✴️ Chăm sóc mỏm cụt

Nội dung

MỎM CỤT LÀ GÌ

Mỏm cụt hoặc đoạn chi là phần còn lại của một chi sau khi bị cắt cụt sau phẫu thuật cắt cụt chi hoặc tháo khớp.

Các tầm mức đoạn chi (mỏm cụt) ở chân:

Cắt cụt bàn chân: cắt cụt ngang bàn chân hoặc cắt cụt khối xương cổ chân, tháo khớp cổ chân.

Cẳng chân: mỏm cụt lý tưởng nằm giữa 1/3 trên và 1/3 giữa. Dài khoảng 15 cm từ khớp gối.

Khớp gối: tháo khớp gối, việc đi chân giả khó do mỏm cụt quá dài.

Đùi: mỏm cụt lý tưởng dài 25-30cm.

Khớp háng: tháo khớp háng.

Các tầm mức đoạn chi ở tay:

Bàn tay, cổ tay, tháo khớp các ngón.

Cắt cụt cẳng tay: mỏm cụt lý tưởng là 1/3 giữa và 1/3 dưới.

Tháo khớp khuỷu.

Cắt cụt cánh tay: lý tưởng là 1/3 giữa và 1/3 trên.

Tháo khớp vai.

 

NHỮNG KHÓ KHĂN GẶP PHẢI SAU KHI CẮT CỤT CHI

Đau: do sẹo mổ tỳ vào thần kinh, hoặc đau “chi ma”, đó là khi người bệnh cảm thấy đau ở phía dưới đoạn chi, phần đã bị cắt bỏ.

Chảy máu mỏm cụt: Do va đập hoặc tụt chỉ, chảy máu đầu xương hoặc do cầm máu không kỹ... Những trường hợp này cần được mổ lại để cầm máu.

Viêm tuỷ xương.

Áp xe cơ: Cả hai trường hợp này cần điều trị bằng kháng sinh, trích rạch dẫn lưu mủ và chăm sóc tại chỗ vết thương.

Viêm da quanh mỏm cụt: có thể do dị ứng với thuốc bôi hoặc do nhiệt độ cao gây phồng rộp, do vệ sinh mỏm cụt kém...

Do nhọt sâu trong mô mềm: điều trị bằng kháng sinh hoặc nạo vét ổ viêm.

Mất cảm giác: do tổ chức ở vùng mỏm cụt bị giập nát, cần cắt lại mỏm cụt.

Những khó khăn khác.

Hạn chế chức năng sinh hoạt hàng ngày: Tuỳ theo tầm mức đoạn chi mà sự ảnh hưởng đến đi lại, di chuyển hoặc sinh hoạt của người bệnh nhiều hay ít. Nếu tầm mức ở bàn chân người bệnh vẫn đi lại bình thường, nhưng nếu mỏm cụt dưới gối, đi lại có thể bị hạn chế do không đi xa và đi nhanh được.

Mỏm cụt ở tay ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tự chăm sóc và sinh hoạt hàng ngày như : tắm rửa, giặt giũ, thay quần áo...

Biến dạng khớp, co rút cơ của mỏm cụt: Mỏm cụt nếu không được vận động và được đặt ở tư thế đúng thì có thể bị co rút và biến dạng. Cơ có thể yếu hoặc teo...

Tâm lý: Tâm lý có thể bị ảnh hưởng nhất là phụ nữ, hoặc nam giới là lao động chính trong gia đình. Người bệnh có thể lo lắng, buồn bã, hoặc băn khoăn về hình thể mới của mình.

Các hoạt động trong gia đình và xã hội: Các hoạt động nội trợ hoặc hoạt động cộng đồng có thể bị khó khăn hoặc hạn chế.

Học hành: Việc đi học của trẻ có thể bị khó khăn nếu trường học ở xa nhà của trẻ. Mặt khác, nếu mỏm cụt ở tay phải có thể làm trẻ phải học viết bằng tay trái...

Việc làm: Khả năng thao tác công việc sẽ bị giảm do bị cắt cụt ở tay.

 

MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU PHẢI CẮT CỤT CHI

Do chấn thương: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, vết thương hoả khí.

Do bệnh lý: viêm tắc động mạch, lao xương, ung thư xương...

Do dị tật bẩm sinh của chi: thiếu một đoạn chi, kém phát triển...

 

CAN THIỆP

Y học - phục hồi chức năng

Tư thế của mỏm cụt: Mỏm cụt dưới gối hoặc trên gối nên được đặt ở tư thế đúng: để người bệnh nằm sấp để tránh biến dạng gập của háng và gối.

Các tư thế cần tránh:

Chêm gối dưới hông hay đầu gối.

Thỏng mỏm cụt xuống cạnh giường hoặc cạnh xe lăn.

Nằm ưỡn cong lưng.

Nằm ngửa, gối gập.

Nằm chêm gối giữa đùi.

Nằm dang mỏm cụt.

Đứng gác mỏm cụt trên tay nạng.

Chăm sóc mỏm cụt.

Giúp chóng liền da vết mổ, làm thon chắc và duy trì sức mạnh của mỏm cụt.

Rửa mỏm cụt hàng ngày bằng xà phòng và nước ấm.

Lau khô và thoa vaselin cho mềm da.

Nếu da bị trầy xước phải băng bó và tìm nguyên nhân để khắc phục.

Chân còn lại phải rửa sạch sẽ hàng ngày và lau kỹ và mang giày thích hợp.

Vật lý trị liệu.

Có thể áp dụng hồng ngoại để chóng liền da và chống nhiễm trùng.

Xoa bóp: xoa bóp nhẹ nhàng mỏm cụt để máu lưu thông, phá vỡ kết dính của da với tổ chức bên dưới. Giảm bớt tê, đau ở mỏm cụt.

Băng ép mỏm cụt: sau khi chăm sóc và tập cho mỏm cụt cần băng ép để mỏm cụt nhỏ thon, tiện cho việc lắp chân giả sau này. Nên băng chéo, không băng ngang. Nên hướng dẫn để gia đình tự làm.

Tập vận động mỏm cụt: cần tập mạnh cơ của mỏm cụt để các cơ có thể mang được chân giả sau khi lắp. Các bài tập mạnh cơ hãy tham khảo ở chương bài tập mạnh cơ.

Tập cử động mỏm cụt theo tầm vận động của khớp để tránh cứng khớp và biến dạng khớp sau này. (tham khảo ở chương bài tập theo tầm vân động khớp).

Tập hoạt động chức năng của toàn thân

Sau khi lắp chân giả, người bệnh cần được tập để đi với chân giả hoặc tập với tay để cải thiện chức năng cầm nắm của bàn tay.

Các bài tập di chuyển

Tập đứng trong thanh song song: hai chân cách nhau 20cm luân phiên dồn trọng lượng lên hai chân - chân lành và chân giả. Tư thế tập khác có thể là hai chân - một chân trước một chân sau: luân phiên dồn trọng lượng lên hai chân.

Tập đi trong thanh song song với chân giả: đi chậm, đưa chân giả lên trước.

Tập ngồi dứng dậy từ ghế cao: cúi nghiêng người ra trước rồi đứng dậy

Tập đi ngang theo một thanh song song: bước một chân sang ngang (phải hoặc trái) rồi đưa chân giả bước theo.

Tập ngã: đặt gối hoặc đệm rộng cho người bệnh tập. Để khi ngã họ không bị đập toàn thân xuống nền. Tập ngã về phía trước, về phía sau hoặc sang bên.

Tập ngồi xuống đứng lên từ sàn nhà.

Tập đứng lên từ tư thế quỳ.

Phẫu thuật

Đôi khi mỏm cụt có sẹo thô, xấu, gây đau khi lắp chân giả, cần phẫu thuật để chỉnh sửa mỏm cụt.

Dụng cụ thay thế hoặc trợ giúp

Thường dùng chân tay giả kết hợp với tập đi trong thanh song song, khung đi, hoặc với 2 nạng nách, gậy...

Hoạt động trị liệu

Sau khi có chân hoặc tay giả, người có mỏm cụt cần được tập các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như: ăn uống, thay quần áo, tắm giặt, nội trợ, làm các việc trong gia đình. Ngoài ra họ có thể được hướng dẫn một số các bài tập riêng biệt để cải thiện khả năng cử động của cánh tay hoặc bàn ngón tay.

Sau khi lắp chân tay giả, người có mỏm cụt cần được hướng dẫn tập đi, vận động cho quen tại trung tâm phục hồi chức năng hay trong một thời gian.

Học hành/ hướng nghiệp

Trẻ em khuyết tật được lắp chân tay giả và phục hồi chức năng xong, cần được đi học. Có thể trẻ sẽ gặp khó khăn khi di chuyển đến trường hoặc khó khăn sinh hoạt tại trường. Gia đình trẻ cần gặp gỡ giáo viên và lãnh đạo nhà trường, Hội cha mẹ trẻ khuyết tật... để giải quyết những khó khăn này.

Người khuyết tật bị cắt cụt chi đã được phục hồi chức năng và lắp chân tay giả cần được tư vấn, hỗ trợ để học nghề mới, thu xếp nơi làm việc phù hợp, được vay vốn để tạo việc làm. Gia đình, bản thân người khuyết tật cần bàn bạc với cộng tác viên và các thành viên khác (Ban Điều hành, Hội người khuyết tật, Hội phụ nữ, hoặc Hội Nông dân...) để giải quyết dần dần các nhu cầu việc làm của người khuyết tật.

Xã hội

Tại những nơi công cộng: chợ búa, trụ sở hoặc trạm y tế, trường học cần để những lối đi riêng hoặc bậc thấp dành cho người khuyết tật.

 

CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Bao lâu phải thay chân giả/tay giả?

 Đối với trẻ em, khi trẻ lớn lên cần phải thay chân/tay giả, lúc ấy dùng mỏm cụt sẽ đau, căng tức hoặc trầy xước, nên gặp chuyên gia phục hồi chức năng của huyện/Tỉnh để được tư vấn.

Nếu dùng tay/chân giả bị đau cần phải làm gì?

Mới đi chân giả hoặc đeo tay giả có thể đau do mỏm cụt to, nên băng ép mỏm cụt (băng chéo) một thời gian để mỏm cụt thon chắc hơn; tập và xoa bóp mỏm cụt hàng ngày.

Nếu bị vết thương hoặc trầy xước ở mỏm cụt thì chăm sóc vết thương như thế nào?

Cần để vết thương thoáng và giữ cho khô sạch để vết thương chóng lành. Rửa vết thương bằng nước ấm với xà phòng, để khô. Nếu sẹo mỏm cụt thô, cứng có thể bôi vaselin cho mềm.

 

NOI CUNG CẤP DỊCH VỤ

Trung tâm Phục hồi chức năng: là nơi tập luyện cho người khuyết tật, tư vấn sức khoẻ và theo dõi, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Bệnh viện: các khoa phục hồi chức năng của bệnh viện là nơi điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn cho người bệnh và gia đình về bệnh tật, phương pháp tập luyện, hướng nghiệp...

Trung tâm dạy nghề: giúp dạy nghề và hạn chế các thương tật thứ cấp.

Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng: quản lý sức khoẻ, di chứng, cung cấp thông tin liên quan đến việc phục hồi chức năng, việc làm, công tác xã hội, điều kiện tiếp cận...

Tổ chức, Hội khuyết tật, Hội cha mẹ trẻ khuyết tật: cùng chia sẻ kinh nghiệm, động viên lẫn nhau trong tập luyện, trong đời sống.

Hỗ trợ của chính phủ: theo pháp lệnh về khuyết tật năm 1998 và các chính sách của địa phương.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Giáo trình Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng, NXB Y học, 2000.

Trần Thị Thu Hà - Trần Trọng Hải, 2005, “Phát hiện sớm, can thiệp sớm một số dạng tàn tật ở trẻ em Việt Nam”, NXB Y học.

Ma. Lucia Mirasol Magallona, 2005, Manual for CBR workers and Caregivers, C&E Publishing Inc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top