Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm kéo dài tại tổ chức amidan khẩu cái, thường gặp sau nhiều đợt viêm amidan cấp không được điều trị triệt để. Một số nguyên nhân thường gặp:
Tái phát viêm amidan cấp nhiều lần, dẫn đến tổn thương cấu trúc amidan, hình thành ổ nhiễm khuẩn mạn tính.
Tắc nghẽn lưu thông trong hố amidan: Dịch mủ và chất bã không thoát ra ngoài, tích tụ lại và trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Nhiễm trùng sau các bệnh truyền nhiễm cấp tính như: sốt phát ban, bạch hầu, sởi, cúm,...
Nhiễm khuẩn hô hấp kéo dài: đặc biệt khi vệ sinh mũi họng không đảm bảo hoặc điều trị không đúng cách.
Viêm amidan mạn tính là do viêm amidan cấp tính tái phát nhiều lần gây ra
Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
Môi khô, lưỡi trắng, cảm giác khô họng.
Đau họng hoặc rát họng kéo dài, có thể kèm hoặc không kèm sốt.
Cảm giác vướng, nghẹn hoặc khó nuốt, đặc biệt vào buổi sáng.
Có đờm đặc hoặc chất nhầy tại họng.
Quan sát thấy amidan sưng đỏ, có mủ trắng hoặc chất bã đậu màu trắng xanh, mùi hôi khó chịu.
Hơi thở hôi, thường do vi khuẩn phân giải chất bã trong hố amidan.
Có thể đau lan lên tai, khàn tiếng, ho kéo dài.
Trẻ em có thể xuất hiện ngủ ngáy, thở khò khè, đặc biệt vào ban đêm.
Bệnh thường gây ra những triệu chứng đau họng, khó chịu ảnh hưởng tới sức khỏe
Nếu không điều trị kịp thời, viêm amidan mạn tính có thể gây nhiều biến chứng, bao gồm:
Biến chứng tại chỗ: áp-xe amidan, viêm tấy quanh amidan.
Biến chứng gần: viêm thanh – khí – phế quản, viêm mũi – xoang, viêm tai giữa, viêm hạch dưới hàm,...
Biến chứng xa (hậu nhiễm khuẩn): viêm cầu thận, viêm khớp, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết.
Biến chứng toàn thân:
Hội chứng ngưng thở khi ngủ (trẻ nhỏ).
Amidan phì đại gây khó thở, khó nuốt, nói ngọng.
Để có cách chữa viêm amidan mạn tính phù hợp, người bệnh cần đi khám để được chỉ định cụ thể
Thăm khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được đánh giá mức độ viêm và chỉ định điều trị phù hợp.
Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, súc họng sát khuẩn theo hướng dẫn bác sĩ.
Điều trị ngoại khoa: Trường hợp amidan quá phát, tái phát nhiều lần hoặc có biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định cắt amidan.
Chăm sóc hỗ trợ tại nhà:
Giữ vệ sinh răng miệng, mũi họng hằng ngày.
Uống nhiều nước, tránh khô họng.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh thực phẩm quá nóng, lạnh hoặc cay.
Viêm amidan mạn tính là bệnh lý cần được quản lý và điều trị đúng cách để tránh các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Việc chủ động khám bệnh sớm, tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám định kỳ sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh