Trong cuộc sống hiện đại, không ai tránh khỏi những thời điểm căng thẳng – đó có thể là áp lực công việc, những lo toan trong gia đình, khó khăn tài chính, mất mát người thân, hoặc đơn giản chỉ là sự thay đổi môi trường sống. Căng thẳng là một phản ứng bình thường của cơ thể trước những tình huống đòi hỏi phải thích nghi, nhưng nếu kéo dài, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Căng thẳng (stress) là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước áp lực hoặc những yêu cầu từ môi trường sống. Phản ứng này có thể thể hiện qua các dấu hiệu thể chất (đau đầu, tim đập nhanh), cảm xúc (lo lắng, cáu gắt), hoặc hành vi (tránh né, rối loạn ăn uống).
Có hai loại căng thẳng thường gặp:
Căng thẳng cấp tính: Xuất hiện ngắn hạn khi đối diện với thử thách cụ thể như thuyết trình, thi cử, hoặc đưa ra quyết định quan trọng. Đây là loại căng thẳng tạm thời và thường biến mất sau khi sự kiện qua đi.
Căng thẳng mạn tính: Xảy ra khi căng thẳng kéo dài không được giải tỏa, có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe toàn thân.
Nếu bạn thường xuyên gặp phải những dấu hiệu sau, rất có thể cơ thể bạn đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng kéo dài:
Về thể chất:
Đau đầu kéo dài
Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
Đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa
Căng cứng cơ bắp
Rối loạn huyết áp
Giảm hoặc tăng ham muốn tình dục
Về cảm xúc và tinh thần:
Dễ cáu giận, lo âu, buồn bã
Mất hứng thú với công việc hoặc các hoạt động yêu thích
Thiếu động lực, dễ mệt mỏi
Trầm cảm
Về hành vi:
Ăn quá nhiều hoặc bỏ bữa
Lạm dụng rượu, thuốc lá, chất kích thích
Tránh né giao tiếp xã hội
Có cảm giác bất lực, quá tải, không kiểm soát được
Nếu bạn cảm thấy những biểu hiện này ngày càng rõ rệt, hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.
Khi căng thẳng kéo dài, hệ thần kinh và nội tiết luôn trong trạng thái kích thích, khiến cơ thể tiết ra các hormone như cortisol, adrenaline – nếu tồn tại quá lâu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều cơ quan:
Ảnh hưởng thể chất:
Gây tăng huyết áp, rối loạn tim mạch
Tăng nguy cơ mắc tiểu đường
Làm trầm trọng hơn các bệnh da liễu, hen suyễn, viêm khớp
Tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa mạn tính
Ảnh hưởng tinh thần:
Gia tăng trầm cảm, lo âu
Làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ
Dẫn đến các rối loạn cảm xúc nặng nếu không được can thiệp kịp thời
Ảnh hưởng hành vi:
Lạm dụng chất kích thích
Tăng nguy cơ tai nạn lao động và sai sót nghề nghiệp
Giảm hiệu suất học tập và làm việc
Theo thống kê:
43% người trưởng thành gặp các vấn đề sức khỏe liên quan đến căng thẳng
70%–90% lượt khám bệnh tại phòng khám bác sĩ liên quan đến căng thẳng
OSHA (Hoa Kỳ) xác định căng thẳng là "nguy cơ nghề nghiệp" ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người lao động và làm tiêu tốn hơn 300 tỷ USD mỗi năm cho nền công nghiệp do hiệu suất giảm, nghỉ bệnh và chi phí y tế
Trên 50% người trưởng thành sẽ trải qua rối loạn cảm xúc ít nhất một lần trong đời, phần lớn có liên quan đến căng thẳng mạn tính
Hãy tìm đến nhân viên y tế hoặc chuyên gia tâm lý nếu bạn:
Cảm thấy mình bị căng thẳng liên tục không thể kiểm soát
Gặp khó khăn trong công việc hoặc các mối quan hệ do tâm trạng bất ổn
Lạm dụng rượu, thuốc lá hoặc các chất kích thích
Có biểu hiện trầm cảm hoặc lo âu kéo dài