✴️ Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não (P2)

Nội dung

Thay đổi thiết kế xây dựng tại nhà/môi trường xung quanh

Để người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân một cách độc lập, cần chú ý xem có thể sửa sang lại lối đi, độ rộng cửa, chiều cao của vệ sinh và bếp, chỗ tắm giặt... Cầu thang nên được thay bằng lối đi dốc phẳng cho xe lăn...

Cửa đi cần mở đủ rộng để xe lăn qua được dễ dàng, đặc biệt là cửa thông phòng, cửa vào khu vệ sinh và bếp. Lối đi qua những cửa này không nên có bậc để xe lăn có thể qua được. Bệ bếp, bồn rửa mặt, chỗ nấu nướng, giặt giũ cũng cần sửa sang lại nếu người bệnh sử dụng xe lăn. Chiều cao chỗ nấu nướng phải đo vừa tầm với xe lăn.

Chỗ ngồi để tắm có thể dùng một ghế tựa, đặt gần vòi nước cho dễ sử dụng. Khi tắm, người khuyết tật có thể dùng một que dài buộc vào rối cọ để kỳ cọ phần thân thể bên liệt.

Nếu trong nhà không có bệ vệ sinh có thể chuyển bệ vệ sinh xổm thành loại bệt cho người bệnh dễ sử dụng. Trong trường hợp không có điều kiện lắp đặt, có thể dùng một ghế tựa đục lỗ ở giữa. Người khuyết tật ngồi trên ghế và đặt bô hoặc xô chứa dưới gầm ghế.

   

Hỗ trợ về tâm lý

Người bệnh sau tai biến thường bị rối loạn cảm xúc như: trầm cảm, không ham muốn, thiếu động cơ tập luyện, không cố gắng; nhiều người tự coi mình làm trung tâm sự chú ý và chăm sóc, muốn được phục vụ và quan tâm... Do vậy, tuỳ theo tâm lý của người bệnh mà gia đình, cộng tác viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và những người xung quanh cần hỗ trợ, nâng đỡ, động viên họ, giúp họ tham gia tích cực vào việc tập luyện và phục hồi chức năng.

Giáo dục bệnh nhân và gia đình

Người bệnh và gia đình cần được hướng dẫn về các nội dung:

Cách theo dõi huyết áp, và chế độ ăn uống.

Phòng ngừa và loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não.

Cách hỗ trợ người bệnh tập luyện.

Cách hỗ trợ người bệnh tự chăm sóc bản thân một cách độc lập.

Những thay đổi môi trường gia đình để người bệnh có thể tái hoà nhập cộng đồng.

Xem xét và giải quyết vấn đề việc làm cho người bệnh ở độ tuổi lao động.

 

CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Người TBMMN có thể làm được gì?

Giao tiếp: Việc hồi phục khả năng nói, giao tiếp sau tai biến bắt đầu sau một vài tháng kể từ lúc bắt đầu bị bệnh và kéo dài hàng năm. Nếu được tập luyện ngôn ngữ, khả năng giao tiếp có khả năng cải thiện.

Việc làm: Những người bị tai biến mạch não tuổi còn trẻ vẫn có khả năng kiếm việc làm. Việc làm không nhất thiết là một việc chính thống tại cơ quan xí nghiệp; mà có thể ở tổ đổi công, hợp tác xã hoặc chăn nuôi, trồng cây cảnh... Do vậy việc học nghề và vay vốn là cần thiết đối với người bệnh. Cộng tác viên Phục hồi chức năng cộng đồng cần lượng giá được khả năng của người bệnh để giúp họ nhanh chóng tìm công việc phù hợp.

Đi lại: Thông thường, người bệnh có thể bắt đầu đi lại được sau khi bị tai biến khoảng 1 tháng - 1,5 tháng. Họ đi tốt, an toàn sau khoảng 2 - 3 tháng.

Người TBMMN có trở lại như trước kia được không?

Phần lớn người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân và tham gia một phần các hoạt động trong gia đình. Khoảng 30% bệnh nhân có thể đi làm trở lại, với công việc được điều chỉnh phù hợp.

Những dụng cụ gì họ cần và cách sử dụng dụng cụ?

Nẹp dưới gối có thể được đeo để giảm hiện tượng bàn chân rủ. ở giai đoạn sau, khi co cứng tăng lên, họ nên đeo nẹp thường xuyên khi đi lại và nghỉ ngơi để tránh bàn chân thuổng.

Nẹp cổ tay cũng cần được đeo từ những tháng thứ 2 - 3 sau khi bị bệnh để tránh co quắp cổ tay.

Quan hệ hôn nhân/gia đình của người bệnh

Thông thường người bệnh bị tai biến mạch máu não là những người cao tuổi; nên tình trạng hôn nhân của họ khá ổn định mặc dù bị bệnh. Nhờ vậy, người bệnh có sự trợ giúp đắc lực từ phía người thân trong quá trình tập luyện và phục hồi chức năng.

Nguy cơ bị tái phát?

Tai biến mạch não lần thứ nhất là dấu hiệu cảnh báo cho những đợt tai biến khác nặng hơn. Do vậy, cần hạn chế và kiểm soát các yếu tố nguy cơ và các thương tật thức cấp.

 

NƠI CUNG CẤP DỊCH VỤ

Trung tâm phục hồi chức năng:

Là nơi tập luyện, tư vấn sức khoẻ và theo dõi, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Bệnh viện:

Các khoa phục hồi chức năng của bệnh viện là nơi điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn cho người bệnh và gia đình về bệnh tật, phương pháp tập luyện, hướng nghiệp...

Trung tâm dạy nghề:

Giúp dạy nghề và hạn chế các thương tật thứ cấp.

Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng:

Quản lý sức khoẻ, cung cấp thông tin liên quan đến việc phục hồi chức năng, việc làm, công tác xã hội, tiếp cận... cho người bệnh.

Tổ chức, Hội người khuyết tật:

Cùng chia xẻ kinh nghiệm, động viên lẫn nhau trong tập luyện, trong đời sống.

Hỗ trợ của Chính phủ:

Theo pháp lệnh về người khuyết tật năm 1998.

Người bị TBMMN cần được tập luyện phục hồi chức năng càng sớm càng tốt.

Với sự kiên trì và tập luyện phục hồi chức năng,họ có thể độc lập trong cuộc sống và hoà nhập cộng đồng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Giáo trình Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng, NXB Y học, 2000.

Trần Thị Thu Hà - Trần Trọng Hải, 2005, “Phát hiện sớm, can thiệp sớm một số dạng tàn tật ở trẻ em Việt Nam”, NXB Y học.

Ma. Lucia Mirasol Magallona, 2005, Manual for CBR workers and Caregivers, C&E Publishing Inc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top