✴️ Bệnh gout nên kiêng ăn gì

Nội dung

1. Thực phẩm có ảnh hưởng như thế nào đến bệnh gout?

Bệnh gout là một loại bệnh viêm khớp. Nó xảy ra khi nồng độ axit uric cao khiến các tinh thể hình thành trong khớp và mô mềm của bạn, dẫn đến viêm, đau và sưng.

Lượng axit uric trong cơ thể của bạn phụ thuộc vào những yếu tố sau:

  • Lượng axit uric mà cơ thể bạn tạo ra và loại bỏ
  • Cơ thể của bạn có thể tự tạo ra một lượng axit uric cao hơn hoặc khó đào thải nó hơn.
  • Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu và các tình trạng y tế như huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến lượng axit uric mà cơ thể tạo ra hoặc thải ra (chủ yếu qua nước tiểu).
  • Lượng purin nạp vào cơ thể qua thức ăn
  • Một số thực phẩm và đồ uống có chứa các hợp chất được gọi là purin. Purin chuyển hóa thành axit uric trong cơ thể. Do đó, với những người đang mắc bệnh gout cần phải hạn chế những thức ăn chứa nhiều purin để kiểm soát tốt lượng axit uric máu. Còn với những người chưa mắc bệnh thì cần có chế độ ăn hợp lý để tránh nguy cơ bị gout.
  • Theo viện chất lượng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe, chỉ riêng việc thay đổi chế độ ăn uống có thể làm giảm mức axit uric lên đến 15%.

Do vậy, để kiểm soát tốt bệnh gout, người bệnh cần sử dụng thuốc song song với việc thực hiện một chế độ ăn kiêng phù hợp.

Tránh các loại thịt đỏ và tránh ăn các loại nước hầm từ xương... để giảm bớt lượng purin của thức ăn hòa tan trong nước.

 

2. Người bệnh gout kiêng ăn gì?

Để giảm những cơn đau và hạn chế tiến triển của bệnh gout, người bệnh gout kiêng ăn gì?

Hạn chế những thức ăn giàu purin như:

  • Thịt đỏ: thịt bò, thịt thú rừng,..
  • Thịt nội tạng; tim, gan, thận,…
  • Một số loại hải sản: tôm, cua, cá cơm, cá mòi, cá trích, cá thu, sò điệp,…
  • Một số loại rau giàu purin: măng tây, đậu khô, đậu hà lan, rau bina,…

Bên cạnh các thực phẩm chứa hàm lượng cao purin người bệnh gout còn nên kiêng những thức ăn có đường, đặc biệt là fructose. Ăn nhiều đường fructose có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu và làm tăng kháng thể insulin. Đường thường có nhiều trong bánh ngọt và các loại đồ uống pha sẵn.

Một số loại đồ uống có thể gây ra bệnh gout người bệnh nên tránh bao gồm:

  • Đồ uống có cồn, đặc biệt là bia, rượu whisky, gin, vodka hoặc rượu rum.
  • Đồ uống có đường, bao gồm nước ngọt, nước trái cây, nước tăng lực.
  • Cà phê và đồ uống có chứa caffein khác. Trong khi một số nghiên cứu cho thấy rằng cafein thực sự có thể bảo vệ chống lại cơn đau gout, những nghiên cứu khác lại phát hiện ra rằng lượng cafein tăng đột biến có thể gây ra cơn đau gout.

3. Một số gợi ý về những món ăn ngon cho người bệnh gout

Tuy phải kiêng nhiều món nhưng người bệnh gout vẫn có thể đảm bảo dinh dưỡng bằng những món ăn ngon không kém.

Salad rau

Rau xanh rất giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ nước và chất chống oxy hóa giúp tăng sức đề kháng, phòng ngừa và giảm viêm hiệu quả.

Nguyên liệu: rau xà lách, cà chua, dưa leo, ớt chuông. Người bệnh có thể phối hợp các loại rau theo ý thích với hàm lượng đủ ăn.

Cách làm: Các loại rau trên rửa sạch thái miếng vừa ăn rồi trộn với sốt mayonnaise hoặc pha nước mắm chua ngọt trộn cùng.

Người bệnh gout có thể ăn salad rau ít nhất 3 lần/tuần để giảm triệu chứng và cải thiện tình trạng bệnh.

Rau củ hầm

Rau củ hầm là món ăn kết hợp nhiều loại rau củ giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ. Ăn nhiều rau củ sẽ giúp cơ thể tăng chuyển hóa các chất và thải trừ axit uric ra khỏi cơ thể.

Nguyên liệu: Cà rốt, ngô ngọt, khoai tây, su hào. Ngoài các loại củ này, người bệnh có thể thêm củ rau,..

Cách làm: Gọt vỏ và rửa sạch các loại rau củ cho vào nồi xào qua với gia vị cho ngấm rồi thêm nước vào hầm khoảng 20-30 phút. Nêm nếm gia vị vừa ăn theo khẩu vị. Người bệnh gout có thể ăn 3-4 lần/tuần.

Canh nấm rơm đậu phụ

Nấm rơm và đậu phụ cũng là những thực phẩm giàu dinh dưỡng và là nguồn cung cấp đạm thực vật lành tính. Những món ăn từ 2 thực phẩm này sẽ đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động của cơ thể mà không cần sử dụng đạm động vật.

Nguyên liệu: Đậu hũ non, nấm rơm, hoặc nấm kim châm, 2 củ hành tím và ít hành lá.

Cách làm: cho hành tím vào nồi phi thơm rồi thơm nước vào đun sôi, nêm nếm ra vị cho vừa. Sau đó cho đậu hũ và nấm vào đun chín thêm chút hành lá cho đẹp và thưởng thức

Canh cá

Theo chuyên gia, để bổ sung axit omega -3 và canxi cho cơ thể thì người bệnh gout vẫn nên ăn 1 bữa cá/tuần. Bổ sung lượng canxi cần thiết đầy đủ sẽ tăng cường sức mạnh xương khớp, phòng viêm và hạn chế ảnh hưởng khác từ bệnh gout. Tuy nhiên người bệnh cũng nên lưu ý chọn những loại cá chứa ít purin như cá lóc, cá chép,..

Nguyên liệu: 1 con cá chép hoặc cá lóc, cà chua, giá và hành lá, vài củ hành tím.

Cách làm: Làm sạch tất cả nguyên liệu cắt miếng. Cá có thể rán sơ qua cho bớt tanh. Phi thơm hành rồi cho cà chua vào xào, cho cá và nước sôi vào nấu 15 phút nêm nếm gia vị cho vừa, gần ăn thì đun sôi cho giá và hành lá vào ăn nóng.

Ngoài ra, người bệnh gout có thể tìm hiểu cách nấu một số món ngon khác như canh cà, trứng hấp củ năng, thịt heo hầm củ cải, cà rốt nấu củ năng, cháo đậu đỏ, gà xào tàu hũ ky,…

Với nhiều món ăn ngon dễ thực hiện này, bệnh gout kiêng ăn gì và được ăn gì không còn làm khó người bệnh khi chế biến món ăn.

4. Kiêng ăn uống có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh gout không?

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh gout có thể được kiểm soát bằng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý. Thậm chí, các cơn đau khớp do gout có thể không xuất hiện trong một thời gian dài, khiến người bệnh tưởng rằng bệnh gout có thể điều trị được.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa có biện pháp điều trị dứt điểm bệnh gout và bệnh cũng không thể tự khỏi. Trong một số trường hợp, phát hiện sớm khi bệnh chưa có biểu hiện rõ có thể kiểm soát đến 95% tình trạng bệnh bằng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn.

Do đó, việc người bệnh kiêng ăn uống chỉ giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu do bệnh gout gây ra chứ không điều trị khỏi hoàn toàn bệnh gout.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top