Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020. Đến nay đã 2 năm trải qua đại dịch và nhiều nước bắt đầu xem COVID-19 như là bệnh đặc hữu.
Ở Việt Nam, tại phiên họp Chính phủ Phiên họp Chính phủ thường kỳ bàn về Dự thảo chương trình phòng, chống dịch năm 2022-2023 ngày 3/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc tới khái niệm bệnh đặc hữu, tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, bình thường hóa với dịch bệnh COVID-19.
Vậy bệnh đặc hữu là gì? Khi nào COVID-19 có thể xem là bệnh đặc hữu?
Hiện tại chưa có định nghĩa chính xác về bệnh đặc hữu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường định nghĩa đại dịch là sự lây lan không kiểm soát được của virus trên toàn cầu, còn mức độ lây truyền ổn định không dẫn đến bùng phát rộng rãi thường được coi là bệnh đặc hữu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa bệnh đặc hữu “là sự hiện diện thường xuyên của một căn bệnh hoặc tác nhân truyền nhiễm trong một cộng đồng tại một khu vực địa lý”.
Để giải thích rõ hơn về khái niệm này, chúng ta có thể tham khảo một số phát biểu về bệnh đặc hữu dưới đây:
Bản chất đặc hữu của bệnh hoặc nhiễm trùng không có nghĩa là bệnh lành tính. Nó liên quan với tính chất lây lan của dịch và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế chứ không phải độc lực của tác nhân, cho nên nó vẫn nguy hiểm.
Một ví dụ điển hình là bệnh cúm ở Mỹ. Những năm gần đây bệnh cúm vẫn gây ra hàng trăm nghìn ca nhập viện và 12.000-52.000 ca tử vong mỗi năm.
Giáo sư dược tại Đại học Alabama (Mỹ) Paul Goepfert cho rằng: “Không có quy tắc cứng nhắc cho thời điểm đại dịch trở thành bệnh đặc hữu”. Nếu không nắm rõ liệu còn biến thể xuất hiện trong tương lai và có mô hình dự đoán được về bệnh thì vẫn còn quá sớm để nhận định một quốc gia nào đó đã đạt đến giai đoạn bệnh đặc hữu hay chưa.
Natasha Chida – Giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, thì cho rằng: “Bệnh đặc hữu là khi bạn nhận thấy số ca duy trì ở mức thấp, hệ thống chăm sóc sức khỏe có năng lực xử lý và người dân được chăm sóc khi họ cần”.
Với các khái niệm về bệnh đặc hữu và thời điểm xem dịch bệnh là bệnh đặc hữu, cho thấy việc xem COVID-19 có phải là bệnh đặc hữu hay không không chỉ phụ thuộc vào chủng loại virus SARS-CoV-2 đang lưu hành, tình trạng tiêm vaccine phòng COVID-19, mà còn phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh, khả năng phòng ngừa và điều trị COVID-19 của quốc gia đó.