Việc luyện tập, vận động đối với người khỏe mạnh cũng như với người bệnh đều có vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, với người bệnh nằm lâu ngày, các bài tập vận động sẽ giúp phòng ngừa các vấn đề gây ra do nằm tại chỗ lâu ngày như cứng khớp, yếu cơ bắp, khó thở, táo bón, loét da, chán ăn và thay đổi về tâm thần; giúp giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi.
Đối với bệnh nhân ung thư vú, tập thể dục có thể giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh khi họ đang tiến hành điều trị. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Miami (Mỹ) đã xem xét mức độ hoạt động thể chất và sức khỏe thể chất/tâm thần của 240 phụ nữ bị ung thư vú không di căn được xem xét trong khoảng từ 4-10 tuần sau khi phẫu thuật. Kết quả cho thấy, phụ nữ tích cực hoạt động thể chất ít bị trầm cảm, mệt mỏi và có chất lượng sống tốt hơn trong thời gian điều trị ung thư sau phẫu thuật.
Trong quá khứ, lời khuyên thông thường cho người bệnh ung thư là nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt và giảm vận động. Trong một số trường hợp nhất định như chuyển động có thể gây đau đớn, thì nghỉ ngơi là điều nên làm. Ngày nay, các bác sỹ luôn khuyên các bệnh nhân nên vận động khi điều này dường như đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh.
Các bằng chứng đã được nghiên cứu qua nhiều năm cho thấy chất lượng cuộc sống được nâng cao khi áp dụng các hoạt động thể chất vào quá trình điều trị. Người bệnh nên dành 30 phút mỗi ngày, năm ngày/tuần, với các bài tập thể dục phù hợp trong liệu trình điều trị.
Một số động tác tập thể dục được đưa ra với bệnh nhân ung thư vú như đi bộ, giúp người bệnh hít thở không khí trong lành để quên đi thời gian chiến đấu khó khăn với bệnh. Liệu pháp yoga giúp người bệnh tĩnh tâm hơn và chấp nhận thực trạng bệnh của mình, có chất lượng cuộc sống tốt hơn, sức khỏe tổng thể được cải thiện và điều chỉnh được lượng hormone gây căng thẳng… Các nhà khoa học cũng đưa ra phương pháp tập luyện hiệu quả cho bệnh nhân ung thư vú là chèo thuyền. Hoặc liệu pháp thiền cũng là lựa chọn thích hợp cho người bệnh muốn yên tĩnh giúp người bệnh hóa giải lo lắng và trở về cuộc sống thường ngày.
Bên cạnh đó, còn một số động tác thể dục đem lại nhiều lợi ích mà người bệnh ung thư có thể xem xét áp dụng như thể dục kéo giãn, giúp các khớp xương duy trì chuyển động, sẽ hỗ trợ người bệnh duy trì khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày; các bài tập tăng khả năng đối kháng giúp cơ bắp nâng được một trọng lượng nhất định nhằm xây dựng sức mạnh…
Tuy nhiên, không phải với tất cả những bệnh nhân ung thư vú đều áp dụng chung một phương pháp tập luyện mà tùy thể trạng cũng như tiến triển bệnh của mỗi người.
Trong quá trình tập luyện sẽ có sự đánh giá, điều chỉnh mức độ của các bài tập. Mục tiêu cuối cùng là giúp người bệnh lấy lại cảm giác, kiểm soát cơ thể cũng như tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần; giảm thiểu các nguy cơ mắc các bệnh khác như bệnh tim hay loãng xương; giảm thiểu nguy cơ yếu cơ và giảm các loại cử động do thiếu vận động; cải thiện khả năng thực hiện các sinh hoạt thông thường hàng ngày. Cải thiện sự tự tin, giảm nguy cơ lo âu và trầm cảm, giảm tác dụng phụ của thuốc.
Tình trạng bệnh của mỗi người là khác nhau do đó mức độ thể chất, loại hình thể dục hay mức độ đáp ứng của mỗi người cũng khác nhau. Bài tập dành cho bệnh nhân sẽ không phải là một chế độ phù hợp cho tất cả mọi người. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến y bác sỹ trước khi quyết định lựa chọn hình thức tập luyện để có được một bài tập phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh