✴️ Chăm sóc và điều trị cho người bệnh giảm sự ngon miệng do hóa trị

ĐẠI CƯƠNG

Giảm sự ngon miệng là một biểu hiện rất thường gặp ở người bệnh ung thư. Nguyên nhân có thể do bệnh hoặc do các phương pháp điều trị ung thư như hóa chất, tia xạ. Điều trị hóa chất tác động trực tiếp lên các tế bào phân chia nhanh trong đó có các tế bào niêm mạc miệng và đường tiêu hóa, gây nên tình trạng thay đổi vị giác và chán ăn. Việc chăm sóc và điều trị cần đầy đủ và toàn diện để tránh tình trạng suy dinh dưỡng và suy kiệt gây ảnh hưởng chất lượng sống và kết quả điều trị

 

CHỈ ĐỊNH

Người bệnh có điều trị hóa chất do ung thư hoặc do các bệnh lý khác có biểu hiện giảm cảm giác ngon miệng và thèm ăn.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sỹ ung thư hoặc bác sỹ đa khoa, bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt

Điều dưỡng

Phương tiện

Thuốc: Kaolin/pectin Orabase, diphenhdramin, kháng acid dạng uống, maltodextrin, thuốc giảm đau tại chỗ và bao bọc niêm mạc, thuốc chống nôn ức chế chọn lọc thụ thể 5-HT3, Dexamethason, metoclopramid, haloperidol, dronabinol, prochlorperazin, lorazepam, các dịch truyền bổ sung dinh dưỡng đường tĩnh mạch.

Phương tiện khác: 10 kim tiêm, 10 dây truyền 

Người bệnh

Hồ sơ bệnh án

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 

Bác sỹ khám, xác định nguyên nhân

Các nguyên nhân chính gây giảm sự ngon miệng do hóa trị bao gồm:

Buồn nôn, nôn

Viêm niêm mạc miệng

Thay đổi vị giác

Nguyên nhân khác: Mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm

Chăm sóc và điều trị theo nguyên nhân

Viêm niêm mạc miệng

Tiếp tục dinh dưỡng đường miệng khi còn có thể

Nên ăn thức ăn mềm, đủ dinh dưỡng và uống nhiều nước

Tránh sử dụng thức ăn cần nhai nhiều, chua, mặn, nhiều đường hoặc thức ăn khô

Vệ sinh răng miệng, súc miệng tối thiểu sau khi ăn và trước khi đi ngủ, đánh răng bằng bàn chải mềm. Tránh súc miệng bằng dung dịch có chứa cồn

Khám và điều trị các bệnh răng, lợi phối hợp

Bôi Kaolin/pectin Orabase, diphenhdramin, kháng acid dạng uống, maltodextrin, thuốc giảm đau tại chỗ và bao bọc niêm mạc

Điều trị nấm hoặc kháng vi rút nếu có bằng chứng của nhiễm nấm, vi rút. 

Điều trị giảm đau toàn thân tuỳ mức độ đau

Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch nếu người bệnh không ăn uống được do đau

Buồn nôn và nôn

Dùng thuốc chống nôn tuỳ theo mức độ nôn, bao gồm các thuốc ức chế chọn lọc thụ thể 5-HT3, Dexamethason, metoclopramid, haloperidol, dronabinol, prochlorperazin, lorazepam.

Tiếp tục cho ăn đường miệng 

Khuyến khích ăn những loại thức ăn người bệnh ưa thích, ăn thành nhiều bữa nhỏ.

Nên tránh: thực phẩm đậm mùi trong phòng kín, thức ăn dầu mỡ, cay, nồng, nằm ngay sau ăn, uống nhiều nước trong khi ăn gây cảm giác đầy bụng

Trong trường hợp nôn nhiều có thể phải dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch, bù đủ nước, điện giải.

Các nguyên nhân khác: thay đổi vị giác, mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm

Khuyến khích người bệnh ăn theo khả năng và sở thích, đặc biệt là thực phẩm giàu năng lượng. Nên ăn nhiều vào bữa sáng.

Nên ăn cùng các thành viên trong gia đình để tạo cảm giác ấm cúng, vui vẻ trong khi ăn.

Tránh các thức ăn tẩm ướp, có mùi khó chịu với người bệnh.

Thức ăn lạnh có thể giúp ích trong một số trường hợp.

Chăm sóc tâm lý để người bệnh tin tưởng vào điều trị và hợp tác tốt trong quá trình điều trị.

 

THEO DÕI

Theo dõi, đánh giá mức độ cải thiện triệu chứng: đau miệng, viêm miệng, nôn, buồn nôn.

Hỏi người bệnh về cảm giác đối với thức ăn để xác định mức độ cải thiện cảm giác giảm sự ngon miệng

Theo dõi cân nặng để có những điều chỉnh thích hợp về chế độ dinh dưỡng

 

XỬ TRÍ TAI BIẾN

Không có tai biến

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top