✴️ Tổng quan về vắc xin COVID-19 Corbevax

Nội dung

Công nghệ bào chế

Vắc xin COVID-19 Corbevax được nghiên cứu dựa trên công nghệ protein, vừa an toàn, vừa hiệu quả. Phương pháp truyền thống này đã được sử dụng từ rất lâu trước đây để chế tạo vắc xin phòng ngừa nhiều bệnh phổ biến như uốn ván, bạch hầu… Công nghệ này cũng được chứng minh là có tính kinh tế theo quy mô. Điều này giúp cho Corbevax có thể được sản xuất với số lượng rất cao mà chi phí thì lại rất thấp.

Vắc xin Corbevax sử dụng các mảnh protein gai của virus SARS-CoV-2, được bào chế thông qua quá trình lên men vi sinh vật trong nấm men bằng công nghệ 40 năm tuổi, tương tự như công nghệ điều chế vắc xin viêm gan B. Cụ thể, Corbevax là loại vắc xin protein tái tổ hợp được phát triển từ vùng bọc thụ thể của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2, kết hợp với phèn và tá dược CpG 1018 của Công ty Dynavax Technologies (Hoa Kỳ).

 

Hiệu quả thử nghiệm

Tương tự như vắc xin viêm gan B tái tổ hợp có cùng công nghệ, vắc xin COVID-19 Corbevax rất an toàn. Gần đây, trong một thử nghiệm giai đoạn III với hơn 3000 đối tượng từ 18 đến 80 tuổi tại 33 điểm nghiên cứu ở Ấn Độ, Corbevax được phát hiện chỉ chủ yếu gây ra các tác dụng phụ nhẹ. Điều này giúp các nhà nghiên cứu tin rằng Corbevax là vắc xin COVID-19 rẻ nhất và an toàn nhất trong tất cả các loại vắc xin đang được sử dụng.

Ngoài ra, kết quả 2 thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III cũng cho thấy vắc xin COVID-19 Corbevax dung nạp tốt và cực kỳ hiệu quả. Cụ thể, Corbevax có hiệu quả 90% trong việc ngăn ngừa mắc bệnh COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu gây ra. Đối với biến thể Delta, hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng là 80%. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có dữ liệu nào được cung cấp liên quan đến việc Corbevax giúp phòng ngừa biến thể Omicron.

Khi so sánh với liều lượng vắc xin AstraZeneca của Đại học Oxford (được sản xuất bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ), kết quả cho thấy Corbevax tạo ra một lượng kháng thể trung hòa cao hơn, giúp chống lại các biến thể Delta và Beta của SARS-CoV-2. Điều này làm cho Corbevax cung cấp khả năng bảo vệ lâu dài và bền bỉ hơn. Đồng thời, loại vắc xin mới này cũng có khả năng vô hiệu hóa các biến thể đáng lo ngại trong các nghiên cứu trên động vật được thực hiện tại phòng thí nghiệm.

Cơ quan nào cấp phép và phê chuẩn?

Mới đây, chính phủ Ấn Độ đã cấp phép khẩn cấp cho việc sử dụng vắc xin COVID-19 Corbevax. Các nhà nghiên cứu Corbevax tại Texas đang đàm phán với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để được phê duyệt vắc xin này. Lý giải về điều này, nhóm nghiên cứu vắc xin cho rằng nhu cầu về một loại vắc xin an toàn, tinh gọn, chi phí thấp cho các nước có thu nhập trung bình đến thấp là trọng tâm trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của thế giới. Nếu người dân tại các nước ở Nam bán cầu không được tiêm chủng rộng rãi, các biến thể mới của virus sẽ xuất hiện, cản trở tiến độ đã đạt được của các loại vắc xin hiện có ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.

Thực tế, nhóm nghiên cứu Corbevax đã chuyển giao công nghệ cho Công ty sinh học Biological E. Limited (BioE) của Ấn Độ để sản xuất vắc xin. Chính phủ Ấn Độ cũng đã đặt hàng 300 triệu liều. Tính đến thời điểm hiện tại, BioE đã sản xuất và sẵn sàng tung ra thị trường 150 triệu liều Corbevax. Công ty cũng có kế hoạch sản xuất 100 triệu liều trở lên mỗi tháng bắt đầu từ tháng 2 năm 2022. Ngoài ra, BioE cũng dự định cung cấp hơn một tỷ liều bổ sung cho các quốc gia khác.

Không những thế, các nhà nghiên cứu Corbevax cũng đã cấp phép công nghệ vắc xin COVID-19 cho các công ty ở Indonesia, Bangladesh và đã cấp phép sản xuất công nghệ này ở các nước châu Phi như Botswana. Các nhà quan sát dự báo rằng Corbevax sẽ sớm trở thành nguồn vắc xin lớn nhất trên thế giới.

 

Vắc xin cho mọi người

Sau 2 năm đại dịch bùng nổ, Corbevax là vắc xin COVID-19 đầu tiên được thiết kế đặc biệt cho sức khỏe toàn cầu và được mệnh danh là “Vắc xin COVID-19 của Thế giới”. Bởi vì Corbevax được phát triển dựa trên công nghệ đã được sử dụng ở nhiều nước đang phát triển, nên vắc xin này có thể được sản xuất tại địa phương với cơ sở hạ tầng đã được thiết lập tốt, từ đó có thể giúp ích cho những người còn do dự về tính mới của các loại vắc xin khác. Các nhà nghiên cứu hy vọng, nhờ đặc tính dễ bảo quản và ít tốn kém, Corbevax sẽ được sử dụng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh, nơi mà tình trạng vắc xin sẵn có vẫn còn rất thấp.

Các nhà nghiên cứu vắc xin COVID-19 Corbevax cam kết không có bằng sáng chế nào được nộp về công nghệ vắc xin và hứa sẽ chuyển giao công nghệ cho bất kỳ quốc gia nào, mà không đòi hỏi bản quyền. Ngoài ra, họ cũng đang hỗ trợ và đồng phát triển vắc xin cùng với các nhà sản xuất vắc xin khác ở các nước Nam bán cầu, giúp giữ giá thành thấp. Ông Peter Hotez, một trong các tác giả nghiên cứu Corbevax đã chia sẻ trên Twitter rằng: “Chúng tôi không có kế hoạch kiếm tiền từ Corbevax, nó là món quà cho toàn thế giới.”

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top