chu kỳ/phút. Khi tần số từ 250 đến 300 chu kỳ/phút là cuồng thất và rung thất có tần số > 350 chu kỳ/phút. Có dạng đặc biệt của nhịp nhanh thất nhiều ổ gọi là xoắn đỉnh (Torsade de point). Thời gian nhịp nhanh thất kéo dài > 30 giây gọi là nhịp nhanh thất bền bỉ và thời gian nhịp nhanh thất < 30 giây gọi là nhịp nhanh thất không bền bỉ.
Triệu chứng phụ thuộc vào thời gian cơn và rất khác nhau, từ không có triệu chứng đến đánh trống ngực đến rối loạn huyết động và tử vong. Bệnh cảnh lâm sàng thường là nặng ở những trường hợp nhịp nhanh thất bền bỉ và dữ các bệnh tim có sẵn. Có cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, tức và ép ở ngực. Đau thắt ngực nếu có tổn thương động mạch vành. Có thể suy tim hoặc tụt huyết áp. Thường là khởi phát và kết thúc cơn không đột ngột như cơn nhịp nhanh trên thất.
Rung thất
Rung thất là tình trạng tim đập nhanh bất thường, xung điện rối loạn khiến cơ tim ở tâm thất rung lên với tần số cao hơn bình thường nhiều lần, không có giá trị bơm máu ra động mạch như co bóp thông thường. Rung thất xảy ra khiến máu không được bơm tốt đến các cơ quan trong cơ thể khiến chúng nhanh chóng rối loạn và dẫn tới tử vong.
So với các rối loạn nhịp tim khác, rung thất là cấp cứu y tế nguy hiểm bởi bệnh tiến triển nhanh, có thể khiến người bệnh mất ý thức trong vài giây. Tình trạng nặng hơn khiến người bệnh mất mạch hoặc ngừng thở, gây tử vong nếu không can thiệp y tế kịp thời.
Trước một cơn rung thất thực sự, người bệnh thường xuất hiện một vài triệu chứng bệnh trước khoảng 1 giờ, bao gồm: Chóng mặt, buồn nôn, đau ngực, khó thở hoặc thở nông. Cơn rung thất thực sự xuất hiện, người bệnh dần mất ý thức và ngất xỉu. Tiến triển bệnh và biến chứng sẽ đến rất nhanh, người bệnh có thể tử vong do ngừng thở hoặc mất mạch. Vì thế cấp cứu y tế sớm ngay khi khởi phát những dấu hiệu đầu tiên là rất quan trọng.
Rối loạn thần kinh tim là một bệnh lý lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Rối loạn thần kinh tim là tình trạng thần kinh thực vật bị rối loạn gây nên các triệu chứng như tim đập nhanh hoặc tim đập chậm, dễ hồi hộp, choáng váng, chóng mặt, ngất hay loạn nhịp tim, tăng huyết áp… Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có cảm giác mệt mỏi, đau tức, đau nhói vùng tim hoặc vùng ngực. Rối loạn thần kinh tim không gây tổn thương thực thể trên tim. Tuy nhiên, bị rối loạn trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm.
Block nhánh phải là tình trạng xung điện truyền qua các buồng tim bên phải bị chậm hơn buồng tim bên trái khiến hai bên trái phải của tim không co bóp đồng thời.
Block nhánh phải được phân thành hai loại: block nhánh phải hoàn toàn và block nhánh phải không hoàn toàn. Block nhánh phải không hoàn toàn là thể nhẹ hơn so với block nhánh phải hoàn toàn.
Ở người bệnh block nhánh phải, việc dẫn truyền tín hiệu điện qua bó nhánh phải và bó nhánh trái xuống tâm thất bị gián đoạn. Tín hiệu điện này truyền sang tâm thất trái trước khi đến tâm thất phải. Do đó, tâm thất phải sẽ co bóp muộn hơn so với bình thường.
Block nhánh phải không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Trên thực tế, nhiều người mắc block nhánh phải trong nhiều năm nhưng không hề có biểu hiện gì. Người bệnh thường chỉ tình cờ phát hiện ra bản thân bị block nhánh khi đi đo điện tâm đồ thăm khám bệnh khác.
Ở những trường hợp vừa mắc block nhánh phải vừa mắc các bệnh tim mạch khác, người bệnh có thể có một số dấu hiệu: Hồi hộp, đánh trống ngực; Đau ngực, nặng ngực; Khó thở, mệt mỏi; Chóng mặt.
Đặc biệt, triệu chứng của block nhánh phải hoàn toàn rõ rệt hơn block nhánh phải không hoàn toàn. Khi này, nhịp tim có thể xuống dưới 40 nhịp/phút khiến người bệnh bị choáng ngất, ngưng tim tạm thời.
Ngoại tâm thu
Là rối loạn nhịp thường gặp nhất, có thể xảy ra trên những người có hoặc không có bệnh tim. Ý nghĩa và tầm quan trọng của ngoại tâm thu phụ thuộc vào bối cảnh lâm sàng và bệnh tim thực tổn. Trên những người khỏe mạnh bình thường, ngoại tâm thu đơn giản thường không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, trên những bệnh nhân có bất thường cấu trúc ở tim, ngoại tâm thu thất thường có liên quan chặt chẽ đến khả năng làm tăng nguy cơ đột tử. Ngoại tâm thu thất được phát hiện ở những người có bệnh tim lẫn người khỏe mạnh bình thường. Một nghiên cứu cho thấy ngoại tâm thu thất xuất hiện với tần suất 0,8% qua thống kê trong tổng số các trường hợp đo điện tâm đồ thường quy.
Những trường hợp rất nhẹ, hầu như không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, đó là khi ngoại tâm thu ít, thưa, xuất hiện ở người trẻ tuổi, khám không có bệnh tim gì khác. Khi đó người bệnh thường không cần phải điều trị, chỉ cần bỏ thuốc lá và rượu, sống điều độ, tránh những cảm xúc mạnh, nếu cần có thể phải giảm bớt lao động cả trí óc lẫn chân tay…
Những trường hợp bệnh nặng hơn, ngoại tâm thu xuất hiện dày, kèm theo cảm giác khó thở, mệt mỏi, trống ngực… Khi đó, người bệnh cần phải được điều trị và sử dụng thuốc. Trường hợp này, bệnh có thể tiến triển nặng dần, làm giảm hiệu quả bơm máu của tim, khiến tim phải làm việc nhiều hơn bình thường và lâu ngày có thể dẫn đến suy tim.
Cần làm gì khi bị rối loạn nhịp tim?
Việc khám và tuân thủ điều trị của bác sĩ chuyên khoa tim mạch là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp như: Có thói quen, lối sống lành mạnh để cải thiện được tình trạng rối loạn nhịp tim.
- Bỏ hút thuốc
- Hạn chế rượu, cafein và thuốc mua tự do có chứa chất kích thích
- Tăng cường hoạt động thể chất (với sự giám sát của bác sĩ) bằng các môn như đi bộ, ngồi thiền, yoga…
- Giảm căng thẳng, ngủ đủ 6 - 8 tiếng/ngày
- Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng hợp lý
- Thực hiện một chế độ ăn lành mạnh nhiều rau xanh và trái cây, cá, các loại hạt, hạn chế chất béo động vật, phủ tạng động vật, đồ chiên xào.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh