Mệt mỏi liên quan đến ung thư: nguyên nhân, cơ chế và hướng đánh giá

1. Khái niệm và phân biệt mệt mỏi do ung thư

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến ung thư và điều trị ung thư. Tuy nhiên, mệt mỏi trong bệnh cảnh ung thư không giống với mệt mỏi thông thường. Mệt mỏi do ung thư (cancer-related fatigue) thường được mô tả là cảm giác kiệt sức toàn thân, kéo dài và không thuyên giảm sau nghỉ ngơi hay ngủ đủ giấc. Triệu chứng này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, khả năng lao động, các mối quan hệ xã hội và tinh thần của người bệnh.

 

2. Cơ chế và nguyên nhân mệt mỏi trong ung thư

Mệt mỏi liên quan đến ung thư có thể do chính khối u gây ra, do tác dụng phụ của điều trị, hoặc do những yếu tố tâm lý - chuyển hóa đi kèm. Một số nguyên nhân cụ thể bao gồm:

2.1. Thiếu máu

Thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu nhược sắc, là nguyên nhân thường gặp của mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư. Giảm số lượng hồng cầu hoặc nồng độ hemoglobin làm giảm cung cấp oxy đến các mô, gây cảm giác mệt mỏi, yếu cơ và giảm khả năng gắng sức. Nguyên nhân thiếu máu trong ung thư bao gồm:

  • Suy tủy do xâm lấn của tế bào ác tính (ví dụ: bạch cầu cấp, u lympho)

  • Mất máu mạn tính do tổn thương niêm mạc (ung thư đại trực tràng, dạ dày…)

  • Thiếu hụt vi chất (đặc biệt là sắt)

  • Tác dụng phụ của hóa trị

  • Suy thận làm giảm sản xuất erythropoietin

2.2. Phản ứng viêm và kích hoạt miễn dịch

Quá trình sinh ung có thể kích thích hệ miễn dịch và làm gia tăng nồng độ các cytokine tiền viêm (IL-1, TNF-α, IL-6…), dẫn đến tình trạng viêm mạn tính, gây đau, rối loạn giấc ngủ, giảm cảm giác ngon miệng và mệt mỏi kéo dài.

2.3. Điều trị ung thư

Các phương pháp điều trị ung thư (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp nội tiết, thuốc giảm đau hoặc chống nôn) đều có thể ảnh hưởng đến trạng thái dinh dưỡng, giấc ngủ, chuyển hóa nội mô và gây mệt mỏi:

  • Hóa trị và xạ trị: Làm tổn thương mô lành, gây viêm và rối loạn chuyển hóa.

  • Tác dụng phụ: Buồn nôn, nôn, loét miệng, biến đổi vị giác dẫn đến suy dinh dưỡng.

  • Thuốc an thần hoặc giảm đau: Có thể gây buồn ngủ kéo dài, lờ đờ.

  • Phẫu thuật: Gây đau, giới hạn vận động, mất máu và thay đổi hormon.

2.4. Rối loạn nội tiết

Một số bệnh ung thư (ví dụ: ung thư tuyến giáp, tuyến yên, tinh hoàn, buồng trứng) hoặc điều trị nội tiết có thể gây rối loạn sản xuất hormone như estrogen, testosterone, cortisol và hormon tuyến giáp – làm giảm khả năng điều hòa năng lượng và gây mệt mỏi.

2.5. Yếu tố tâm thần kinh

Ung thư là một biến cố stress nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể trải qua lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, giảm động lực, dẫn đến mệt mỏi tinh thần – cảm xúc. Rối loạn điều hòa trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA axis) làm tăng nồng độ cortisol, dẫn đến mất cân bằng năng lượng.

2.6. Tăng trưởng khối u và rối loạn chuyển hóa

Sự phát triển của khối u đòi hỏi nguồn năng lượng và dinh dưỡng lớn, cạnh tranh với tế bào lành. Ngoài ra, khối u có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, acid amin, lipid, gây hội chứng suy mòn – mệt mỏi (cancer cachexia).

2.7. Thiếu oxy mô

Thiếu oxy do giảm cung cấp (thiếu máu) hoặc rối loạn hô hấp (ung thư phổi, di căn màng phổi, tràn dịch…) làm giảm chức năng vận động và tăng cảm giác mệt mỏi.

 

3. Chẩn đoán mệt mỏi liên quan đến ung thư

Đánh giá mệt mỏi nên bắt đầu bằng loại trừ các nguyên nhân phổ biến hơn như thiếu ngủ, căng thẳng nghề nghiệp, rối loạn lo âu – trầm cảm hoặc bệnh lý nội tiết. Bác sĩ có thể khai thác các thông tin lâm sàng sau:

  • Thời điểm khởi phát và diễn tiến triệu chứng

  • Giấc ngủ, chế độ ăn uống, mức độ vận động

  • Căng thẳng tinh thần, lo âu, sang chấn tâm lý

  • Tiền sử gia đình bệnh lý nội tiết, ác tính

  • Mức độ ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động

Cận lâm sàng cần thiết có thể bao gồm:

  • Công thức máu toàn phần

  • Đánh giá chức năng tuyến giáp (TSH, FT4)

  • Đánh giá chức năng gan, thận

  • Định lượng ferritin, vitamin B12, folate

  • Đo nồng độ cortisol trong trường hợp nghi ngờ rối loạn HPA

 

4. Khi nào cần khám chuyên khoa?

Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế khi mệt mỏi có một trong các đặc điểm sau:

  • Kéo dài dai dẳng dù đã nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ

  • Mệt mỏi ảnh hưởng rõ rệt đến công việc và sinh hoạt cá nhân

  • Kèm theo: sụt cân không rõ nguyên nhân, khó thở tăng dần, đau dữ dội, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ nặng

  • Xuất hiện vấn đề trí nhớ, nhầm lẫn

  • Không thể tự ra khỏi giường, cảm giác suy kiệt toàn thân

 

5. Kết luận

Mệt mỏi là một triệu chứng không đặc hiệu, có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó ung thư là một nguyên nhân cần cân nhắc khi triệu chứng kéo dài và không đáp ứng với các biện pháp tự chăm sóc thông thường. Đánh giá toàn diện, loại trừ các nguyên nhân thường gặp, và phối hợp khám lâm sàng – cận lâm sàng là bước cần thiết để chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.

return to top