Những điều khiến bạn mệt mỏi trong quá trình điều trị ung thư

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất và gây phiền toái bạn có thể gặp phải trong điều trị ung thư. Trong một nghiên cứu, những người sống sót sau ung thư cho biết mức độ mệt mỏi của họ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ nhiều hơn là buồn nôn, trầm cảm và đau đớn các loại. Ngoài việc giảm chất lượng cuộc sống, mệt mỏi có thể là một yếu tố nguy cơ trong việc giảm tỷ lệ sống còn.

Dấu hiệu và triệu chứng

Mệt mỏi do ung thư khác biệt so với mệt mỏi thông thường - loại mệt mỏi bạn gặp phải sau một ngày bận rộn, hoặc khi bạn không ngủ đủ giấc. Mệt mỏi do ung thư khiến bạn có thể cảm thấy vô cùn mệt mỏi mặc dù được nghỉ ngơi hoàn toàn đầy đủ vào ban đêm. Bạn có thể gặp bất kỳ những triệu chứng sau khi bạn thấy mệt mỏi trong quá trình điều trị ung thư:

  • Mệt mỏi "toàn thân"
  • Mệt mỏi trong và sau khi nghỉ ngơi
  • Trở nên mệt mỏi ngay cả với những hoạt động đơn giản, chẳng hạn như đi bộ
  • Khó tập trung
  • Cảm thấy nhiều cảm xúc hơn bình thường
  • Nhanh cảm thấy mệt mỏi hơn
  • Giảm ham muốn tham gia vào các hoạt động ưa thích

Mỗi người trải cảm giác mệt mỏi do điều trị ung thư theo những cách khác nhau, nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý rằng đó là một cảm giác mệt mỏi khác với những gì họ trải nghiệm trước khi điều trị ung thư.

 

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây mệt mỏi. Một số trong số này có liên quan đến căn bệnh ung thư, một số do điều trị, và một số khác liên quan đến những căng thẳng hàng ngày trong cuộc sống với ung thư.

Nghiên cứu gần đây cho thấy viêm có thể đóng một vai trò quan trọng và tiềm ẩn trong việc xuất hiện mệt mỏi do ung thư.

Một số nguyên nhân gây mệt mỏi trong điều trị ung thư bao gồm:

  • Bản thân ung thư. Những thay đổi trong quá trình trao đổi chất do ung thư có thể làm giảm năng lượng của bạn
  • Điều trị và các phản ứng phụ của điều trị. Hóa trị liệu, xạ trị và phẫu thuật có thể góp phần gây mệt mỏi
  • Khó thở. Việc hít thở gia tăng khi bạn cảm thấy khó thở có thể làm giảm năng lượng của bạn
  • Trầm cảm. Trầm cảm và mệt mỏi thường đi liền cùng nhau, và rất khó để xác định được triệu chứng nào đến trước
  • Thiếu máu. Thiếu máu do chảy máu sau khi giải phẫu, hóa trị liệu, hoặc đơn giản là bị bệnh, có thể làm giảm mức năng lượng của bạn
  • Nồng độ oxy trong máu thấp (thiếu oxy huyết) có thể làm bạn cảm thấy mệt mỏi
  • Thuốc men. Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị ung thư, bao gồm thuốc giảm đau, có thể góp phần làm mệt mỏi
  • Cơn đau không được kiểm soát. Cơn đau làm tăng mệt mỏi, vì vậy điều quan trọng là thảo luận về bất kỳ cơn đau không kiểm soát được bạn gặp với bác sĩ
  • Thiếu nghỉ ngơi, hoặc nghỉ ngơi quá nhiều. Cả việc thiếu hoặc nghỉ ngơi quá nhiều đều có thể làm tăng sự mệt mỏi
  • Bất động và thiếu hoạt động. Việc giảm hoạt động lâu ngày do bất động trong thời gian ở bệnh viện hoặc hồi phục ở nhà, có thể hạ thấp mức năng lượng của bạn
  • Căng thẳng. Căng thẳng có thể làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi hơn
  • Khó ăn. Điều này thường đến do nguyên nhân ăn mất ngon, loét miệng, hoặc thay đổi vị giác. Dinh dưỡng không đủ có thể làm giảm năng lượng dự trữ của bạn và gia tăng cảm giác mệt mỏi của bạn

 

Lời khuyên

Bạn nên chia sẻ bất kỳ triệu chứng nào mà bạn đang trải qua với bác sỹ chuyên khoa về ung thư-kể cả mệt mỏi - tại mỗi cuộc hẹn. Bác sĩ có thể có những gợi ý để đối phó, hoặc xem xét những thay đổi trong phác đồ điều trị của bạn. Bên cạnh đó đừng ngần ngại trao đổi với người thân và giúp họ hiểu được cơn mệt mỏi của bạn để có thể chăm sóc bạn tốt hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top