Điều trị chứng đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa là cơn đau do dây thần kinh tọa truyền tín hiệu từ não bộ xuống tủy sống, đến vùng chân gây ra. Cơn đau của đau thần kinh tọa thường lan xuống một bên cơ thể, từ vùng lưng dưới xuống chân, thường là dưới đầu gối. Nguyên nhân phổ biến nhất là do đĩa đệm bị phồng (hay còn gọi là thoát vị) ở vùng lưng dưới.

Đĩa đệm có cấu trúc giống như các bánh xe nằm giữa các đốt xương của cột sống. Nếu vành bên ngoài của đĩa đệm bị rách - thường là do áp lực thường xuyên lên vùng lưng dưới, các chất bên trong giống như thạch có thể chảy ra ngoài và chèn ép hoặc làm viêm dây thần kinh gần đó. Đau thần kinh tọa phổ biến nhất ở những người từ 30 đến 50 tuổi.

 

Làm thế nào để biết nếu đó là đau thần kinh tọa?

Chìa khóa để chẩn đoán đau thần kinh tọa là khai thác bệnh sử một cách kỹ lưỡng và khám tập trung vào vùng đau. Các triệu chứng đau thần kinh tọa thường nặng hơn khi ngồi hoặc ho và có thể kèm theo tê hoặc ngứa ran ở chân. Việc khám sức khỏe có thể xác định cơn đau có liên quan đến dây thần kinh tọa hay không, và giúp tìm các vị trí yếu hoặc giảm phản xạ ở chân để xác định tình trạng bắt buộc phải điều trị tại các tuyến chuyên khoa.

 

Điều trị đau thần kinh tọa

Nhiều người gặp phải cơn đau thần kinh tọa và nghĩ rằng càng đau nặng thì càng nhiều khả năng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, điều này không đúng. Một điều đặc biệt là cơ thể có thể tái hấp thu các chất bên trong đĩa đệm bị thoát ra và gây ra các triệu chứng, ngay cả đối với những người bị đau dữ dội. Vì vậy, quá trình điều trị sẽ tập trung vào việc kiểm soát cơn đau và giữ cơ thể hoạt động nhiều nhất có thể. Các mẹo nhỏ trong điều trị cơn đau bao gồm:

  • Khi cơn đau dữ dội, nằm xuống trong thời gian ngắn có thể rất hiệu quả, nhưng nằm lâu thì lại không hề tốt. Tại thời điểm cơn đau giảm bớt, bệnh nhân cần đứng dậy và bắt đầu đi bộ trong quãng ngắn. Việc ngồi nhiều làm tăng áp lực lên đĩa đệm ở lưng dưới, do vậy bạn nên tránh ngồi hoặc lái xe quá lâu.
  • Một số phương pháp điều trị như vật lý trị liệu, xoa bóp, châm cứu và nắn chỉnh thần kinh cột sống, nhưng các bằng chứng cho thấy rằng các phương pháp này có thể giúp giảm tình trạng đau thắt lưng điển hình, song lại ít hữu ích đối với đau thần kinh tọa.
  • Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen và paracetemol có thể mang đến hiệu quả. Nếu không, bạn có thể sử dụng trong thời gian ngắn các loại thuốc giảm đau được kê đơn mạnh hơn.

Một điều đáng kỳ vọng là đối với hầu hết (khoảng ¾) người gặp phải tình trạng này, các triệu chứng sẽ cải thiện trong vài tuần. Hiếm khi các vấn đề nghiêm trọng xảy ra, chẳng hạn như chân bị tụt xuống và cần đánh giá tình trạng này để có thể xem xét phẫu thuật. Đối với những người không cải thiện tình trạng này sau 6 tuần, phẫu thuật là một lựa chọn đáng xem xét. Phẫu thuật bao gồm việc loại bỏ chất thoát ra khỏi đĩa đệm và gây ảnh hưởng đến dây thần kinh. Nói chung đây là một thủ thuật rất an toàn và ít khi gặp phải các biến chứng xảy ra. Theo thống kê, chỉ có khoảng 5% đến 10% những người phẫu thuật sẽ có thể bị đau nặng hơn sau khi thực hiện thủ thuật.

Thông thường, phương pháp tiêm cột sống bằng thuốc steroid được tiêm vào vùng bị đau có thể được áp dụng. Phương pháp này có thể cân nhắc đối với những trường hợp không kiểm soát được cơn đau hoặc những người có các triệu chứng đau dai dẳng nhưng muốn tránh phẫu thuật. Tiêm có thể giúp giảm đau trong thời gian ngắn. Giống như các thủ thuật khác, tiêm thuốc cũng có những rủi ro dù khả năng xảy ra là thấp, và nó dường như không giúp giảm khả năng cần phẫu thuật trong tương lai.

 

Đau không đồng nghĩa với tác hại

Đối với hầu hết các bệnh nhân bị đau thần kinh tọa, bạn nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ đầy đủ. Bệnh nhân thường gặp phải tình trạng lo lắng hay sợ nói chung do tình trạng đau mà họ chưa bao giờ gặp phải. Tuy nhiên, tổn thương không có nghĩa là có hại, và các phương pháp điều trị sẽ hướng đến việc kiểm soát cơn đau và giữ cho cơ thể hoạt động ổn định trong khi cơ chế tự khắc phục sẽ là mấu chốt giải quyết vấn đề.

Với những trường hợp không cải thiện, chụp MRI trước khi chuyển sang phẫu thuật hoặc tiêm thuốc có thể là lựa chọn tốt cho bệnh nhân để tăng tốc độ hồi phục. Nhìn chung, bác sĩ sẽ trấn an và đảm bảo rằng những người không có mong muốn phẫu thuật có thể trì hoãn phẫu thuật đến sáu tháng mà không gặp rủi ro về các vấn đề lâu dài.

 

Thay đổi lối sống để hạn chế gặp phải tình trạng đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là một tình trạng khó chịu, và nó có thể khiến các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Có nhiều cách để làm giảm các triệu chứng của đau thần kinh tọa. Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau có thể giảm bớt và biến mất sau vài tuần. Nếu các triệu chứng không cải thiện, bác sĩ có thể giúp đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể và phù hợp hơn.

Thay đổi lối sống chính là phương pháp tốt nhất để tránh gặp phải tình trạng này. Một số lưu ý để tránh gặp phải tình trạng đau thần kinh tọa như tập thể dục thường xuyên để duy trì sức mạnh ở các cơ vùng lưng, duy trì một tư thế ngồi tốt., tránh cúi xuống để nâng vật nặng mà thay vào đó thực hiện thao tác ngồi xổm xuống để lấy đồ, duy trì tư thế tốt khi đứng trong thời gian dài và sử dụng giày hỗ trợ. Một điều quan trọng không hề kém chính là duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh cũng như giải quyết các vấn đề béo phì và đái tháo đường - những yếu tố nguy cơ gây đau thần kinh tọa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top