Các sản phẩm ngũ cốc dạng sợi ăn liền (mì tôm, bún phở đóng gói) là lựa chọn của không ít người dân trong thời gian giãn cách xã hội, đặc biệt khi dịch vụ ăn uống tại nhiều nơi phải tạm dừng hoạt động.
Với bản chất là thức ăn nhanh, mì ăn liền không thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Nếu nấu mì theo hướng dẫn của nhà sản xuất, 1 bát mì có thể cung cấp tinh bột (tương đương 1 bát cơm), chất béo từ gói gia vị. Một số sản phẩm mì, bún, phở ăn liền dạng cốc có thể có thành phần rau, thịt sấy khô, nhưng cũng chỉ có thể cung cấp một lượng rất ít chất đạm, chất xơ và vitamin.
Có thể thấy, 1 gói mì chưa đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cân bằng của người trưởng thành. Ăn mì tôm trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu nhóm chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm, chất xơ và vi chất. Đây là nguyên nhân nhiều người bị táo bón, nổi mụn… khi ăn mì tôm dài ngày. Vì thế, bạn chỉ nên sử dụng mì, bún phở ăn liền trong những trường hợp bất khả kháng.
Để khắc phục các nhược điểm trên của mì ăn liền, bạn nên chế biến mì gói theo các biện pháp sau đây:
Sử dụng gói gia vị vừa phải
Mì ăn liền truyền thống thường chứa nhiều muối, đặc biệt là trong gói muối (bột súp) đi kèm sản phẩm. Trong khi đó, thói quen ăn mặn gây ra nhiều tác hại với sức khỏe, gây gánh nặng cho thận và hệ tim mạch. Vì thế, khi nấu mì tôm, phở ăn liền, bạn chỉ nên sử dụng nửa gói muối và giữ nguyên lượng nước như hướng dẫn trên bao bì.
Tương tự, gói gia vị cay, gói dầu trong mì ăn liền thường chứa nhiều chất béo có hại cho sức khỏe. Bạn nên sử dụng gói gia vị sẵn ở lượng vừa phải, hoặc thay thế chúng bằng những gia vị lành mạnh như: Ớt, dầu mè, dầu olive, hạt tiêu, bột tỏi. Các loại rau thơm sẵn có tại nhà như hành, rau mùi (ngò) cũng giúp món mì ăn liền bớt đơn điệu hơn.
Kết hợp mì với rau củ
Bổ sung chất xơ cho món mì ăn liền bằng rau củ tươi như nấm, cà rốt, rau cải.
Để biến mì ăn liền thành bữa ăn lành mạnh hơn, bạn cần bổ sung nguồn chất xơ, vitamin và khoáng chất từ rau củ. Những loại rau nhanh chín như cải xanh, cải thảo, giá đỗ, bông cải xanh… có thể cho vào trong quá trình nấu mì. Với cà rốt, hành tây, ớt chuông, bạn có thể thái sợi, xào sơ rồi ăn kèm món mì nước, mì trộn.
Dưa chuột cũng là món ăn kèm thích hợp cho những bữa cơm nhanh gọn với mì ăn liền. Rau xanh giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp giảm nguy cơ bị táo bón, nổi mụn, nóng trong khi thường xuyên ăn mì ăn liền.
Bổ sung nguồn protein
Khi được chế biến cùng thực phẩm giàu protein, món mì ăn liền của bạn đã sẵn sàng trở thành một bữa ăn hoàn chỉnh. Nếu có điều kiện, bạn có thể thêm trứng, đậu phụ, giò chả hoặc tận dụng các món ăn còn lại trong tủ lạnh để làm cho món mì ăn liền đa dạng, cân bằng hơn.
- Mì xào rau củ
- Mì kim chi đậu phụ
Kim chi là thực phẩm probiotics, khi sử dụng ở lượng vừa phải có thể giúp thúc đẩy hệ tiêu hóa. Bạn chỉ cần thái đậu phụ thành các miếng nhỏ, thả vào nước dùng của mì ăn liền cùng với kim chi.
- Mì trộn bông cải xanh và trứng
Luộc chín bông cải xanh và trụng mì trong cùng 1 nồi, sau đó vớt ra, để ráo nước. Trộn rau và mì với 1 nửa gói gia vị mì và dầu mè. Ăn kèm 1 quả trứng luộc/trứng ốp tùy thích.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh