Da trẻ sơ sinh, đặc biệt là trong những tuần đầu sau sinh, có cấu trúc và chức năng khác biệt so với người trưởng thành. Biểu hiện thường gặp bao gồm: khô, bong tróc, xuất hiện nếp nhăn, hồng ban nhẹ hoặc có lông tơ (lanugo) ở mặt và lưng – đặc biệt ở trẻ sinh non. Những đặc điểm này phản ánh quá trình da đang thích nghi với môi trường sống bên ngoài tử cung và phần lớn sẽ tự cải thiện sau vài tuần đầu đời.
Da của trẻ sơ sinh có lớp sừng mỏng, hàng rào bảo vệ chưa hoàn thiện, dễ bị mất nước qua da và nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài. Vì vậy, khuyến cáo:
Tránh sử dụng mỹ phẩm người lớn chứa chất tạo mùi, chất tẩy rửa mạnh, hoặc phẩm màu.
Hạn chế sử dụng phấn rôm, đặc biệt dạng bột mịn, do nguy cơ hít phải gây viêm phổi hạt hoặc kích ứng đường hô hấp.
Bột bắp (cornstarch) cũng không được khuyến khích do nguy cơ làm nặng tình trạng hăm tã nấm men.
Trong tháng đầu sau sinh, việc sử dụng kem dưỡng da là không bắt buộc. Khi có chỉ định, nên chọn sản phẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh, không mùi, không chất bảo quản mạnh.
Vết đỏ vùng cổ gáy và mặt (Nevus simplex): do giãn mạch máu dưới da, thường nhạt dần và biến mất trong năm đầu đời.
Tổn thương do sinh (xước da, bầm máu...): lành tự nhiên sau vài ngày đến vài tuần.
Vết bớt sắc tố (bớt xanh Mông Cổ, bớt màu cà phê sữa, u máu): cần được theo dõi và phân biệt với tổn thương bệnh lý khác.
Nếu tổn thương da tiến triển bất thường hoặc không cải thiện, cần tư vấn bác sĩ chuyên khoa Nhi hoặc Da liễu.
Trẻ sơ sinh không cần tắm mỗi ngày. Trong vài tuần đầu, có thể lau người bằng khăn ấm (tắm khô) và đảm bảo sạch sẽ trong quá trình thay tã. Sau khoảng 1 tháng tuổi, có thể tắm 2–3 lần/tuần bằng nước ấm. Tắm quá thường xuyên có thể làm mất lớp lipid bảo vệ da, dẫn đến khô và kích ứng.
Hướng dẫn tắm an toàn:
Nhiệt độ nước khoảng 37–38°C, lượng nước 400 mL – 1 L, tránh ngâm lâu quá 5 phút.
Dùng tay hoặc khăn che trán để tránh nước vào mắt và tai khi gội đầu.
Sau tắm, có thể sử dụng kem dưỡng ẩm cho trẻ trong khi da còn ẩm, vỗ nhẹ khô thay vì lau mạnh.
Trong thời gian dây rốn chưa rụng:
Tránh làm ướt rốn khi tắm.
Lau sạch bằng dung dịch sát khuẩn hoặc khăn lau dành cho trẻ em nếu bị bẩn.
Tắm bằng khăn lau thay vì ngâm toàn thân.
Sau khi dây rốn rụng, nếu quan sát thấy rỉ máu nhẹ là bình thường. Tuy nhiên, cần khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường như: rỉ dịch mủ, hôi, da quanh rốn đỏ hoặc sưng.
Gội đầu 1–2 lần/tuần với dầu gội không gây cay mắt dành cho trẻ sơ sinh.
Có thể nhẹ nhàng làm sạch vùng thóp bằng tay và khăn mềm.
Tránh đổ nước trực tiếp lên trán – có thể đặt tay che hoặc nghiêng đầu bé ra sau.
Hăm tã là tình trạng thường gặp do tiếp xúc kéo dài với độ ẩm và chất bài tiết trong tã ướt, gây viêm da tiếp xúc.
Hướng dẫn chăm sóc:
Thay tã thường xuyên, đặc biệt sau khi bé tiểu hoặc đi ngoài.
Rửa nhẹ vùng sinh dục bằng nước ấm và lau khô trước khi mặc tã mới.
Lau từ trước ra sau ở bé gái để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng.
Sử dụng kem chống hăm có chứa kẽm oxyd hoặc thành phần bảo vệ da khác khi cần.
Thỉnh thoảng để bé không mặc tã một lúc nhằm giúp da thông thoáng.
Phát ban da là hiện tượng phổ biến, đa số là lành tính. Tuy nhiên, cần khám bác sĩ trong các trường hợp sau:
Phát ban kèm sốt
Nổi bóng nước, rỉ dịch, đóng vảy
Mẩn đỏ lan tỏa, có màu đỏ tía
Ngứa nhiều, bé quấy khóc, ngủ kém
Dấu hiệu nhiễm trùng da: sưng, nóng, đỏ, mưng mủ
Một số bệnh lý da liễu có thể gặp ở trẻ sơ sinh bao gồm:
Viêm da cơ địa (eczema)
Thủy đậu
Bệnh tay–chân–miệng
Herpes simplex
Ghẻ
Chốc lở
Để hạn chế nguy cơ kích ứng da:
Giặt toàn bộ quần áo, khăn, ga giường, chăn mền bằng nước xả dịu nhẹ, không mùi.
Nên giặt riêng đồ trẻ sơ sinh, tránh dùng nước xả vải hoặc bột giặt có hương liệu mạnh.