Có thể bạn đã nghe nói về những điều kỳ diệu mà trà xanh mang lại cho cơ thể. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh vai trò tiềm năng của trà xanh trong việc tăng cường sức khỏe tim mạch, chống viêm và thậm chí cải thiện chức năng não bộ.
Nhưng liệu TRÀ XANH có thể có mặt trong chế độ dinh dưỡng của những người mắc tiểu đường typ II hay không? Câu trả lời là: CÓ.
Khi bạn mắc bệnh tiểu đường typ II, các tế bào của cơ thể không hấp thu được glucose trong máu ( nên lưu ý rằng glucose là nguồn năng lượng chính của cơ thể) một cách hiệu quả do tình trạng kháng insulin. Kháng insulin khiến lượng đường trong máu tăng cao (gọi là tăng đường huyết), làm tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường, bao gồm bệnh tim mạch, suy thận, và tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh ngoại biên).
Những gì bạn chọn ăn và uống có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết của bạn. Một trong những nguyên nhân chính đằng sau tình trạng béo phì và tiểu đường là quá nhiều đường chế độ ăn uống – đó là đường được thêm vào các loại đồ uống thông dụng như đồ uống thể thao, nước ngọt và nước ép trái cây.
Thay vì sử dụng quá nhiều các loại đồ uống này trong chế độ ăn uống của bạn, trà xanh có thể thay thế và mang lại lợi ích ổn định đường huyết.
Có rất nhiều nghiên cứu về việc trà xanh có thể giúp giảm cân và do đó giúp người mắc tiểu đường typ II kiểm soát được đường huyết. Điều này phụ thuộc vào loại trà, nhưng một tách trà xanh nguyên chất chứa 0 calo. Điều đó có nghĩa là, trà xanh là một sự thay thế tuyệt vời cho nước ngọt và đồ uống năng lượng.
Khi giảm cân, cơ thể sẽ tăng độ nhạy cảm insulin và sẽ có mức đường huyết thấp. Một nghiên cứu tìm sự khác biệt về lượng trà tiêu thụ trên 63 người mắc tiểu đường typ II. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng uống 4 tách trà xanh mỗi ngày liên quan đến việc giảm cân và hạ huyết áp.
Các catechins trong trà xanh giúp giảm ảnh hưởng của tình trạng kháng insulin bằng cách giảm sự tiêu hóa và hấp thụ của carbohydrate (catechin là một loại chất chống oxi hóa). Những người tham gia uống 150 ml trà 3 lần một ngày và 4 ngày một tuần – có tác động tích cực đối với việc kháng insulin ở những người tiểu đường và tăng lượng cholesterol HDL (tốt) của họ. Tuy nhiên, một mình trà xanh không kiểm soát được lượng đường và cholesterol trong máu – bạn cần kết hợp với việc ăn uống ít đường, cacbohydrat đơn, chất béo bão hòa và theo dõi cân nặng của bạn thường xuyên.
Uống trà xanh còn giúp giúp giảm nguy cơ tiến triển của bệnh tiểu đường typ II. Nghiên cứu trong biên niên Y học nội trú cho biết người Nhật uống 6 tách trà xanh trở lên mỗi ngày giảm 33% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường typ II so với những người uống ít hơn 1 cốc mỗi tuần, nghiên cứu có sự điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu như tuổi và chỉ số khối cơ thể.
Trà xanh có một chất chống oxi hóa mạnh được gọi là polyphenol, có tác dụng chống ung thư, chống viêm và giảm lượng cholesterol. Polyphenol có trong thực vật giúp bảo vệ các tế bào khỏi các thương tổn. Trà xanh có một vài loại polyphenol khác nhau chiếm tới 40% trọng lượng khô của nó.
Bên cạnh đó, trà xanh còn có tác dụng làm dịu tâm trí và cơ thể. Nó chứa amino acid L-thianin, có tác dụng làm dịu. L-thianin có thể giúp làm giảm lo lắng và ngăn ngừa tăng huyết áp liên quan đến căng thẳng. Mắc các bệnh mạn tính có thể làm bạn căng thẳng và lo lắng, vì vậy uống trà có thể mang lại lợi ích về tinh thần.
Các nghiên cứu gợi ý rằng không có những tác động tiêu cực từ việc uống trà xanh, miễn là bạn không thêm đường vào. Khi bạn đang điều trị bệnh tiểu đường, không nên thêm đường vào đồ uống, thay vào đó, hãy uống trà không đường hoặc trà với các chất thay thế đường như stevia.
Stevia là một chất thay thế đường có nguồn gốc từ lá của cây stevia. Stevia là một lựa chọn cho những người mắc tiểu đường vì có ít hơn 1 calo và không có cacborhydrat trong mỗi gói. Một nghiên cứu đã công bố tăng chất ngọt có hàm lượng calo thấp thường được sử dụng cho những người mắc tiểu đường. Stevia là chất duy nhất cho thấy mức đường huyết và insulin giảm sau bữa ăn. Nếu bạn thấy trà xanh quá đắng, hãy bỏ qua mật ong hoặc đường ăn (màu nâu hoặc trắng) và thêm vaofly trà xanh chất làm ngọt như stevia.
Khi uống trà xanh một điều cần lưu ý nữa là caffein, có ảnh hưởng đến đường huyết và huyết áp. Một mối quan tâm đặc biệt nữa đối với những người mắc tiểu đường typ II là nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao gấp 2 đến 4 lần so với những người không mắc. Một cách tốt để kiểm tra phản ứng của cơ thể với caffein trong trà xanh là hãy kiểm tra đường huyết và huyết áp của bạn trước khi uống trà và sau khi uống 1-2 giờ. Nếu cả đường huyết và huyết áp của bạn vẫn ở trong phạm vi an toàn trước và sau khi uống trà xanh, thì nghĩa là bạn chưa đạt đến giới hạn caffein của mình. Hãy sử dụng một bộ đo huyết áp tại nhà để kiểm soát huyết áp của bản thân.
Tin tốt lành là trà xanh có ít cafein hơn cà phê và trà đen. Có khoảng 25 – 29 mg cafein trong 240ml trà xanh so với 95 – 165mg cho cùng một lượng cà phê và 25 – 48 mg đối với trà đen. Nhưng nếu cơ thể bạn nhạy cảm với caffein, thì lượng caffein trong trà xanh có thể vẫn sẽ là một vấn đề. Khi đó, hãy dừng hoặc giảm lượng trà xanh nạp vào cơ thể.
Sự khác nhau giữa trà xanh, trà ô long và trà đen là cách chúng được chế biến. Trà xanh được làm từ những lá trà tươi, được chế biến để ngăn ngừa sự lên men. Trà vẫn giữ được màu xanh tự nhiên và các hợp chất chống oxi hóa. Trà ô long được lên men nhẹ và trà đen được lên men hoàn toàn. Một số người thích trà đen hoặc trà ô long hơn vì chúng có vị nhẹ hơn (trà xanh có thể đắng hơn một chút). So với trà xanh, trà đen hoặc ô long không có lượng chất chống oxi hóa tương đương và có nhiều cafein hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng là lựa chọn tồi.
Nếu bạn nhạy cảm với caffein, trà thảo dược có thể là một lựa chọn thay thế tuyệt vời. Chúng không chứa caffein và có thể có nhiều hương vị. Trong các loại trà thảo mộc thì người mắc tiểu đường typ II có thể sử dụng trà quế - vì nó đáp ứng cả hương vị và lợi ích sức khỏe (quế có chứa chất oxi hóa). Cũng có một số bằng chứng cho thấy quế có thể kiểm soát đường huyết ở những người mắc tiểu đường typ II với lượng lớn hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh