✴️ Vị thuốc Cỏ thạch sùng

Nội dung

1. Mô tả

  • Cây thảo, sống hằng năm, cao 50 – 80 cm, có khi hơn. Thân hình trụ, mọc thẳng, có lông nhám.
  • Lá mọc so le, những lá phía gốc có cuống dài khoảng 1 cm, hình bầu dục – thuôn, dài 8 – 10 cm, rộng 2 – 3 cm, gốc có phiến men theo cuống, đầu tù hoặc hơi nhọn, hai mặt có lông, mặt trên nhám, mặt dưới mềm, những lá phía trên nhỏ, không cuống, ôm thân.
  • Cụm hoa mọc ở ngọn và cành thành xim bo cạp phân đội, có lông dài, cành mang hoa hình zíc zắc; hoa nhỏ màu trắng, đài gồm 5 răng nhọn, có lông; tràng 5 cánh tròn, hợp thành ống ngắn, có vảy nhỏ; nhị 5, đính ở dưới các vảy, bầu nhẵn, 4 ô.
  • Quả hình cầu hoặc bầu dục, hơi dẹt, có gai nhỏ.

2. Phân bố, sinh thái

Chi Cynoglossum L. ở Việt Nam chỉ có 2 loài, đều được dùng làm thuốc.

Cỏ thạch sùng vốn có nguồn gốc ở vùng cận nhiệt đới hoặc ôn đới ẩm thuộc châu Á. Cây phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Xri Lanca, Malaysia… Ở Việt Nam mới chỉ gặp ở một vài vùng núi cao (1300 – 1700m) tỉnh Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ), Kon Tum (Ngọc Linh), Quảng Nam (Trà My), Lâm Đồng (Đà Lạt).

Cây ưa sáng, ưa ẩm và thường mọc nơi đất trống ở ven đường đi, nương rẫy hay ở ven rừng. Hàng năm có thể gặp cây con mọc từ hạt vào tháng 4 – 5, ra hoa quả vào mùa thu, sau đó có thể tàn lụihoàn toàn vào mùa đông. Có thạch sùng tái sinh dự nhiên tốt từ hạt; dễ gieo trồng khi có nhu cầu.

Bộ phận dùng:

Rễ và lá.

Phân bố, sinh thái

3. Tác dụng dược lý

Cỏ thạch sùng cũng như các cây khác thuộc chi Cynoglossum có độc tính cao đối với người và gia súc, đặc biệt trong thời kỳ đầu phát triển của cây, do sự có mặt của các alcaloid pyrrolizidin với hoạt tính độc hại gan mạnh.

Trong nhựa mủ của cây có các chất độc. Có tươi cho gia súc ăn bị nhiễm có thạch sùng là một vấn đề nghiêm trọng [Perry L.M. et al., 1980: 62; Lemmens R.H.M.J. et al., 2003: 148 – 149].

 4.Tính vị, công năng

Cỏ thạch sùng có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, giảm đau và điều kinh.

5. Công dụng

Cỏ thạch sùng có tác dụng độc nên chủ yếu được dùng ngoài để trị mụn nhọt mưng mủ, vết thương do dao chém. Lấy rễ, lá tươi giã đắp hoặc nấu nước rửa (Võ Văn Chi, 1997: 286).

  • Trong y học dân gian Nepal, dùng dịch ép rễ bồi đắp, hoặc bột dẻo từ lá đắp để trị vết thương hoặc vết đứt, vết chém do có tác dụng sát khuẩn.

Dùng dịch ép lá bồi đắp trị nhọt, đặc biệt nhọt ở hồng, eo, để vùng đỉnh nhọt bộc lộ không đắp, để nhọt mau chín và mủ chảy ra ngoài (Manandar N.P., 1992; Bhattarai N.K., 1993a; 1993b).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top