Siêu âm Cơ xương khớp - điểm mạnh và hạn chế

Nội dung

Kỹ thuật Siêu âm Cơ xương khớp sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của cơ, gân, dây chằng, dây thần kinh và khớp trên khắp cơ thể. Vậy nên Siêu âm có thể được sử dụng để chẩn đoán bong dây chằng, rách gân cơ, chèn ép dây thần kinh bị, viêm khớp và các tình trạng cơ xương khớp khác. Siêu âm quan sát được bề mặt xương và sụn nên có thể ứng dụng chẩn đoán gãy xương, mòn sụn khớp trong thoái hóa khớp.

 

Các ứng dụng chẩn đoán phổ biến của Siêu âm đối với hệ Cơ xương khớp và thần kinh ngoại biên rất rộng, có thể kể ra như:

• Rách gân hoặc viêm gân chóp xoay ở vai, gân Achilles ở mắt cổ chân và nhiều gân khác khắp cơ thể.

• Rách cơ đùi hoặc các cơ khác, tạo khối hoặc tụ dịch trong cơ.

• Bong gân hoặc rách dây chằng.

• Viêm hoạt dịch và tràn dịch trong khớp.

• Những thay đổi sớm của bệnh viêm khớp dạng thấp.

• Chèn ép dây thần kinh như hội chứng ống cổ tay.

• Khối u mô mềm lành tính và ác tính.

• U nang hoạt dịch.

• Dị vật trong mô mềm (chẳng hạn như mảnh dăm gỗ hoặc thủy tinh).

 

Siêu âm không có tác dụng có hại đối với sức khoẻ con người và có rất nhiều lợi ích khi so sánh với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác:

• Hầu hết siêu âm là không xâm lấn (không dùng kim hoặc tiêm), không gây đau đớn.

• Siêu âm được ứng dụng rộng rãi, dễ sử dụng và ít tốn kém hơn CT-Scan và MRI.

• Hình ảnh siêu âm cực kỳ an toàn và không sử dụng bức xạ ion hóa.

• Siêu âm cho hình ảnh rõ ràng về các mô mềm không thấy rõ trên hình ảnh X quang.

• Siêu âm cung cấp hình ảnh thời gian thực nên đã trở thành một công cụ tốt để hướng dẫn các thủ thuật xâm lấn tối thiểu như sinh thiết bằng kim và hút dịch viêm.

• Các bệnh nhân có máy tạo nhịp tim, một số loại thiết bị cấy ghép y tế hoặc mảnh kim loại nhất định trong cơ thể thường không thể chụp MRI vì phải tiếp xúc với từ trường rất mạnh. Đối với nhóm bệnh nhân này, siêu âm là một kỹ thuật hình ảnh thay thế an toàn.

• Siêu âm cũng là một giải pháp thay thế tuyệt vời cho MRI đối với những bệnh nhân sợ bị giam cầm trong không gian kín của lồng chụp.

• So với MRI, siêu âm có thể cung cấp chi tiết bên trong tốt hơn khi đánh giá các cấu trúc mô mềm như gân và dây thần kinh.

• Vì hình ảnh siêu âm được ghi lại theo thời gian thực nên có thể cho thấy sự chuyển động của cấu trúc mô mềm như gân, khớp hoặc tứ chi.

• Siêu âm lấy hình ảnh nhanh hơn MRI và không yêu cầu bệnh nhân phải nằm yên hoàn toàn, cho phép khảo sát hình ảnh ở trẻ sơ sinh mà không cần dùng thuốc an thần.

 

Siêu âm vẫn có một số hạn chế khi khảo sát hệ thống cơ xương khớp:

• Siêu âm khó xuyên qua xương và do đó, chỉ có thể nhìn thấy bề mặt bên ngoài của cấu trúc xương chứ không thể nhìn thấy những gì nằm bên trong (ngoại trừ ở trẻ sơ sinh có nhiều sụn trong xương hơn trẻ lớn hoặc người lớn). Các bác sĩ thường sử dụng các phương thức hình ảnh khác như MRI để hình dung cấu trúc bên trong của xương hoặc một số khớp nhất định.

• Cũng có những hạn chế về độ sâu mà sóng âm có thể xuyên qua; do đó, các cấu trúc sâu hơn ở những bệnh nhân lớn hơn có thể không được nhìn thấy dễ dàng.

 

BS Lê Tự Phúc 

return to top