✴️Chụp động mạch vành- khi nào cần thực hiện

Nội dung

Chụp mạch vành là gì

Chụp động mạch vành là một kỹ thuật sử dụng tia X khảo sát các mạch máu của tim nhằm đánh giá liệu có sự hạn chế lưu lượng máu đến tim hay không.

Chụp động mạch vành là một phần của đặt ống thông tim – kỹ thuật có thể giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh về tim và mạch máu.

Trong chụp động mạch vành, thuốc cản quang được tiêm vào mạch máu, khi đó mạch máu sẽ hiển thị chi tiết trên hình chụp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể nong mạch vành ngay trong quá trình chụp động mạch vành.

Khi nào cần chụp động mạch vành

Bác sĩ có thể yêu cầu chụp động mạch vành nếu:

  • Các triệu chứng của bệnh động mạch vành;

  • Đau ở ngực, hàm, cổ hoặc cánh tay không thể giải thích bằng các xét nghiệm chẩn đoán khác;

  • Các cơn đau thắt ngực không ổn định;

  • Bệnh tim bẩm sinh;

  • Có kết quả bất thường trong điện tim gắng sức;

  • Các vấn đề về mạch máu khác hoặc chấn thương ngực;

  • Một vấn đề van tim cần can thiệp phẫu thuật.

Do có nguy cơ xuất hiện một số biến chứng, chụp động mạch thường được thực hiện sau khi thực hiện các kỹ thuật khảo sát tim không xâm lấn như điện tâm đồ, siêu âm tim hoặc điện tim gắng sức.

Nguy cơ

Như với hầu hết các kỹ thuật được thực hiện trên tim và mạch máu, chụp động mạch vành có một số nguy cơ như phơi nhiễm bức xạ từ tia X. Mặc dù các biến chứng khác là rất hiếm như:

  • Đau tim;

  • Đột quỵ;

  • Tổn thương động mạch;

  • Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim);

  • Phản ứng dị ứng với thuốc trong quá trình chụp;

  • Tổn thương thận;

  • Chảy máu nhiều;

  • Nhiễm trùng.

Cần chuẩn bị những gì trước khi tiến hành chụp động mạch vành

Trong một số trường hợp cấp cứu, chụp động mạch vành được thực hiện ngay. Các trường hợp khác thường được lên lịch trước để bệnh nhân có thời gian để chuẩn bị. Bác sĩ sẽ lưu ý về những loại thuốc đang sử dụng và có những hướng dẫn chuẩn bị cụ thể bao gồm:

  • Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì sau nửa đêm trước khi chụp động mạch;

  • Mang theo tất cả các loại thuốc đang sử dụng kèm theo nhãn thuốc. Hỏi bác sĩ về việc có nên dùng thuốc trước khi tiến hành chụp động mạch hay không;

  • Nếu bị tiểu đường, hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng insulin hoặc các loại thuốc uống khác.

Trước khi tiến hành thủ thuật

Trước khi chụp động mạch, bác sĩ sẽ xem kỹ hồ sơ bao gồm cả tiền sử bệnh lý, dị ứng và các loại thuốc đang sử dụng. Ngoài ra, việc kiểm tra thể chất và dấu sinh hiệu như huyết áp và mạch cũng rất quan trọng.

Người bệnh cần đi tiểu để làm trống bàng quang và thay áo choàng chuyên dụng. Các vật dụng như kính áp tròng, kính mắt, trang sức và kẹp tóc cần phải loại bỏ.

Trong quá trình chụp động mạch vành

Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn X-quang, dây đai an toàn được cố định trên ngực và chân. Đầu đèn X-quang sẽ di chuyển xung quanh để khảo sát từ nhiều góc độ.

Một kim luồn được chèn vào tĩnh mạch cánh tay để đưa thuốc an thần vào bên trong mạch máu giúp bệnh nhân thoải mái hơn trong quá trình chụp. Các thiết bị hỗ trợ khác như điện cực ở ngực, máy đo huyết áp, máy đo oxy sẽ giúp theo dõi các chỉ số của cơ thể để quá trình chụp được đảm bảo an toàn.

