Bệnh gout (gút) không chỉ gây tổn thương ở các khớp xương mà còn tác động đến nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể. Một trong những cơ quan chịu biến chứng nặng nề của gout chính là thận.
Bệnh gout gây tổn thương thận chủ yếu qua 2 cơ chế. Cơ chế trực tiếp gây bệnh là do lắng đọng tinh thể muối urat làm tổn thương cầu thận, ống thận, dẫn đến tình trạng viêm, lâu ngày khiến chức năng thận bị suy giảm.
Cơ chế gián tiếp là do quá trình hình thành sỏi thận từ tinh thể muối urat gây tình trạng tắc nghẽn, viêm đường tiết niệu, ứ nước, giảm chức năng thận. Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thuốc điều trị gout như kháng viêm, corticoid, thuốc giảm đau nhóm NSAIDs lâu ngày cũng ảnh hưởng đến chức năng thận.
Một số triệu chứng của suy thận do bệnh gout bao gồm: Đau lưng và đau bụng dưới; Đi tiểu ít hoặc nhiều hơn so với bình thường; Mệt mỏi và cảm thấy suy nhược; Buồn nôn và nôn; Đau và sưng ở các khớp…
Người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu và nước tiểu, từ đó giúp chẩn đoán chính xác tình trạng suy thận do gout gây ra.
Với những người bị gout biến chứng suy thận hoặc mắc kèm bệnh thận thì quá trình điều trị thường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, để đạt được hiệu quả điều trị tốt cần phối hợp điều trị gout và phục hồi chức năng thận. Một số biện pháp giúp kiểm soát bệnh gout và bệnh thận như sau:
Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Định kỳ thăm khám sức khỏe, kiểm soát chỉ số đường huyết, acid uric máu, giữ huyết áp và cân nặng phù hợp.
Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, các bữa ăn nên chứa nhiều chất xơ như rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế các loại thực phẩm giàu purin, chất béo, đường.
Không uống bia, rượu và sử dụng các chất kích thích.
Tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh