✴️ Phương pháp điều trị Covid-19 bằng huyết tương

Nội dung

Các nhà khoa học và bác sĩ đang nỗ lực tìm ra phác đồ điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nguy kịch với phương pháp truyền huyết tương từ người điều trị Covid-19 thành công. Một số bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục nhờ điều trị bằng huyết tương giàu kháng thể đặc hiệu với coronavirus chủng mới từ người hiến tặng tại các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp…

Tại Việt Nam, các đơn vị y tế trong nước cũng đang nghiên cứu phương pháp truyền huyết tương chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 để điều trị cho bệnh nhân nặng.

Phương pháp điều trị Covid-19 bằng huyết tương

Sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, hệ miễn dịch của con người sẽ hoạt động để chống lại virus thông qua sản sinh các chất dẫn truyền hóa học và kháng thể đặc hiệu với virus. Kháng thể đặc hiệu này tồn tại trong máu và hoạt động hiệu quả giúp các tế bào miễn dịch nhận dạng và tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, những người đã điều trị Covid-19 thành công rất giàu kháng thể đặc hiệu với virus SARS-CoV-2 trong máu (cụ thể là trong huyết tương của máu).

Theo bản tin của Nature ngày 24-3-2020, các kết quả nghiên cứu trước đó đã cho thấy phương pháp truyền huyết tương giàu kháng thể đặc hiệu với virus SARS-CoV-2 có thể giúp tăng cường miễn dịch. Nhờ vậy, huyết tương sẽ giúp cơ thể người mắc Covid-19 chống lại virus hiệu quả hơn và hồi phục tốt hơn.

Nhiều thử nghiệm lâm sàng của phương pháp điều trị Covi-19 bằng huyết tương đã được tiến hành cho một số bệnh nhân Covid-19 nguy kịch ở Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc…

Đối tượng điều trị Covid-19 bằng huyết tương

Về nguyên lý, cả bệnh nhân Covid-19 nặng, nhẹ hay nguy kịch đều có thể tham gia thử nghiệm phương pháp truyền huyết tương. Tuy nhiên những bệnh nhân Covid-19 không quá nghiêm trọng có nhiều cơ hội sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19 khác. Do đó, các bác sĩ có xu hướng thử nghiệm truyền huyết tương cho bệnh nhân Covid-19 đang nguy kịch trong phòng cấp cứu ICU.

 

Tiêu chuẩn huyết tương từ người điều trị Covid-19

Theo số liệu ngày 21-4-2020, toàn thế giới có hơn 645.000 người nhiễm Covid-19 hồi phục và xuất viện. Nhiều người điều trị Covid-19 thành công có nguyện vọng được hiến tặng huyết tương cho mục đích nghiên cứu kháng thể cũng như để điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 đang nguy kịch.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết họ cần tiến hành sàng lọc bằng cách định lượng kháng thể đặc hiệu với coronavirus chủng mới. Họ sẽ dùng bộ kit Novel Coronavirus COVID-19 IgG ELISA để tìm ra các mẫu huyết tương nhiều kháng thể.

Như vậy huyết tương hiến tặng dùng để điều trị Covid-19 phải đạt những tiêu chuẩn sau:

• Huyết tương đạt tiêu chuẩn an toàn sinh phẩm huyết tương
• Huyết tương do người đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 khỏi bệnh hiến tặng
• Huyết tương không chứa các mầm bệnh khác (sốt rét, HBV, HIV, HCV, giang mai…)
• Huyết tương giàu kháng thể đặc hiệu SARS-CoV-2 (dựa trên xét nghiệm định lượng kháng thể bằng kỹ thuật ELISA).

Một số quốc gia như Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã xây dựng ngân hàng huyết tương hiến tặng từ những bệnh nhân điều trị Covid-19 thành công. Mẫu huyết tương từ các ngân hàng này sẽ được tuyển chọn để truyền cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch theo liều lượng và phác đồ phù hợp.

Thử nghiệm điều trị Covid-19 bằng huyết tương

Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã có những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên hồi phục nhờ điều trị bằng huyết tương giàu kháng thể đặc hiệu với coronavirus chủng mới từ người hiến tặng. Các quốc gia này cũng đang nỗ lực chia sẻ phác đồ điều trị chi tiết với WHO và toàn thế giới nhằm phòng ngừa Covid-19 bùng phát.

1. Trung Quốc

Từ đầu tháng 2-2020, Trung Quốc đã tiến hành một số thử nghiệm lâm sàng phương pháp sử dụng huyết tương từ người điều trị Covid-19 thành công. Các kết quả liên quan tới những thử nghiệm này hiện chưa được thông báo đầy đủ. Tuy nhiên Liang Yu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm chia sẻ về kết quả sơ bộ cho thấy kháng thể đã tiêu diệt virus.

Các bác sĩ đã điều trị cho 13 bệnh nhân Covid-19 đang nguy kịch bằng liệu pháp truyền huyết tương từ người hiến tặng đã khỏi bệnh. Vài ngày sau, coronavirus dường như không còn hoành hành trong cơ thể các bệnh nhân. Tuy nhiên, Liang Yu cũng cho biết tình trạng của những bệnh nhân này có thể vẫn tiếp tục xấu đi do virus đã gây tổn thương nặng cho cơ thể đến mức vượt quá khả năng phục hồi. Đó là vì phần lớn trong số 13 bệnh nhân này đã bị nhiễm bệnh trên 2 tuần.

Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học JAMA ngày 27-3, nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho biết 5 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy đã được điều trị bằng liệu pháp truyền huyết tương (10 – 22 ngày sau khi nhập viện). Ngày 25-3, 3 bệnh nhân đã được xuất viện sau 50 ngày nằm viện và 2 bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ổn định sau 37 ngày được truyền huyết tương.

Mặc dù tình trạng sức khỏe của 5 bệnh nhân này được cải thiện đáng kể, họ cũng được điều trị bằng thuốc diệt virus, vì vậy chưa thể kết luận chính xác về hiệu quả của liệu pháp điều trị bằng huyết tương trong trường hợp này (nếu được sử dụng riêng rẽ).

Một nghiên cứu khác được công bố trên PNAS ngày 18-3, nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã chia sẻ thông tin điều trị 10 bệnh nhân nguy kịch bằng liệu pháp truyền huyết tương. Kết quả cho thấy các dấu hiệu lâm sàng được cải thiện đáng kể sau 3 ngày. Lượng kháng thể tiếp tục tăng lên đáng kể với hàm lượng cao và bị tiêu diệt sau 7 ngày. Nghiên cứu này cho thấy liệu pháp truyền huyết tương có những tiềm năng giúp điều trị Covid-19.

Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn còn một số hạn chế. Đối với những bệnh nhân nguy kịch, các bác sĩ thường không thể chỉ áp dụng một liệu pháp duy nhất mà nỗ lực kết hợp một số liệu pháp với nhau. Trong nghiên cứu công bố trên PNAS, bệnh nhân cũng áp dụng cách điều trị Covid-19 khác bên cạnh liệu pháp truyền huyết tương.

Tất cả các bệnh nhân đều được sử dụng thuốc kháng virus, vì vậy hiện chưa thể phân biệt rõ bệnh nhân hồi phục là nhờ được điều trị bằng huyết tương hay là nhờ hiệu quả của cả hai liệu pháp là thuốc kháng virus và huyết tương. Thêm vào đó, một số bệnh nhân trong nhóm cũng được điều trị bằng glucocorticoid.

Các thử nghiệm do Trung Quốc thực hiện diễn ra sớm và đã có nhiều kết quả hứa hẹn, gợi mở một số thông tin về liều lượng và phác đồ điều trị. Tuy nhiên, thiết kế thử nghiệm còn nhiều hạn chế nên chưa thể đánh giá chính xác hiệu quả của liệu pháp này.

2. Hàn Quốc

The Korea Times ngày 1-4-2020 cho biết Hàn Quốc bắt đầu chính thức dùng huyết tương từ người đã hồi phục để điều trị cho một số bệnh nhân Covid-19 hiện đang nguy kịch. Ngày 15-4-2020, Hàn Quốc có 7.616 người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh (chiếm 71,9% tổng số ca nhiễm) và nhiều người trong số đó đủ điều kiện hiến tặng huyết tương.

Ngày 7-4-2020, Hàn Quốc cho biết hai bệnh nhân Hàn Quốc nguy kịch đã hồi phục sau khi được điều trị bằng liệu pháp truyền huyết tương kết hợp với corticosteroids. Hàn Quốc cũng công bố phác đồ điều trị Covid 19 bằng liệu pháp truyền huyết tương trên tạp chí Korean Medical Science ngày 6-4-2020.

3. Hoa Kỳ

Hoa Kỳ hiện đang là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới. ScienceNews ngày 3-4-2020 cho biết 11 bệnh nhân Covid 19 nguy kịch tại các bệnh viện ở New York và Houston đã là những bệnh nhân Mỹ đầu tiên được điều trị bằng liệu pháp truyền huyết tương từ người khỏi bệnh.

FDA cho biết nếu liệu pháp điều trị bằng huyết tương từ người điều trị Covid-19 thành công cho thấy hiệu quả và giúp bệnh nhân phục hồi, FDA sẽ cấp phép cho liệu pháp điều trị này. Tạp chí Nature cũng đăng tải thông tin về dự án xây dựng ngân hàng huyết tương do những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh hiến tặng tại New York.

 

Tối ưu quy trình điều trị Covid-19 bằng huyết tương

Quá trình điều trị Covid-19 cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng và đang nguy kịch, cần hết sức thận trọng. Đối với những bệnh nhân nguy kịch, các bác sĩ thường không thể chỉ áp dụng một liệu pháp duy nhất mà nỗ lực kết hợp một số liệu pháp với nhau.

Để đạt được hiệu quả tối ưu khi điều trị, các bác sĩ cần sử dụng kết hợp với các liệu pháp khác như thuốc diệt virus hoặc corticosteroids. Vì vậy, các nhà nghiên cứu sẽ gặp nhiều thử thách khó khăn để đánh giá ảnh hưởng của liệu pháp điều trị bằng huyết tương riêng lẻ.

Một số quốc gia đã chia sẻ thông tin chi tiết về quy trình điều trị bằng huyết tương từ người điều trị Covid-19 thành công như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Những thông tin này có giá trị tham khảo rất cao và giúp các bác sĩ lựa chọn phác đồ phù hợp cho từng trường hợp bệnh nhân Covid-19 cụ thể. Đây thật sự là một cơ hội đầy triển vọng để giúp các bệnh nhân nguy kịch giành thắng lợi trong cuộc chiến với loại virus lạ!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top