Dấu hiệu phát hiện bệnh liệt mặt?
Thường sau một đêm ngủ, người bệnh thức dậy, cảm thấy một bên mặt hơi cứng khác thường. Nếu soi gương bệnh nhân sẽ thấy một bên mặt bị xệ xuống và miệng bị méo sang một bên. Một bên mắt cũng không thể nhắm kín và thường có nước mắt chảy ra.
Với các triệu chứng đó, người ta thường nghĩ đến một tai biến mạch máu não. Song bình tĩnh lại, nếu bạn thấy các triệu chứng chỉ giới hạn ở mặt, thì phần nhiều đây là bệnh liệt dây thần kinh mặt.
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bệnh xảy ra ban ngày, bệnh nhân đột ngột bị tê liệt hay yếu hẳn một bên mặt khiến khó cười khó nói, khó nhắm mắt, khó cử động da mặt bên bị bệnh; bị đau trong tai phía bên bệnh; nghe âm thanh to hơn phía tai bệnh; nhức đầu; mất vị giác; lượng nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn bình thường. Bệnh sẽ giảm trong vòng vài tuần và khỏi hoàn toàn trong vòng từ 3- 6 tháng.
Trong đó khoảng 8 – 10 % bị tái phát, đôi khi ở phía mặt bên lành trước đây. Một số ít bệnh nhân bị vài triệu chứng bệnh suốt đời.
Bệnh liệt thần kinh mặt nhẹ sẽ khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh nặng các dây thần kinh có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Nên làm gì để chữa và phòng bệnh liệt mặt?
Từ trong não đi ra, trên đường đi tới mặt, dây thần kinh điều khiển các cơ mặt phải đi qua một khe hẹp là một hốc xương nhỏ.
Vì vậy khi bị nhiễm vi khuẩn, các dây thần kinh này sưng lên, bị kẹt trong hốc xương hẹp. Do bị chèn ép các dây thần kinh bị tổn thương lớp màng bọc bên ngoài khiến tín hiệu thần kinh bị cản trở, gây ra tê liệt và yếu các cơ mặt.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các đối tượng sau đây dễ bị liệt dây thần kinh mặt là: phụ nữ có thai, bệnh nhân tiểu đường, người đang bị cảm cúm, người bị suy giảm miễn dịch như đang điều trị tia xạ, dùng thuốc corticosteroid, nhiễm HIV…
Để giúp bệnh mau bình phục người ta có thể dùng thuốc steroid chống viêm. Trường hợp các dây thần kinh mặt bị viêm thì dùng thuốc này có thể làm giảm viêm, giảm sưng giúp cho các dây thần kinh giảm hẳn bị chèn ép trong hốc xương.
Nếu dây bị nhiễm virut, việc dùng các thuốc kháng virut có thể làm ngưng bệnh nhanh chóng. Phương pháp vật lý trị liệu nên dùng bởi vì những bắp thịt bị liệt có thể rút ngắn lại gây co thắt mạn tính. Khi đó dùng xoa nắn và vận động những bắp thịt ở mặt có thể giúp chống co thắt.
Dùng phương pháp chườm nóng cũng có tác dụng làm giảm đau, giảm co thắt bắp cơ. Bạn cũng nên học cách thư giãn, sử dụng phương pháp châm cứu, uống bổ sung các loại vitamin, nhất là B12, B6 và kẽm cũng rất có ích trong việc phục hồi và phòng bệnh.
Bạn cần biết các cách tự chăm sóc: khi mắt bạn không nhắm kín được, bạn cần giữ cho mắt khỏi khô bằng cách nhỏ thuốc mỗi giờ vào ban ngày và tra thuốc mỡ vào mắt ban đêm, như vậy để tránh mắt bị quá khô, màng kết mạc của mắt có thể bị tổn thương dẫn đến mất thị giác.
Việc đeo kính ban ngày và đeo miếng che mắt ban đêm để tránh cho mắt khỏi bị chấn thương hay bị trầy xước.
Việc phòng bệnh cần phối hợp nhiều biện pháp tránh bị nhiễm lạnh, nhất là khi ngủ ban đêm. Phòng chống nhiễm vi khuẩn bằng cách nâng cao sức đề kháng của cơ thể: tập thể dục thường xuyên điều độ; ăn uống đủ chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp.
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường hoặc đến những nơi công cộng như bến tàu xe, siêu thị, chợ… để tránh bị lây nhiễm các bệnh do vi khuẩn gây ra. Không lạm dụng thuốc corticosteroid trong điều trị các bệnh cơ xương khớp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh