Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu, đứng thứ ba về tỷ lệ mắc ở cả nam và nữ giới. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tuổi, tiền sử gia đình, viêm đại tràng mạn tính, lối sống tĩnh tại, hút thuốc lá, uống rượu và đặc biệt là chế độ ăn uống không lành mạnh. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Ước tính, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường hoạt động thể chất và áp dụng chế độ ăn khoa học có thể giảm đến hơn 30% nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng.
1.1. Chế phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi phong phú – khoáng chất có vai trò trong việc ức chế sự tăng sinh tế bào bất thường tại niêm mạc đại trực tràng. Nhiều nghiên cứu quan sát đã ghi nhận mối liên quan nghịch giữa lượng canxi hấp thu và nguy cơ ung thư đại tràng. Việc bổ sung canxi qua đường uống cũng cho thấy hiệu quả tương tự, song cần được chỉ định bởi bác sĩ để tránh quá liều hoặc gây lắng đọng ở mô mềm. Ngoài ra, vitamin D – thường được bổ sung trong sữa – có thể hỗ trợ chức năng miễn dịch và biệt hóa tế bào, tuy nhiên các bằng chứng về tác dụng phòng ung thư của vitamin D vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
1.2. Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt (whole grains) chứa hàm lượng cao chất xơ không hòa tan và magie. Các chất này giúp tăng khối lượng phân, rút ngắn thời gian vận chuyển trong ruột và hấp thu các acid mật thừa – vốn được coi là chất gây tổn thương niêm mạc. Khuyến cáo nên tiêu thụ ít nhất 90 gram ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày từ các nguồn như yến mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám...
1.3. Các loại đậu
Đậu nành, đậu lăng, đậu đen, đậu xanh... là nguồn thực phẩm giàu chất xơ, protein thực vật, các vitamin nhóm B và E. Đặc biệt, các hợp chất flavonoid và polyphenol có trong đậu có khả năng chống oxy hóa, chống viêm và ức chế sự tăng sinh tế bào bất thường. Việc thay thế đạm động vật bằng protein từ đậu cũng góp phần giảm gánh nặng chất béo bão hòa lên hệ tiêu hóa.
1.4. Trái cây và rau củ giàu sắc tố
Nhóm thực phẩm này cung cấp dồi dào các phytochemical như carotenoid, anthocyanin, flavonoid, glucosinolate... có tác dụng ức chế quá trình viêm mạn tính và trung hòa các gốc tự do. Nên ưu tiên các loại rau thuộc họ cải (Brassicaceae) như bông cải xanh, cải xoăn, cải bắp, cũng như trái cây giàu vitamin C như cam, kiwi, dâu tây...
1.5. Cá giàu acid béo omega-3
Cá hồi, cá trích, cá thu là nguồn cung cấp EPA và DHA – các acid béo không no chuỗi dài có tác dụng điều hòa miễn dịch, chống viêm và có thể làm chậm sự phát triển của khối u. Một số bằng chứng cho thấy thay thế thịt đỏ bằng cá có thể giảm nguy cơ mắc ung thư trực tràng. Tuy nhiên, nên hạn chế tiêu thụ các loài cá lớn như cá kiếm, cá ngừ đại dương, cá mập do nguy cơ phơi nhiễm với thủy ngân và các kim loại nặng.
2.1. Thịt đỏ
Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt cừu khi được tiêu thụ quá mức (trên 500 gram mỗi tuần) làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Cơ chế được đề xuất bao gồm sự hình thành các hợp chất N-nitroso và amin dị vòng thơm khi nướng hoặc chiên ở nhiệt độ cao, gây độc tế bào và biến đổi DNA. Do đó, cần hạn chế lượng thịt đỏ và thay thế bằng thịt gia cầm hoặc cá.
2.2. Thịt chế biến sẵn
Xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, dăm bông... chứa nhiều nitrat/nitrit và các chất bảo quản có thể chuyển hóa thành hợp chất gây ung thư trong đường tiêu hóa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại thịt chế biến sẵn vào nhóm 1 các tác nhân gây ung thư (carcinogen nhóm 1). Do đó, nên tránh tiêu thụ thường xuyên các thực phẩm này, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao.
2.3. Rượu bia
Uống rượu với mức độ trung bình (2–3 ly mỗi ngày) đã có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng đến 20%, trong khi uống nhiều hơn có thể làm tăng nguy cơ lên đến 40%. Rượu chuyển hóa thành acetaldehyde – một chất gây đột biến gen. Người có thói quen uống rượu cần được tầm soát định kỳ các bệnh lý tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa.
Một số thực phẩm như cà phê, trà, thực phẩm chứa caffeine, khoai tây, tỏi... đang tiếp tục được nghiên cứu về mối liên hệ với ung thư đại trực tràng. Các dữ liệu hiện tại chưa đủ mạnh để đưa ra khuyến cáo cụ thể, tuy nhiên việc duy trì chế độ ăn đa dạng và hợp lý vẫn được xem là nguyên tắc quan trọng nhất.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa ung thư đại trực tràng. Việc ưu tiên tiêu thụ các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và hợp chất chống oxy hóa, đồng thời hạn chế thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, rượu bia là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong bảo vệ sức khỏe đường ruột. Ngoài ra, cần kết hợp với hoạt động thể lực đều đặn, kiểm soát cân nặng và khám sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư ở đại trực tràng.