Nhân dân Tây Bắc thường sử dụng lá cây thành ngạnh (cây đỏ ngọn) nấu lấy nước uống giúp thanh nhiệt và giải độc. Ngoài ra dược liệu này còn có tác dụng phòng ngừa – điều trị cảm nắng, cảm cúm, sốt cao, rối loạn giấc ngủ và chứng mất ngủ.
Cây thành ngạnh là vị thuốc quý và thường được nhân dân dùng để sắc uống thay nước trà
Tên gọi khác: Cây đỏ ngọn, Ngành ngạnh, Lành ngạnh
Tên khoa học: Cratoxylon pruniflorum
Họ: Ban (danh pháp khoa học: Hypericaceae)
Mô tả dược liệu cây thành ngạnh
1. Đặc điểm của cây thành ngạnh
Cây thành ngạnh là thực vật thân nhỏ, có gai ở gốc, cây phân nhiều cành nhỏ và thường có lông tơ khi còn non. Ngọn cây có lông tơ màu đỏ (nên được gọi là cây đỏ ngọn). Lá mọc đối xứng, phiến hình mác, rộng 3.5 – 4cm, dài 12 – 13cm, cuống ngắn, phiến lá có gân chính màu đỏ.
Hoa thành ngạnh có màu hơi tía hoặc màu trắng, thường mọc thành chùm ở kẽ lá
Hoa màu hơi tía hoặc màu trắng, thường mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả hình trứng, rộng 0.8cm, dài 1.5cm, bên trong chứa hạt nhỏ, dài 0.6cm và rộng 0.3cm.
2. Bộ phận dùng
Lá của cây đỏ ngọn thường được sử dụng để làm thuốc. Ngoài ra vỏ cây và rễ cũng được dùng nhưng ít phổ biến hơn.
3. Phân bố
Cây thành ngạnh ít khi mọc ở đồng bằng và phân bố nhiều ở các tỉnh miền núi như Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,… Ngoài ra loài thực vật này còn phân bố ở nhiều nước châu Á khác như Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Ấn Độ, Malaysia, Philipin, Trung Quốc.
4. Thu hoạch – sơ chế
Thu hái gần như quanh năm. Sau khi hái về có thể dùng tươi hoặc đem sấy khô dùng dần.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Từ năm 1995, cây thành ngạnh bắt đầu được các bác sĩ tại Học viện Quân Y nghiên cứu và nhận thấy cây có chứa nhiều thành phần hóa học, bao gồm tannin, saponin, axit hữu cơ, chất chống oxu hóa, flavonoid,…
Vị thuốc cây thành ngạnh
1. Tính vị
Vị ngọt vừa, chua, chát, hơi đắng và có tính mát.
2. Quy kinh
Đang cập nhật.
3. Tác dụng dược lý của cây thành ngạnh
– Tác dụng của cây thành ngạnh theo Đông Y:
Công dụng: Kiện tỳ vị, thanh nhiệt, giải độc và lợi tiêu hóa.
Chủ trị: Ăn uống kém, nóng trong người, mệt mỏi, tăng huyết áp, sốt cao do cảm, mồ hôi trộm, chân tay mỏi, viêm ruột, tiêu chảy,…
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Kết quả nghiên cứu tại Học viện Quân y cho thấy, dược liệu cây đỏ ngọn có tác dụng chống oxy hóa mạnh hơn xoan trà và chè xanh.
Với tác dụng chống oxy mạnh, cây thành ngạnh có khả năng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, bảo vệ tế bào, tăng cường tuần hoàn não và ngăn ngừa thiểu năng tuần hoàn não.
Dịch chiết từ cây đỏ ngọn có tác dụng chống đông máu, tăng lưu thông tuần hoàn và ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
Một số nghiên cứu tại Trung Quốc và Thái Lan cho thấy, cây đỏ ngọn có tác dụng bảo vệ mạch máu khỏi những tác động bất thường.
Hoạt chất trong dược liệu có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ thần kinh và tăng khả năng hình thành các phản xạ có điều kiện.
Một số nghiên cứu cho thấy, các acid hữu cơ trong dược liệu có tác dụng an thần, giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào trong cây thành ngạnh có tác dụng bảo vệ tế bào, ngăn chặn tình trạng loạn sản và phòng ngừa ung thư.
– Tham khảo thêm:
Nhân dân Tây Bắc thường sử dụng lá đỏ ngọn để nấu nước uống hằng ngày giúp thanh nhiệt, giải độc và ngăn ngừa lão hóa.
Ngoài ra, người ta còn sắc lá thành ngạnh cho binh lính bị thương uống giúp rút ngắn thời gian hồi phục.
Nhân dân Ấn Độ sắc vỏ cây thành ngạnh để chữa đau bụng và dùng mủ cây để giảm ngứa ngáy.
Ở Quảng Tây – Trung Quốc, người ta sử dụng cây đỏ ngọn để chữa viêm dạ dày cấp, hoàng đản, cảm nắng và cảm mạo.
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu thành ngạnh thường được dùng ở dạng sắc uống hoặc hãm như trà. Liều dùng: 30g/ ngày (lá khô) và 60g/ ngày (lá tươi).
Bài thuốc chữa bệnh từ cây thành ngạnh – đỏ ngọn
Lá của cây thành ngạnh được dùng trong bài thuốc chữa cảm sốt, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi,…
1. Bài thuốc hỗ trợ tiêu hóa và kích thích vị giác cho phụ nữ sau khi sinh
Chuẩn bị: Lá thành ngạnh 15 – 30g.
Thực hiện: Rửa sạch và đun sôi uống thay trà, có thể dùng hằng ngày cho đến khi triệu chứng giảm hẳn. Với những trường hợp có triệu chứng nặng nề, nên gia thêm lá vối.
2. Bài thuốc trị rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi và đau đầu ở người bị cao huyết áp
Chuẩn bị: Hoa hòe 15g và lá thành ngạnh 30g.
Thực hiện: Rửa sạch rồi cho vào ấm, đổ nước sôi vào hãm lấy nước uống hằng ngày.
3. Bài thuốc chữa cảm gây sốt cao, chân tay mỏi
Chuẩn bị: Thanh hao hoa vàng (lá ngải hoa vàng) 15g và lá cây thành ngạnh 15g.
Thực hiện: Rửa sạch dược liệu và sắc với 500ml nước còn lại 250ml. Mỗi lần uống 125ml, ngày uống 2 lần. Nên dùng khi thuốc khi còn nóng, có thể ăn cháo tía tô giải cảm để bệnh nhanh khỏi.
4. Bài thuốc chữa bỏng
Chuẩn bị: Nước vo gạo đặc và lá thành ngạnh tươi.
Thực hiện: Rửa sạch lá thành ngạnh rồi giã nát và trộn với nước vo gạo rồi đắp lên vùng da bị bỏng.
5. Bài thuốc chữa lỵ và phòng cảm nắng
Chuẩn bị: Lá thành ngạnh non.
Thực hiện: Sắc uống hằng ngày thay cho trà, nên dùng vào những ngày nắng nóng.
6. Bài thuốc chữa bí tiểu tiện
Chuẩn bị: Thân rễ mía dò 10g và lá thành ngạnh 20g.
Thực hiện: Đem dược liệu băm nhỏ rồi sắc với 400ml nước còn lại 100ml. Mỗi lần uống 50ml, ngày uống 2 lần cho đến khi tiểu tiện thông.
7. Bài thuốc chữa vết thương
Chuẩn bị: Vôi bột 40g, cọ nhọ nồi 50g, ngọn non thành ngạnh 60g và hạt cau già (binh lang) 30g.
Thực hiện: Đem dược liệu phơi cho khô hoàn toàn, sau đó tán thành bột và rây mịn. Phủ một lớp gạc mỏng lên vết thương rồi rắc bột vào. Thuốc bột có tác dụng hút mủ, làm khô vết thương, giảm ngứa và giúp vết thương nhanh lên da non.
Những lưu ý khi sử dụng cây thành ngạnh
Dược liệu có tác dụng hạ huyết áp và chống đông máu nên tránh sử dụng đồng thời với thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc chống đông máu, Aspirin,…
Thông tin về cây thành ngạnh (cây đỏ ngọn) trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy trước khi sử dụng dược liệu này, bạn nên trao đổi trực tiếp với thầy thuốc.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh