Trong các bệnh lý về tiêu hóa nói chung và bệnh về thực quản nói riêng, ung thư thực quản là bệnh có tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong cao.
Thực quản thuộc phần đầu của ống tiêu hóa, dài khoảng 25cm, là nơi vận chuyển thức ăn từ miệng đến dạ dày. Ung thư thực quản hỉnh thành khi tế bào ung thư phát triển trong thực quản. Các tế bào ung thư bắt đầu ở lớp bên trong của thực quản và có thể lan rộng ra khắp các lớp khác của thực quản và các bộ phận khác của cơ thể.
Hiện nay, nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư thực quản vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu và thống kê, các nhà khoa học đã tìm ra những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
Tuổi tác và giới tính: tỷ lệ ung thư thực quản tăng dần theo độ tuổi và khoảng 80% bệnh nhân được chẩn đoán trong độ tuổi 55 – 85. Trong đó, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới từ 3 – 6 lần.
Uống rượu và hút thuốc: theo các thống kê tại nhiều nước trên thế giới, những người hút thuốc lá và uống rượu có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn người bình thường.
Thói quen ăn uống: thường xuyên ăn, uống đồ nóng, chế độ ăn ít rau quả hoặc thức ăn có chứa nitrosamin như mắm, dưa muối.
Mắc các bệnh lý khác tại thực quản như: viêm dạ dày- thực quản, trào ngược axit dạ dày, loét hẹp đoạn dưới thực quản, nhiễm HPV…
Gia đình: trong gia đình có người thân bị ung thư quản hoặc người béo phì thì nguy cơ tăng cao hơn.
Bệnh ung thư thực quản thường không biểu hiện rõ dấu hiệu ở những giai đoạn đầu. Khi bệnh đã phát triển nặng hơn có thể gây một số triệu chứng sau:
– Khó nuốt với thức ăn đặc, dần dần khó nuốt với cả thức ăn lỏng và cả nước.
– Thường xuyên nôn, dịch nôn có thể chảy vào đường thở gây viêm đường hô hấp kéo dài, một số trường hợp thể có nôn ra máu.
– Ợ nóng, đau họng, đau sau xương ức, đau lưng hoặc hai xương bả vai.
– Khàn tiếng kéo dài hơn 2 tuần.
– Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Khi thấy xuất hiện một trong các triệu chứng ở trên, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán đúng bệnh. Các phương pháp chẩn đoán ung thư thực quản bao gồm:
Chẩn đoán hình ảnh:
– Nội soi thực quản: sử dụng ống nội soi đưa qua miệng để quan sát bên trong thực quản, giúp xác định vị trí khối u, kích thước, phân loại và sinh thiết.
– Chụp cản quang thực quản: uống thuốc cản quan trước khi chụp Xquang, giúp đánh giá kích thước vùng bệnh chuyển biến, quan sát bên trong thực quản cùng các bộ phận có liên quan gần đó.
– Chụp CT: kiểm tra sự di căn của tế bào ung thư đến các cơ quan khác, giúp phân chia giai đoạn và đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân.
– Chụp PET-CT: là loại chẩn đoán hình ảnh cắt ngang nhiều lớp và chức năng hình ảnh tổng hợp chính xác cho chẩn đoán ung thư thực quản.
Xét nghiệm:
– Xét nghiệm máu: là phương pháp tầm soát ung thư thực quản đơn giản nhất có kết quả tương đối chuẩn xác.
– Xét nghiệm tế bào thực quản: là phương pháp đơn giản, không gây đau, kết quả chính xác, giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.
– Sinh thiết: trong quá trình nội soi nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể lấy mẫu mô ở vùng đó để tiến hành kiểm tra dưới kính hiển vi và phát hiện ung thư.
Phân giai đoạn cho bệnh ung thư thực quản đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Ung thư thực quản được chia thành 4 giai đoạn:
– Giai đoạn I: khối u chỉ giới hạn ở lớp tế bào ngoài cùng của niêm mạc thực quản.
– Giai đoạn II: khối u phát triển tới lớp tế bào sâu hơn trong niêm mạc thực quản hoặc đã lan tới một số hạch bạch huyết lân cận và chưa di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.
– Giai đoạn III: khối u đã xâm lấn sâu hơn vào thành thực quản hoặc đã lan tới mô hoặc các hạch bạch huyết gần thực quản và vẫn chưa lan tới các bộ phận khác của cơ thể.
– Giai đoạn IV: ung thư đã lan tới các bộ phận khác của cơ thể như gan, phổi, não, xương…
Việc điều trị ung thư thực quản phụ thuộc và giai đoạn của bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thông thường, ung thư thực quản được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
– Phẫu thuật: phẫu thuật loại bỏ đoạn thực quản có chứa khối u, nếu cần thiết có thể loại bỏ một số hạch bạch huyết gần đó, sau đó đoạn thực quản còn lại sẽ được nối lại với dạ dày.
– Hóa trị: là phương pháp dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể và ngăn chặn sự phân chia tế bào. Đây là liệu pháp điều trị toàn thân, có thể kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị để tăng hiệu quả của điều trị.
– Xạ trị: là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng tia năng lượng cao hoặc dược chất phóng xạ để làm thu nhỏ khối u và giảm đau cho người bệnh.
– Hỗ trợ dinh dưỡng: Do thực quản là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn, nên người bệnh ung thư thực quản thường gặp các vấn đề về thiếu hụt dinh dưỡng. Do đó, trong quá trình điều trị cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh bằng cách bơm chất dinh dưỡng vào dạ dày hoặc đặt một ống thông vào thực quản để người bệnh dễ nuốt thức ăn hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh