✴️ Cần làm gì nếu mắc bệnh trĩ

Nội dung

Trĩ là gì?

Trĩ là tình trạng sung huyết các tĩnh mạch trong hoặc xung quanh trực tràng và hậu môn. Bệnh trĩ hình thành do áp lực ở vùng bụng, hậu môn và trực tràng. Các nguyên nhân gồm:

  • Táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy;

  • Thói quen ngồi lâu khi đi toilet;

  • Chế độ ăn uống thiếu chất xơ;

  • Lão hóa;

  • Thai kỳ;

  • Nghề nghiệp liên quan đến việc nâng, khuân vác vật nặng;

Có hai loại trĩ: trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội nằm ở lớp niêm mạc của hậu môn hoặc trực tràng. Trĩ ngoại hình thành xung quanh hậu môn, dưới da.

Búi trĩ do nhiều trĩ hợp thành, thường ở bên trong hoặc nhô ra khỏi hậu môn. Trĩ tắc nghẽn do huyết khối hình thành trong búi trĩ.

Điều gì có thể xảy ra với một búi trĩ?

Búi trĩ có thể bị tắc nghẽn do huyết khối. Triệu chứng thường thấy là sờ được một cục cứng và đau bên ngoài hậu môn. Áp lực tăng cao trong do một số nguyên nhân kể trên lên búi trĩ sẽ gây vỡ và huyết khối được thoát ra ngoài.

Sa búi trĩ

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh trĩ tắc nghẽn gồm đau liên tục, dữ dội và chảy máu, nếu búi trĩ bị vỡ. Người bệnh sẽ thấy máu đỏ tươi trong phân, trong bồn cầu hoặc trên giấy vệ sinh sau khi lau.

Cần làm gì nếu mắc bệnh trĩ

Cần nhập viện ngay lập tức nếu:

  • Chảy máu liên tục;

  • Lượng máu chảy ra nhiều đủ để làm cho nước bồn cầu có màu đỏ;

  • Đi tiêu ra cục máu đông;

  • Đau dữ dội;

Ngâm mình trong bồn tắm có thể giúp giảm đau và giữ cho vùng kín sạch sẽ. Có thể ngồi trong nước ấm với nhiệt độ xấp xỉ 38-40 °C trong tối đa 15 phút. Ngồi tắm cũng có thể giúp giảm cảm giác bỏng rát. Tốt nhất nên tránh thêm muối, dầu hoặc kem dưỡng da nào vào bồn tắm, vì có thể gây viêm.

Chườm lạnh có thể giúp giảm đau và khó chịu. Dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên cần tránh dùng ibuprofen đối với bệnh trĩ chảy máu vì thuốc gây chảy máu thêm. Tránh thuốc có chứa codeine vì có thể gây táo bón. Chảy máu đỏ tươi thường do trĩ đã vỡ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp  chảy máu đỏ tươi có thể từ đại- trực tràng do bệnh Crohn, viêm loét đại tràng hoặc ung thư. Nếu thấy máu đỏ tươi khi đi cầu và nghi ngờ cần đi khám bệnh ngay.

Phòng ngừa

Các bước phòng ngừa giúp giảm nguy cơ hình thành trĩ nội hoặc ngoại và giảm nguy cơ gây biến chứng do trĩ. Các bước phòng ngừa gồm:

  • Tránh rặn quá mạnh khi đi tiêu;

  • Tránh ngồi toilet trong thời gian dài;

  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ;

  • Uống nhiều nước;

  • Tránh nâng vật nặng thường xuyên, nếu có thể;

Điều trị

Có thể điều trị bệnh trĩ tại nhà với:

  • Chế độ ăn nhiều chất xơ;

  • Uống bổ sung chất xơ hoặc chất làm mềm phân;

  • Uống nhiều nước;

  • Dùng thuốc giảm đau;

Ngâm trong bồn tắm có thể giúp giảm bớt các triệu chứng. Đối với trĩ ngoại, thuốc mỡ hoặc thuốc đạn có thể giúp giảm sưng, ngứa và đau nhẹ.

Hầu hết sa búi trĩ đều có thể điều trị tại nhà nhưng cần nhập viện nếu trĩ sa nặng hoặc trĩ nội chảy máu. Nếu trĩ biến chứng tắc nghẽn gây đau dai dẳng hoặc dữ dội, bác sĩ có thể rạch một đường nhỏ để loại bỏ cục máu đông.

Điều trị nội khoa cho bệnh trĩ nặng có thể bao gồm:

  • Cột thắt bằng dây: Phương pháp điều trị này dành cho bệnh trĩ nội sa hoặc chảy máu. Bác sĩ sẽ đặt một dải cao su đặc biệt xung quanh búi trĩ để ngăn chảy máu và khiến búi trĩ rụng;

  • Chích xơ tĩnh mạch: Bác sĩ sẽ tiêm vào bên trong búi trĩ một loại dung dịch có tác dụng teo búi trĩ;

  • Quá trình quang đông bằng tia hồng ngoại: Bác sĩ sử dụng ánh sáng hồng ngoại để làm xơ búi trĩ;

  • Phẫu thuật: Nếu các phương pháp điều trị khác không thành công, phẫu thuật cắt trĩ sẽ loại bỏ hoàn toàn các búi trĩ hoặc sa trĩ;

Khi nào cần nhập viện

Nếu các phương pháp điều trị tại nhà không giảm sau 1 tuần thì bạn cần phải nhập viện. Cần nhập viện khi thuốc bôi gây phát ban hoặc khô quanh hậu môn.

Các triệu chứng đau dữ dội quanh hậu môn, chảy máu từ trực tràng, đau bụng, tiêu phân máu- nhầy, sốt cũng là các dấu hiệu nặng cần nhập viện.

Tổng kết

Trĩ và biến chứng của trĩ là nguyên nhân gây khó chịu và đau đớn cho nhiều người.

Chảy máu từ hậu môn- trực tràng có thể do những nguyên nhân khác ngoài bệnh trĩ, vì vậy mọi người đi khám bệnh nếu bị chảy máu từ hậu môn- trực tràng.

Thường có thể điều trị bằng các phương pháp tại nhà. Đối với những trường hợp nặng, mọi người cần nhập viện để được điều trị đúng cách.

Xem thêm: Bệnh trĩ và phương pháp điều trị phẫu thuật LONGO

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top