Tác dụng của kích thích điện qua da (TENS)

Nội dung

Đây là phương pháp điện trị liệu tương đối phổ biến trong số rất nhiều các phương pháp vật lý trị liệu khác. Dùng kích thích từ các xung điện đã được sử dụng rất rộng rãi để điều trị nhiều bệnh tật khác nhau có liên quan tới não và thần kinh. Trị liệu TENS có tác dụng tương tự như việc dùng xung điện để kích thích não hoặc tủy sống và đây là phương pháp nhanh chóng được công nhận là có tác dụng giảm đau và khó chịu một cách hiệu quả (cả với các cơn đau cấp tính và mãn tính).

Dưới đây là những gì bạn cần biết về trị liệu bằng TENS

TENS là gì và có tác dụng như thế nào?

TENS là viết tắt của cụm từ Transcutaneous Electrical Nerve Stimulation (kích thích thần kinh bằng dòng điện xuyên qua da) và là một cách để điều trị các cơn đau về mặt thể chất. Lý thuyết của phương pháp này là dùng dòng điện tác động lên các dây thần kinh gửi tín hiệu đau đến não, do đó, làm gián đoạn quá trình gửi tín hiệu đau tới não, từ đó làm giảm đau. TENS có thể giúp cơ thể sản xuất ra hormone endorphin, một loại chất giảm đau tự nhiên của cơ thể và thay đổi cách não đáp ứng lại với tín hiệu đau.

Phương pháp này sử dụng một nguồn điện nhỏ, cường độ thấp để cung cấp dòng điện đi dọc theo các sợi xơ thần kinh tại vùng cơ thể bị đau, làm gián đoạn quá trình chuyển tín hiệu đau đến não và giảm đau.

Máy tạo ra điện thường có kích thước như một chiếc radio nhỏ và thường có 2 điện cực để dán lên da. Người sử dụng máy này có thể điều chỉnh máy với nhiều cường độ và dòng điện khác nhau để làm tăng hoặc giảm tác dụng cản trở của dòng điện.

Phương pháp TENS dùng để làm gì?

TENS dùng để điều trị tình trạng đau và khó chịu gây ra bởi nhiều tình trạng bệnh khác nhau, bao gồm viêm khớp, đau lưng, đau cổ, đau cơ, đau đầu gối, đau trong chu kỳ kinh nguyệt… Nhiều người cũng sử dụng phương pháp này để làm giảm các cơn đau cấp tính gây ra bởi các chấn thương trong thể thao, thậm chí là giảm đau khi chuyển dạ. Nhiều bệnh nhân ung thư cũng sử dụng phương pháp này để làm giảm các cơn đau mãn tính do bệnh ung thư gây ra.

Sử dụng phương pháp này thế nào?

Máy tạo xung điện được thiết kế nhỏ gọn và có thể mang theo bên mình. Để sử dụng, hai miếng điện cực sẽ được đặt lên vùng da bị đau, sau đó, dòng điện sẽ được tạo ra từ máy tạo xung điện. Vị trí đặt 2 miếng điện cực ở đâu là vô cùng quan trọng để có thể thu được nhiều lợi ích nhất từ phương pháp TENS. Vị trí đặt 2 miếng điện cực tốt nhất là đặt lên mép ngoài của những vị trí bị đau hay khó chịu. Bạn nên đảm bảo rằng máy đã tắt trong khi bạn điều chỉnh vị trí của các miếng điện cực.

Nhu cầu về cường độ cũng như tần số dòng điện sẽ khác nhau phụ thuộc vào mỗi người, do vậy, hãy đảo bảo rằng bạn tăng cường độ xung điện đến mức đủ để cảm nhận được cảm giác râm ran, nhưng không gây đau đớn hay khó chịu cho bạn. Điều chỉnh xung điện cho phù hợp với từng người cũng là một bước quan trọng để đạt được lợi ích tối đa từ phương pháp này.

Mức độ an toàn và tác dụng phụ của phương pháp đặt TENS

Kích thích dây thần kinh bằng điện – tên gọi này khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, nhưng bạn nên yên tâm, kích thích này rất khác với khi bạn bị điện giật. Máy tạo xung điện không có đủ lượng dịch hoặc nước ở bên trong máy để có thể gây nguy hiểm cho bạn. Tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi sử dụng phương pháp TENS là bị sốc nhẹ do lỗi của thiết bị hoặc sử dụng máy sai cách. Không giống như các loại thuốc kê đơn, phương pháp TENS có thể sử dụng với thời gian tùy ý bạn mà không gây nguy hiểm hoặc quá liều.

Các bác sỹ thường coi việc trị liệu bằng TENS là an toàn hơn so với việc giảm đau bằng thuốc, vì thuốc luôn đi kèm với những tác dụng không mong muốn. Trị liệu bằng TENS có thể làm giảm đáng kể các tác dụng không mong muốn so với việc dùng thuốc giảm đau. Một số ít người báo cáo lại rằng da của họ hơi rát và bị kích ứng sau khi trị liệu bằng TENS, nhưng rất hiếm gặp. Với đa số mọi người, trị liệu bằng TENS không để lại các tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí là không có bất cứ tác dụng không mong muốn nào.

Hiệu quả của phương pháp trị liệu TENS?

Hiệu quả của việc trị liệu bằng dòng điện chưa được bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh, mà chủ yếu dựa vào các trải nghiệm cá nhân và báo cáo lại. Đôi khi, phương pháp này sẽ không hiệu quả với một số người. Phương pháp này có thể sẽ hơi khác biệt với các phương pháp trị liệu thông thường, nhưng cũng rất nhiều người thấy rằng trị liệu bằng TENS có thể giúp ích cho họ.

Những ai không nên trị liệu bằng TENS?

Nếu nguyên nhân các cơn đau của bạn chưa rõ ràng, thì bạn không nên áp dụng phương pháp trị liệu bằng TENS mà nên đi khám và hỏi ý kiến bác sỹ trước. TENS không nên được áp dụng cho phụ nữ mang thai, cho những người đã được cấy ghép các thiết bị điện có chứa kim loại, ví dụ như máy điều chỉnh nhịp tim hoặc máy khử rung tim. Trị liệu bằng TENS cũng không nên được áp dụng cho những người mắc phải các vấn đề về da liễu, mắc bệnh động kinh hoặc các vấn đề về tim mạch.

Các loại máy tạo xung điện đều giống nhau?

Có rất nhiều loại và hãng máy tạo xung điện được sử dụng trong trị liệu bằng TENS và không phải tất cả những loại máy này đều giống nhau. Loại máy tạo xung điện phổ biến nhất là loại máy có 2 miếng điện cực. Ngoài ra, còn có loại máy có 4 hoặc 6 miếng điện cực, hoặc loại máy thay vì có các miếng điện cực sẽ có các kim nhỏ, khi dòng điện chạy qua sẽ có tác dụng giống như việc châm cứu thông thường. Hãy hỏi ý kiến của bác sỹ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để lựa chọn đúng lại máy tạo xung điện phù hợp với tình trạng bệnh lý của bạn.

Cần chú ý gì khi sử dụng biện pháp trị liệu bằng TENS?

Dù với loại máy nào, thì bạn cũng nên nhớ rằng đó là một thiết bị sử dụng điện, do vậy, phải luôn thận trọng khi sử dụng.

Hai điện cực không nên được đặt lên vùng da bị hở, hoặc bị tổn thương, vì dòng điện có thể sẽ làm nặng thêm những tổn thương sẵn có. Không đặt các miếng điện cực gần khu vực mắt, miệng hoặc cổ. Máy nên được bảo quản tại nơi khô ráo, tránh xa khu vực ẩm ướt hoặc có nước. Không sử dụng máy khi đang tắm, khi đang lái xe hoặc khi đang vận hành các loại máy móc lớn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top