✴️ Tập phục hồi chứng năng sau thay khớp háng

1. Bài tập trước mổ cho bệnh nhân thay khớp háng nhân tạo

Nhân viên vật lý trị liệu sẽ tư vấn cho bệnh nhân về các nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật, đánh giá hoạt động khớp háng, sức mạnh các cơ quanh khớp háng, vấn đề kiểm soát đau. Dựa vào những đánh giá này, nhân viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn chương trình tập trước mổ cho người bệnh, giải thích cho người bệnh hiểu về tầm quan trọng của việc tập luyện sau mổ, những thói quen sinh hoạt cần thay đổi cho phù hợp, sự cần thiết nếu phải giảm cân  nặng.

2. Tầm quan trọng của việc tập luyện đối với bệnh nhân thay khớp háng nhân tạo

Đối với người bệnh khớp háng, vận động càng sớm sẽ càng mang lại hiệu quả tích cực. Vì vậy, việc chăm sóc và hướng dẫn người bệnh luyện tập sau mổ rất quan trọng, góp phần làm  giảm thiểu biến chứng đồng thời giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi để trở lại sinh hoạt bình thường.

Sau thay khớp phải chú ý thận trọng để tránh làm trật khớp. Trật khớp có thể xảy ra ở các tư thế như: gấp háng quá 900, xoay trong, khép háng vượt quá đường giữa. Nguyên nhân dễ gây trật khớp là do phẫu thuật làm thương tổn bao khớp, các dây chằng, các cơ cũng như do sự sai khác về kích thước giữa bộ phận ghép với các xương: kích thước chỏm xương đùi trung bình là 46 mm trong khi của chỏm ghép chỉ 32 – 38 mm. Thông thường phải mất khoảng 6 tuần lễ thì các mô mới ổn định và phù hợp với kích thước nhỏ hơn.

3. Các bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân thay khớp háng nhân tạo

Những bài tập này rất quan trọng, không chỉ giúp lưu thông tuần hoàn của chi, phòng chống tắc mạch, thuyên tắc phổi… mà còn làm tăng sức cơ và cải thiện tầm vận động của khớp. Ngày đầu tiên sau mổ, bệnh nhân có thể bắt đầu các bài tập trong phòng bệnh. Ban đầu, bệnh nhân sẽ cảm thấy không dễ chịu nhưng nó giúp đẩy nhanh khả năng phục hồi và làm giảm đau sau mổ. Bài tập trong mấy ngày đầu phải hết sức linh hoạt, thay đổi tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

  • Giảm sưng, giảm đau khớp háng:
  • Chườm lạnh 20 phút (2 giờ/1 lần)
  • Kê cao chân

Chương trình tập 

  • Nằm ngửa đạp bàn chân lên xuống. Sau đó, đạp thẳng bàn chân ấn gót chân xuống giường.
  • Nằm ngửa kéo bàn chân  lên giữ lại. Sau đó, tập trung ấn đầu gối sát xuống giường.
  • Nằm ngửa co chân lên xuống sao cho khớp háng và khớp gối không bị cong (nằm trên 1 đường thẳng).
  • Nằm ngửa kéo chân dang ra ngoài, sau đó kéo vào (không kéo vào đến sát chân lành).
  • Nằm ngửa chêm gối dưới khoeo chân, đưa chân thẳng lên.
  • Hướng dẫn người bệnh các cách xoay trở, ngồi dậy, chêm lót lúc nằm ngửa, nằm nghiêng, đứng dậy, tập đi …

Các bài tập sau mổ thay khớp háng tại nhà

Sau khi thay khớp háng toàn phần, người bệnh cần được bố trí và thích nghi trở lại với điều kiện sinh hoạt ở nhà hay nơi làm việc.

Cần chú ý:

  • Không ngồi ghế quá thấp hoặc quá mềm (khớp háng gập > 900 ).
  • Không đứng quá lâu.
  • Không xoay người đột ngột.
  • Không mang nặng.
  • Không nằm nghiêng  về  phía chân đau.
  • Nên ngồi bàn cầu cao khi đi vệ
  • Cần tránh: ngồi xổm, ngồi xếp bằng, bắt chéo chân, cúi nhặt đồ rơi. Không để bàn chân xoay trong khi đứng, không ngồi hoặc nằm võng, quỳ gối.
  • Khi làm việc nên sử dụng những dụng cụ trợ giúp như dùng chổi cán dài, hốt rác cán dài… để tránh cúi nhiều.

Sau phẫu thuật thay khớp háng, việc luyện tập rất quan trọng và góp phần không nhỏ vào thành công chung của phẫu thuật. Vì vậy, luyện tập đúng phương pháp sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi chức năng khớp háng, sớm trở lại sinh hoạt bình thường.

Sau thay khớp háng, người bệnh cần biết rằng dù chất liệu khớp nhân tạo tốt nhất cũng không bằng khớp háng bình thường. Vì vậy, trong quá trình luyện tập và sinh hoạt, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ các bài tập do kỹ thuật viên vật lý trị liệu hướng dẫn, đặc biệt tránh các tư thế có thể gây trật khớp thì kết quả phẫu thuật mới thành công thực sự.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top