Ung thư nội mạc tử cung (Endometrial Cancer)

– Ung thư nội mạc tử cung (Endometrial Cancer) là loại ung thư thường gặp nhất trong các khối u ác tính vùng tiểu khung ở phụ nữ, chiếm 90% ung thư ở thân tử cung.
– Ung thư nội mạc tử cung gặp chủ yếu ở phụ nữ sau mãn kinh (75%) và sau giai đoạn mãn kinh (50-65 tuổi). 2-14% xảy ra ở độ tuổi sinh sản (< 40 tuổi).
– Tổn thương ít gặp hơn cổ tử cung, thường bắt đầu từ nội mạc sau đó lan ra và xuống cổ.

* Triệu chứng:

– Chảy máu âm đạo sau mãn kinh.
– Kéo dài thời gian hoặc chảy máu giữa chu kỳ.
– Chảy dịch âm đạo bất thường.
– Đau vùng chậu.
– Đau khi giao hợp.
– Sút cân

* Nguyên nhân & Yếu tố nguy cơ

– Bất thường gen
– Tăng hormon estrogen
– Các yếu tố nguy cơ của bệnh được xác định bao gồm: có kinh nguyệt sớm, không mang thai, béo phì, do chế độ ăn nhiều mỡ động vật, có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, u tế bào vỏ hạt tiết estrogen của buồng trứng, khối u buồng trứng, tuổi cao, tiền sử ung thư vú…đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư ung thư nội mạc tử cung.

 

* Giai đoạn FIGO

– Giai đoạn 0: ung thư biểu mô nội mạc tử cung tại chỗ.
– Giai đoạn I: giới hạn ở thân tử cung
+ Ia: u xâm lấn < 50% lớp cơ tử cung
+ Ib: u xâm lấn > 50% lớp cơ tử cung
– Giai đoạn II: u xâm lấn tới mô liên kết cổ tử cung nhưng không lan ra khỏi tử cung. Xâm lấn ống cổ tử cung chỉ cân nhắc ở giai đoạn I, từ giai đoạn II không còn giá trị.
– Giai đoạn III: u xâm lấn quanh tử cung
+ IIIa: u xâm lấn lớp thanh mạc thân tử cung và/hoặc phần phụ.
+ IIIb: u xâm lấn âm đạo hoặc tổ chức cạnh tử cung.
+ IIIc: u di căn hạch chậu hoặc hạch cạnh động mạch chủ
Giai đoạn IIIc1: hạch vùng chậu
Giai đoạn IIIc2: hạch cạnh động mạch chủ, có hoặc không hạch vùng chậu
– Giai đoạn IV: xâm lấn bàng quang, trực tràng, di căn xa.
+ IVa: u xâm lấn bàng quang hoặc trực tràng
+ IVb: di căn xa, dịch cổ trướng ác tính, di căn phúc mạc.

 

Làm gì khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư nội mạc tử cung?

Các dấu hiệu bất thường ở cơ quan sinh sản đều có thể là dấu hiệu bệnh lý. Đặc biệt khi có triệu chứng ra máu âm đạo bất thường không phải kỳ kinh nguyệt hoặc phụ nữ đã mãn kinh có biểu hiện ra máu âm đạo cần gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được khám, làm các xét nghiệm như siêu âm, nội soi tử cung, sinh thiết tổn thương… để chẩn đoán có phải mắc ung thư nội mạc tử cung hay không.

Khi được chẩn đoán mắc ung thư nội mạc tử cung, hầu hết các bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tử cung và phần phụ hai bên. Một số được điều trị bằng tia xạ (còn gọi là xạ trị), hóa trị. Một số được điều trị bằng liệu pháp hormone hoặc phối hợp các phương pháp này.

Giai đoạn (mức độ) của ung thư nội mạc tử cung là yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn phương pháp điều trị. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm khi ung thư chỉ ở trong tử cung, chưa lây lan đến các hạch bạch huyết hoặc các vị trí xa có ý nghĩa rất quan trọng giúp bệnh nhân có kết quả điều trị tốt.

Ngoài ra có một số yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể, bệnh nhân có dự định có con hay không…

Bác sĩ sẽ trao đổi chi tiết với bệnh nhân về các phương pháp điều trị và kết quả sẽ đạt được. Người bệnh không nên quá lo lắng, bi quan mà cần phối hợp với bác sĩ để có biện pháp điều trị tốt nhất. Trong quá trình điều trị cần ăn uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để cơ thể hồi phục nhanh hơn.

return to top