ĐẠI CƯƠNG
Thở với đai trợ giúp là kỹ thuật thở chủ động có trợ giúp ở thì thở ra. Mục đích làm tăng đào thải khí cặn, tăng thông khí phổi.
CHỈ ĐỊNH
Các bệnh có tăng thể tích khí cặn: COPD, giãn phế nang...
Các bệnh có hạn chế hô hấp: tràn dịch - dày dính màng phổi, các bệnh phổi kẽ, mệt cơ hô hấp, gù vẹo cột sống...
Sau phẫu thuật lồng ngực.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Có gãy hoặc rạn xương sườn mới.
Người bệnh không hợp tác
CHUẨN BỊ
Người thực hiện:
Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng; kỹ thuật viên vật lý trị liệu/phục hồi chức năng; điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên y có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo về phục hồi chức năng.
Phương tiện:
Đai vải có kích thước 110cm x 10cm, 2 đầu có quai
Người bệnh:
Giải thích mục đích kỹ thuật cho người bệnh để người bệnh yên tâm hợp tác
Hồ sơ bệnh án:
Phiếu điều trị chuyên khoa vật lý trị liệu có chỉ định của bác sĩ
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Tư thế người bệnh
Ngồi trên ghế thoải mái, lưng thẳng
Hai chân mở rộng bằng vai, hai đầu gối hơi dang.
Kỹ thuật
Bước 1: Vòng đai vải quanh lồng ngực và chéo nhau ở phía trước, đai vải luôn phẳng. Luồn 4 ngón tay vào quai của đai vải.
Bước 2: Hít vào từ từ bằng mũi cho đến hết khả năng, đồng thời nới đai vải ra, hai tay đưa ra trước.
Bước 3: Chúm môi thở ra từ từ bằng miệng đồng thời hai tay kéo căng đai vải về hai phía để đai vải ép vào lồng ngực cho đến hết thì thở ra.
Người thực hiện quan sát người bệnhlàm và sửa sai cho người bệnh.
Thời gian thực hiện:ngày 2 lần, mỗi lần trung bình khoảng 20 phút
THEO DÕI
Khi tập luyện
Tình trạng toàn thân, sắc mặt, màu sắc da, nhịp thở, kiểu thở.
Di động của lồng ngực, độ ép của đai vào lồng ngực, tình trạng đau ngực.
Sau khi tập
Theo dõi tính độc lập, chủ động tự tập luyện của người bệnh
Kỹ thuật viên theo dõi kết quả luyện tập: thở đúng.
TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Đau cơ: Thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu
Tập quá sức: nghỉ ngơi;.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh