✴️ Tiên lượng trong ung thư

Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng ung thư bao gồm:

– Loại và vị trí ung thư

– Giai đoạn ung thư, là yếu tố liên quan đến kích thước của khối u và liệu nó đã lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể hay chưa

– Cấp độ ung thư, là yếu tố liên quan đến mức độ bất thường của tế bào ung thư dưới kính hiển vi. Cấp độ ung thư là đầu mối để xác định xem căn bệnh phát triển và lan rộng nhanh như thế nào.

– Một số đặc tính của tế bào ung thư

– Độ tuổi và tình trạng sức khỏe trước khi mắc bệnh

– Mức độ đáp ứng với điều trị

 

Khi mắc bệnh ung thư, bạn và người thân sẽ phải đối mặt với nhiều thắc mắc. Hiểu về bệnh và biết rõ những gì sẽ đến giúp bạn và người thân đi đến các quyết định. Một số các quyết định có thể là:

– Phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất

– Liệu bạn có muốn điều trị

– Cách chăm sóc bản thân tốt nhất và kiểm soát các tác dụng phụ khi điều trị

– Cách giải quyết các vấn đề tài chính và pháp lý.

Rất nhiều người muốn biết tiên lượng ung thư của chính mình. Khi hiểu hơn về nó, việc đối phó với căn bệnh sẽ dễ dàng hơn. Bạn có thể tham khảo bác sỹ về các chỉ số sống hay tự mình tìm kiếm thông tin. Có thể bạn sẽ cảm thấy các chỉ số khó hiểu, đáng sợ và nghĩ rằng chúng quá vô ích đối với bạn. Cần bao nhiêu thông tin? Điều này tùy thuộc vào chính bạn.

Nếu muốn tìm hiểu nhiều thông tin hơn thì bác sỹ, người hiểu rõ nhất tình trạng của bạn lúc này sẽ là người tốt nhất bạn có thể trao đổi  về tiên lượng và giải thích ý nghĩa các chỉ số.

 

Các bác sỹ có thể dự đoán hay tiên lượng bệnh bằng việc sử dụng các chỉ số mà các nhà nghiên cứu đã thu thập được trong nhiều năm từ những người có cùng một loại bệnh ung thư. Một số các chỉ số được sử dụng phổ biến nhất để dự đoán tiên lượng bệnh bao gồm:

a. Tỉ lệ sống đối với ung thư đặc hiệu

Là tỉ lệ % các bệnh nhân mắc các chứng ung thư chuyên biệt còn sống sau một khoảng thời gian sau khi được chẩn đoán bệnh. Khoảng thời gian này có thể là 1 năm, 2 năm và phổ biến nhất là 5 năm. Tỉ lệ sống của ung thư đặc hiệu còn được gọi là tỉ lệ sống đặc hiệu. Trong hầu hết các trường hợp, tỉ lệ này dựa trên các nguyên nhân tử vong được liệt kê trong các báo cáo y học.

b. Tỉ lệ sống tương đối
Là một phương pháp khác được sử dụng để dự báo tỉ lệ sống đối với ung thư đặc hiệu mà không sử dụng các thông tin về nguyên nhân tử vong. Đây là tỉ lệ % các bệnh nhân còn sống sau một khoảng thời gian chẩn đoán bệnh so sánh với người không mắc bệnh ung thư.

c. Tỉ lệ sống toàn bộ
Là % số người mắc các loại ung thư và giai đoạn ung thư đặc hiệu mà không chết vì bất cứ nguyên nhân nào trong suốt quá trình sau chẩn đoán.

d. Tỉ lệ sống không còn bệnh
Là tỉ lệ % các bệnh nhân không còn dấu hiệu của ung thư sau một thời gian điều trị. Các tên gọi khác của chỉ số này là tỉ lệ sống không xuất hiện trở lại hay tỉ lệ sống không tiến triển.

 

Vì các chỉ số đều dựa trên các nhóm lớn bệnh nhân nên không được sử dụng để dự báo chính xác điều gì chắc chắn sẽ xảy ra với chính bạn. Mọi cá nhân đều khác nhau. Các biện pháp điều trị và phản ứng của người bệnh cũng khác nhau rất nhiều. Phải mất đến một vài năm để thấy được lợi ích của các biện pháp điều trị mới và các con đường phát hiện ra ung thư. Chính vì thế, các chỉ số mà bác sỹ của bạn sử dụng để đưa ra tiên lượng có thể sẽ không dựa vào các biện pháp điều trị đang được sử dụng hiện nay.

Tuy nhiên, bác sỹ có thể thông báo rằng bạn có tiên lượng bệnh tốt nếu như các chỉ số cho thấy bạn phản ứng tốt với các biện pháp điều trị. Hoặc tiên lượng của bạn có thể xấu nếu việc kiểm soát ung thư gặp khó khăn. Cho dù bác sỹ thông báo bất cứ điều gì, hãy nhớ rằng tiên lượng là sự phỏng đoán dựa trên kiến thức. Bác sỹ không thể chắc chắn hoàn toàn điều gì sẽ diễn ra với chính bạn.

 

Sự khác biệt giữa "chữa khỏi" và "làm thuyên giảm bệnh"

Chữa khỏi có nghĩa là không còn bất cứ dấu vết nào của ung thư sau khi điều trị và bệnh không tái diễn.

Làm thuyên giảm có nghĩa là dấu hiệu và các triệu chứng bệnh được giảm đi. Đối với trường hợp thuyên giảm hoàn toàn, tất cả các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hoàn toàn biến mất.

Nếu bạn được làm thuyên giảm bệnh hoàn toàn từ 5 năm trở lên, vài bác sỹ có thể sẽ cho rằng bạn đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, một số tế bào ung thư tồn tại trong cơ thể rất nhiều năm sau khi điều trị. Những tế bào này có thể khiến căn bệnh ung thư tái phát. Một số loại ung thư có thể quay trở lại trong vòng 5 năm sau khi điều trị. Vì lý do này, các bác sỹ không thể chắc chắn rằng bạn đã được chữa khỏi hoàn toàn. Điều họ có thể thông báo đó là không còn dấu hiệu của ung thư ở thời điểm hiện tại.

Vì ung thư có thể tái phát, bác sỹ sẽ theo dõi bạn trong nhiều năm và thực hiện các thí nghiệm để xem các dấu hiệu quay trở lại của căn bệnh này. Họ cũng sẽ nghiên cứu cả các dấu hiệu của tác dụng phụ đến muộn sau điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top