Ống thông sẽ được đưa vào ở vùng nách hoặc bẹn. Khu vực này được sát trùng và gây tê cục bộ. Một vết rạch nhỏ được thực hiện tại vị trí đặt ống thông. Ống nhựa ngắn được đưa vào lòng động mạch. Ống thông được luồn qua ống nhựa đi vào mạch máu đến tim hoặc động mạch vành.

Luồn ống thông không gây đau đớn và bệnh nhân không cảm thấy việc di chuyển khắp cơ thể. Thuốc cản quang được tiêm qua ống thông. Trong quá trình tiêm thuốc có thể có cảm giác hơi nóng. Hãy thông báo với bác sĩ nếu cảm thấy đau hoặc có cảm thấy bất thường.

Thuốc cản quang dễ được nhìn thấy trên hình ảnh X quang. Khi thuốc di chuyển qua các mạch máu, bác sĩ có thể quan sát dòng chảy và xác định bất kỳ tắc nghẽn hoặc chít hẹp mạch máu nào. Tùy thuộc vào những gì phát hiện được trong khi chụp động mạch, bác sĩ có thể quyết định thực hiện thêm các thủ thuật khác như nong mạch bằng bóng hoặc đặt stent động mạch bị hẹp. Các kỹ thuật không xâm lấn khác như siêu âm có thể giúp bác sĩ đánh giá tắc nghẽn được xác định.

Quá trình chụp động mạch mất khoảng một giờ và lâu hơn nếu kết hợp với các thủ thuật khác.

Sau khi chụp động mạch vành

Khi chụp động mạch xong, ống thông được lấy ra khỏi cánh tay hoặc bẹn. Vết mổ được đóng lại. Bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng hồi sức để quan sát và theo dõi. Khi tình trạng ổn định, bệnh nhân được trở về phòng và vẫn sẽ được theo dõi thường xuyên.

Bệnh nhân có thể  cần nằm thẳng trong vài giờ để tránh chảy máu đối với trường hợp ống thông được đặt ở bẹn. Trong thời gian này, có thể cần chèn áp lực ở vết mổ để ngăn chảy máu và đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Bệnh nhân có thể được về nhà trong ngày hoặc ngay ngày sau đó. Lưu ý cần uống nhiều nước để giúp loại bỏ thuốc cản quang ra khỏi cơ thể.  

Hỏi bác sĩ về việc tiếp tục dùng thuốc, tắm rửa và thực hiện các hoạt động bình thường khác. Cần tránh các hoạt động nặng trong vài tuần.

Nơi mạch máu đặt ống thông vẫn có thể chảy máu trong một thời gian ngắn, vì vậy vùng da kề cạnh có thể hơi sưng và bầm tím. Liên hệ với bác sĩ nếu:

  • Chảy máu, bầm tím mới hoặc sưng tại vị trí đặt ống thông;

  • Tăng mức độ đau hoặc khó chịu ở vị trí đặt ống thông;

  • Có dấu hiệu nhiễm trùng như đỏ da, chảy dịch hoặc sốt;

  • Có sự thay đổi về nhiệt độ hoặc màu sắc của chân hoặc cánh tay bên đặt ống thông;

  • Yếu hoặc tê ở chân hoặc cánh tay nơi đặt ống thông;

  • Đau ngực hoặc khó thở.

Nếu vị trí đặt ống thông chảy máu ồ ạt và không có biện pháp nào để ngừng chảy máu, hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Các kết quả chụp động mạch vành cho biết điều gì

Chụp động mạch có thể cho biết các vấn đề với mạch máu như:

  • Cho biết có bao nhiêu động mạch vành bị tắc hoặc hẹp bởi các mảng xơ vữa;

  • Xác định vị trí tắc nghẽn trong mạch máu;

  • Hiển thị lưu lượng máu bị chặn qua các mạch máu;

  • Kiểm tra kết quả phẫu thuật bắc cầu động mạch vành trước đó;

  • Kiểm tra lưu lượng máu qua tim và mạch máu.

Việc biết được những thông tin này có thể giúp bác sĩ xác định mức độ nguy hiểm mà bệnh lý ở tim và phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho bệnh nhân.

Xem thêm: Chụp CT mạch vành

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top