Thuốc ức chế men chuyển là nhóm thuốc ưu tiên chỉ định cho người bệnh cao huyết áp, ngoài ra thuốc ức chế men chuyển được dùng trong những trường hợp khác như:
– Suy tim: Huyết áp giảm sẽ khiến tim làm việc dễ dàng hơn để co bóp tống máu đi nuôi cơ thể khi tim bị suy yếu, nhờ vậy thuốc có thể làm chậm lại tiến triển suy tim và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
– Nhồi máu cơ tim: một số thuốc giúp ngăn ngừa tổn thương tim do thiếu máu và tăng khả năng phục hồi của người bệnh sau nhồi máu cơ tim.
– Bệnh thận do đái tháo đường: thuốc ức chế men chuyển có thể làm chậm tiến triển của biến chứng suy thận trên người bệnh tiểu đường tuýp 2.
– Phòng bệnh tim mạch: đối với người bệnh có nguy cơ cao, các thuốc ức chế men chuyển giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện cơn đau tim và đột quỵ.
Một số trường hợp có thể gặp tác dụng không mong muốn bao gồm:
– Ho khan: là tác dụng phụ thường gặp nhất nhưng chỉ có khoảng 8% người bệnh ho nhiều tới mức phải ngừng thuốc và thay thế bằng nhóm thuốc hạ áp khác.
– Phát ban: nếu xuất hiện các vết đỏ, ngứa trên da, hãy liên hệ với bác sĩ và không được tự ý điều trị phát ban này.
– Chóng mặt, choáng váng, ngất: do hạ áp quá mức, thường xuất hiện sau liều đầu tiên đặc biệt là khi phối hợp với thuốc lợi tiểu. Khi đó, bạn hãy từ từ chuyển sang tư thế ngồi hoặc nằm xuống.
– Giảm khả năng vị giác, vị kim loại trong miệng: triệu chứng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và nhanh chóng mất đi khi bạn tiếp tục dùng thuốc.
– Rối loạn tiêu hóa: nôn mửa, tiêu chảy kéo dài có thể gây mất nước nghiêm trọng với biểu hiện mắt trũng sâu, da nhăn nheo, cơ thể yếu mệt… Các triệu chứng này có thể để được cải thiện nếu bạn uống nước nhiều hơn.
– Phù mạch: đây là tác dụng phụ nguy hiểm của các thuốc ức chế men chuyển. Bạn có thể nhận biết biểu hiện của phù mạch qua các triệu chứng như sưng cổ họng, mặt, lưỡi…
– Tăng kali máu: là một biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Vì vậy, nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc ức chế men chuyển nào, bạn cần được xét nghiệm máu thường xuyên để đo nồng độ kali huyết. Các dấu hiệu của dư thừa kali trong cơ thể bao gồm lú lẫn; nhịp tim không đều; tê hoặc ngứa ở bàn tay, bàn chân, môi; khó thở…
PGS.TS Võ Thành Nhân – GV Đại học Y dược TP HCM