Đau thượng vị, kém ăn, ợ chua, nôn và buồn nôn, chảy máu tiêu hóa là 5 dấu hiệu của bệnh dạ dày.
Đây là dấu hiệu quan trọng và thường gặp ở tất cả các bệnh nhân đau dạ dày. Người bệnh thường có cảm giác đau ngay ở thượng vị. Tùy thuộc cơ địa, đau thượng vị sẽ biểu hiện ở các mức độ khác nhau. Có người bị đau tức, có người bị đau rát bỏng hoặc đau âm ỉ. Cơn đau có thể lan lên ngực hay lan ra sau lưng hoặc không lan. Đau dạ dày không gây nên những cơn đau quặn bụng.
Thời gian và mức độ đau tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh của người bệnh. Theo đó, trong giai đoạn đầu, người bệnh thường có cơn đau kéo dài 1-2 tuần, đau thường tái đi tái lại. Thời gian mắc bệnh càng lâu, người bệnh càng bị đau nhiều và kéo dài thời gian đau hơn.
Các cơn đau vùng thượng vị thường có tính chất chu kỳ và có liên quan đến bữa ăn. Bữa ăn có thể làm tăng hoặc giảm cơn đau. Ví dụ, bệnh nhân bị loét hành tá tràng, cơn đau thường xảy ra lúc đói; bệnh nhân bị loét dạ dày, cơn đau sẽ tăng lên khi người bệnh ăn.
Khi bị đau dạ dày, người bệnh sẽ ăn uống kém hơn bình thường, ăn không có cảm giác ngon miệng và có cảm giác chán ăn. Người ta chia ra 2 loại kém ăn:
-Kém ăn giảm lực: Người bệnh có cảm giác tiêu hoá chậm; sau khi ăn, bụng chướng căng và có cảm giác nặng nề, ấm ách.
-Kém ăn tăng lực: Người bệnh sau khi ăn có cảm giác đau thượng vị, rát bỏng vùng thượng vị lan lên xương ức và có thể bị nôn.
Ợ chua, ợ đắng là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân đau dạ dày. Ợ không phải là một dấu hiệu bệnh lý quan trọng nhưng lại gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Ợ có nguyên nhân chính từ rối loạn vận động dạ dày (lỗ tâm vị đóng không kín) hay do thức ăn lưu lại trong dạ dày quá lâu bị lên men và sinh hơi.
Người bệnh đau dạ dày có thể bị ợ hơi, ợ chua hoặc ợ ra chất đắng như mật. Thức ăn hoặc hơi có thể lên tận trên họng làm cho người bệnh cảm thấy rõ được vị đắng hay vị chua. Thức ăn hoặc hơi chỉ lên nửa chừng, người bệnh sẽ cảm thấy đau sau mũi ức hay đau sau xương ức.
Nôn và buồn nôn là một trong những dấu hiệu điển hình nhất của bệnh đau dạ dày. Bất cứ ai gặp phải các vấn đề về dạ dày đều gặp phải hiện tượng này.
Nôn là hiện tượng người bệnh tống các chất chứa trong dạ dày ra ngoài bằng đường miệng. Buồn nôn là cảm giác muốn nôn nhưng không nôn ra được. Khi bị đau dạ dày, buồn nôn và nôn có thể xuất hiện cùng lúc với nhau nhưng cũng có khi chỉ có một dấu hiệu xảy ra.
Theo các bác sĩ, các bệnh ở dạ dày góp phần quan trọng nhất trong nguyên nhân gây ra nôn và buồn nôn, gồm: Viêm dạ dày cấp, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, hẹp môn vị, chảy máu dạ dày.
Nôn nhiều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là rách thực quản; rách niêm mạc thực quản vùng tâm vị dẫn đến chảy máu (hội chứng Mallory Weiss); tình trạng mất nước và điện giải do trong dịch dạ dày; hạ huyết áp và truỵ tim mạch; toàn thân gầy và sút cân nhanh chóng dần dần dẫn đến suy mòn, thiếu máu, phù nề.
Đây là dấu hiệu xuất hiện gần như sau cùng gắn với thời kỳ bệnh đã tiến triển nặng nề. Chảy máu tiêu hóa do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể đe dọa tính mạng người bệnh trong một thời gian rất ngắn. Do đó, người bệnh phải được đưa ngay đến cơ sở y tế để có biện pháp điều trị kịp thời và tìm nguyên nhân gây ra chảy máu tiêu hoá.
Những dấu hiệu của chảy máu tiêu hoá bao gồm: Nôn ra máu đỏ tươi, máu đen; đi ngoài ra máu đỏ tươi hay máu đen; choáng váng, hoa mắt chóng mặt, mạch nhanh huyết áp tụt.
Các bác sĩ cho biết, khi bệnh nhân bị chảy máu tiêu hóa, một trong những nguyên nhân hàng đầu phải nghĩ đến là bệnh lý ở dạ dày (viêm dạ dày cấp do thuốc, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, hội chứng Malory Weiss, vỡ tĩnh mạch thực quản do bị bệnh gan…) Một số bệnh lý ngoài ống tiêu hóa có thể gây nên chảy máu tiêu hóa như: Bệnh lý về máu, xơ gan hay viêm gan…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh