✴️ Cắt polyp đại tràng nội soi là gì? Cắt polup có đau không?

Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng là khối tế bào nhỏ hình thành trên niêm mạc đại tràng. Theo thời gian, một số polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư đại tràng, thường gây tử vong khi phát hiện ở giai đoạn muộn. 

Polyp đại tràng hình thành do đâu?

Thông thường, các tế bào niêm mạc chưa trưởng thành sẽ được phân chia, trưởng thành và chết đi theo một quy trình chặt chẽ và chính xác về thời gian. Tuy nhiên, những thay đổi về gen sẽ ngăn chặn quá trình trưởng thành và các tế bào niêm mạc sẽ không chết đi. Kết quả của quá trình thay đổi này là sự tích lũy những tế bào chưa trưởng thành có bất thường về di truyền và hình thành polyp.

Polyp có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào trong đại tràng.

Các loại polyp đại tràng thường gặp

Có hai dạng polyp thường gặp gồm polyp tăng sản và polyp tuyến:

  • Polyp tăng sản là loại polyp thường có kích thước nhi và hay gặp ở đoạn cuối của đại tràng. Chúng là u lành tính và rất hiếm khi tiến triển thành ác tính.

  • Polyp tuyến: Loại polyp này chiếm đa sô với ⅔ số lượng polyp là polyp tuyến. Chúng có nhiều kích thước và hình dáng khác nhau. Thông thường, những polyp tuyến có kích thước lớn dễ bị ung thư hóa hơn cả. Do đó, những polyp này cần được cắt bỏ sớm ngay sau khi phát hiện.

Về phân loại, polyp đại tràng lại gồm nhiều loại khác nhau:

  • Về hình thái: Bao gồm polyp có cuống và polyp không có cuống

  • Về số lượng: Có thể có 1 hoặc nhiều polyp

  • Về kích thước: Polyp có nhiều kích thước khác nhau, có loại vài mi-li-mét, có loại lên đến vài cen-ti-mét

Cắt polyp đại tràng có đau không?

Minh họa polyp đại tràng

Triệu chứng bệnh polyp đại tràng

95% polyp đại tràng không có triệu chứng và được phát hiện qua nội soi đại tràng tầm soát. Các triệu chứng và dấu hiệu có thể gặp bao gồm: 

  • Đại tiện ra máu: Máu đỏ lẫn trong phân hoặc trên bề mặt phân 

  • Đau bụng: là triệu chứng khi các khối polyp quá lớn gây tình trạng tắc ruột hoặc bán tắc ruột dẫn đến đau dụng kèm theo nôn mửa hoặc bí trung đại tiện.

  • Phân đen: Nếu polyp chảy máu nhiều và vị trí ở manh tràng hoặc đại tràng lên. 

  • Hiếm khi táo bón nếu polyp rất lớn và gây tắc nghẽn đại tràng

  • Lồng ruột

Các phương pháp điều trị polyp đại tràng

Polyp đại tràng tuy đa số là lành tính, không quá nguy hiểm nhưng cần được chữa trị sớm vì nếu để lâu chúng có thể tiến triển thành ác tính, có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng.

  • Cắt polyp đại tràng ( polypectomy ) bằng kìm sinh thiết ( forceps ) hoặc bằng lọng ( wire loop – snare  ) qua nội soi. Cắt hớt niêm mạc – EMR( Endoscopic mucosal resection ), cắt tách dưới niêm mạc- ESD Endoscopic submucosal dissection)

  • Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu ( Minimally invasive surgery ). Các polyp quá lớn hoặc không thể loại bỏ an toàn qua nội soi đại tràng được thì phẫu thuật nội soi ( laparoscope ), được thực hiện bằng cách đưa dụng cụ qua nội soi ổ bụng để cắt Polyp.

  • Phẫu thuật cắt toàn bộ đại trực tràng ( total proctocolectomy ) Nếu mắc hội chứng di truyền hiếm gặp, chẳng hạn như FAP có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ đại trực tràng.

Một ca phẫu thuật nội soi

Khi nào cần cắt polyp đại tràng?

Khi người bệnh phát hiện ra có polyp đại tràng thì nên cắt ngay.

Trước khi cắt polyp đại tràng qua nội soi bác sĩ nội soi cần cân nhắc quá trình diễn biến của mỗi tổn thương, tuổi bệnh nhân, bệnh phối hợp và nguy cơ khi can thiệp, còn bệnh nhân cần được biết về lợi ích và nguy cơ khi làm thủ thuật, gồm có thủng và chảy máu.

Vì sao phải cắt polyp đại tràng?

Tất cả các polyp tân sản ở đại tràng, thậm chí các các polyp nhỏ đều nên cắt bỏ vì ta không thể biết được nguy cơ ác tính nếu chưa có kết quả đánh giá trên giải phẫu bệnh.

Mất khoảng 10 năm để một polyp nhỏ phát triển thành ung thư. Các polyp có đường kính lớn hơn 1 cm có nguy cơ lớn trở thành ung thư.

Những polyp lành tính sẽ trở thành polyp ác tính khi quá trình thay đổi và đột biến trong tế bào tiếp tục diễn ra theo thời gian. Các tế bào bên trong polyp sẽ tiếp tục phân chia, tăng sinh và đột biến một cách mất kiểm soát. Quá trình này làm cho polyp sẽ tăng dần về kích thước và trở nên ác tính. Hiện tượng polyp lành tính chuyển sang ác tính có thể quan sát được trên hình ảnh giải phẫu bệnh, đó là hiện tượng loạn sản (bất thường về cấu trúc, hình dạng và sự sắp xếp của tế bào) từ độ thấp chuyển sang độ cao.

Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là vấn đề y tế quan tâm ở hầu hết các nước phát triển. Tỉ lệ mắc mới hàng năm của UTĐTT đang tăng lên, ngày nay nguy cơ trong cả cuộc đời của UTĐTT đối với nhóm dân số có nguy cơ trung bình là 5% ở những nước phát triển. Theo đó cắt polyp qua nội soi là thủ thuật cơ bản để phòng tránh ung thư ĐTT. Phát hiện sớm và cắt polyp u tuyến đã được coi là biện pháp làm giảm tỉ lệ mắc và tử vong do UTĐTT.

Quy trình cắt nội soi cắt polyp đại tràng tại Bệnh viện .

Nội soi cắt polyp đại tràng là thủ thuật hiện đại với nhiều ưu điểm nên được các bác sĩ Bệnh viện ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân để đem đến hiệu quả chữa trị cao, hạn chế tổn thương và biến chứng.

Quy trình cắt polyp đại tràng bằng phương pháp nội soi tại Bệnh viện được tiến hành theo các bước sau:

  • Bước 1: Bệnh nhân được chỉ định một số xét nghiệm và làm sạch đại tràng trước khi nội soi

  • Bước 2: Kiểm tra sức khỏe người bệnh, tiến hành gây mê chuẩn bị nội soi đại tràng

  • Bước 3: Dùng ống nội soi mềm để xác định số lượng, vị trí các polyp nằm ở đại tràng

  • Bước 4: Sử dụng dụng cụ chuyên biệt để cắt bỏ hoặc đốt điện các polyp. Nếu polyp lớn, bác sĩ sẽ cắt nhỏ chúng sau đó cắt bỏ từng phần cho đến hết

  • Bước 5: Bệnh nhân được đưa về phòng hậu phẫu theo dõi sức khỏe cho đến khi có thể xuất viện

Thông thường, sau khi cắt polyp đại tràng, các bác sĩ sẽ tiến hành chuyển làm mô bệnh học kiểm tra xem bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư đại tràng không nhằm đưa ra biện pháp chữa trị sớm, kịp thời.

Vì sao cần thực hiện các xét nghiệm trước khi cắt polyp?

Chảy máu sau cắt polyp đại tràng là biến chứng thường gặp. Chính vì vậy, người bệnh cần phải xét nghiệm đông máu trước khi cắt polyp. Nếu đủ điều kiện, an toàn mới tiến hành cắt polyp vì nếu tình trạng đông máu kéo dài khiến cắt polyp sẽ khó cầm máu, việc mất máu nhiều gây nguy hiểm đến sức khỏe tính mạng bệnh nhân.

Cần cân nhắc ngừng thuốc chống đông và thuốc chống ngưng tập tiểu cầu điều trị các bệnh tim mạch và mạch não theo hướng dẫn của Hiệp hội Nội soi Tiêu hóa.

Cắt polyp đại tràng có đau không?

Người bệnh cần thực hiện xét nghiệm đông máu trước khi cắt polyp đại tràng

Bên cạnh đó, chuẩn bị đại tràng sạch là điều quan trọng để cắt polyp hiệu quả và an toàn. Chuẩn bị đại tràng không sạch có thể làm hạn chế thao tác kỹ thuật cắt polyp và làm tăng nguy cơ biến chứng của thủ thuật.

Cắt polyp đại tràng có đau không?

Nếu như mổ mở với vết rạch lớn gây chảy máu và đau đớn trong thời gian dài thì ngày nay, phương pháp cắt polyp đại tràng không đau (phẫu thuật nội soi) sẽ giúp bạn vứt bỏ nỗi sợ hãi về đau đớn của vết mổ.

Phẫu thuật nội soi cắt polyp đại tràng là một thủ thuật đơn gian, xâm lấn tối thiểu nên ít gây đau đớn và cũng hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các mô lân cận. Hơn nữa, trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được tiêm thuốc gây mê nên toàn bộ quá trình mổ không hề có cảm giác đau đớn gì.

Sau mổ, bệnh nhân có thể đau nhẹ khi hết thuốc mê. Tuy nhiên, người bệnh không cần lo lắng vì cơn đau này không quá dữ dội và cũng sẽ nhanh chóng biến mất sau vài ngày. Bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian ngắn nhất.

Lưu ý sau khi cắt polyp đại tràng

Sau khi phẫu thuật nội soi cắt polyp đại tràng, để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng, bệnh nhân cần lưu ý một vài điều dưới đây:

  • Bệnh nhân nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh hay di chuyển nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến vết mổ và khiến cho tình trạng viêm lan rộng.

  • Ngay sau khi cắt polyp đại tràng xong, người bệnh chỉ nên uống nước và không ăn bất cứ thứ gì khác

  • Trong thời gian hồi phục, cần tránh thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến đại tràng, dạ dày và không tốt đối với vết cắt 

  • Bệnh nhân cần tuyệt đối tránh xa rượu bia, đồ uống có cồn, không sử dụng chất kích thích như chè, thuốc lá, cà phê…

  • Hãy cung cấp thêm nhiều viatmin C, chất xơ bằng các loại trái cây, rau xanh để kích thích hệ tiêu hóa và hỗ trở thành đại tràng được làm trơn để nhanh chóng hồi phục tổn thương.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top