✴️ Những điều cần biết khi xét nghiệm HBsAg dương tính

Nội dung

1. Xét nghiệm HBsAg là gì?

Tình trạng nhiễm virus viêm gan B đang ở mức báo động đỏ tại Việt Nam với hơn 10 triệu người mắc. Theo Báo cáo của Liên hợp quốc, Việt Nam nằm trong top các nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao nhất thế giới, với lượt người mắc chiếm từ 10% đến 20%.  

Bên cạnh đó, dựa trên số liệu của Điều tra về gánh nặng bệnh tật (2019), 80% các ca bệnh về gan và ung thư gan bắt nguồn từ viêm gan B. Phần lớn bệnh nhân hầu như không biết về tình trạng bệnh của mình. Vì thế, việc xét nghiệm và chẩn đoán sớm các bệnh lý về gan là vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân, đặc biệt khi bệnh nhân xét nghiệm HBsAg cho kết quả dương tính. 

Vậy HBsAg là gì?

HBsAg là từ viết tắt của Hepatitis B surface Antigen, là một chất có ở bề mặt virus siêu vi B và là một trong nhiều kháng nguyên của virus viêm gan B tồn tại trong huyết thanh người. Xét nghiệm viêm gan siêu vi B, chỉ số viêm gan B - HBsAg sẽ cho người bệnh biết mình có bị nhiễm virus viêm gan B (HBV) hay không.

2. Xét nghiệm HBsAg có nghĩa gì?

2.1 Xét nghiệm HBsAg dương tính 

Nếu kết quả xét nghiệm viêm gan siêu vi B cho chỉ số xét nghiệm là HBsAg dương tính (+), tức là trong huyết thanh của người bệnh đang có kháng nguyên này, cho thấy người bệnh đã có tiền sử nhiễm hoặc đang bị nhiễm virus viêm gan B. HBsAg sẽ xuất hiện trong máu từ 1 - 10 tuần sau khi cơ thể tiếp xúc với virus HBV.   

Trong giai đoạn 10 tuần đầu tiên khi bị nhiễm HBV, hệ miễn dịch sẽ đóng vai trò là lá chắn bảo vệ, đấu tranh nhằm tiêu diệt virus. Nếu hệ miễn dịch chiến thắng thì HBsAg sẽ giảm dần, biến mất sau khoảng 4-6 tháng và người đó khỏi bệnh . Lúc này, cơ thể chúng ta có miễn nhiễm suốt đời với viêm gan B mà không cần phải chích ngừa. 

Ngược lại, nếu hệ miễn dịch cơ thể thất bại trước cuộc tấn công của virus, cuộc chiến này sẽ dây dưa kéo dài, HbsAg có thể không mất đi mà tiếp tục phát triển sau 6 tháng và bên chịu nhiều tổn thất nhất chính là cơ thể chúng ta. Tình trạng ủ bệnh này được gọi là nhiễm HBV mạn tính.

2.2 Xét nghiệm HBsAg âm tính

Nếu kết quả xét nghiệm viêm gan siêu vi B cho chỉ số xét nghiệm là HBsAg âm tính (-), điều này chứng tỏ bạn không bị nhiễm virus Viêm gan B. Tuy nhiên, để đảm bảo trong tương lai loại virus này không thể tấn công hệ miễn dịch và làm tổn thương gan, thì bạn và gia đình nên sớm đi tiêm vắc xin phòng ngừa.

2.3 Cách đọc chỉ số xét nghiệm HBsAg

Trên thực tế không phải bệnh nhân nào cũng có thể hiểu hết ý nghĩa của chỉ số HBsAg, như ngưỡng nào thì là HBsAg dương tính, hoặc ngưỡng nào thì âm tính. Dưới đây là cách đọc chỉ số HBsAg dành cho người bệnh khi nhìn vào kết quả xét nghiệm viêm gan B:

  • HBsAg > 1.0S/CO: là kết quả HBsAg dương tính.
  • HBsAg < 1.0S/CO: là kết quả HBsAg âm tính.  

Số S/CO là chỉ số cao nhất để phân biệt ngưỡng HBsAg âm tính và dương tính. S/CO là viết tắt của Sample/Cut Off là giá trị của mẫu thử so với ngưỡng giới hạn cho phép. Khi tỉ lệ này có giá trị  > 1 có nghĩa vượt ngưỡng và là kết quả dương tính, còn tỉ lệ có giá trị < 1 nhỏ hơn ngưỡng cho phép là kết quả âm tính.

Xét nghiệm HBsAg có nghĩa gì

3. Nên làm gì sau khi Xét nghiệm HBsAg dương tính?

Chỉ số HBsAg chỉ có thể cho ta biết cơ thể có bị nhiễm virus hay không chứ không thể đánh giá chính xác được virus hoạt động ra sao, cũng như cơ chế lây lan và mức độ ảnh hưởng của nó thế nào. Để biết được tình trạng bệnh của mình, người bệnh cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm về viêm gan B bao gồm kiểm tra định lượng 5 hạng mục, nhằm có cái nhìn tổng quan nhất về sức khỏe lá gan của mình. 

Nếu như được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B, song song với việc điều trị y khoa thì bệnh nhân cần phối kết hợp các phương pháp tại nhà và mọi lúc mọi nơi để lá gan có thể khỏe mạnh trở lại một cách nhanh nhất. Người bệnh có thể tham khảo các biện pháp hỗ trợ trị viêm gan B sau đây:

  • Tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và chỉ được dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi dùng thuốc không được tự ý đi mua, tự ý tăng liều lượng vì điều này có thể dẫn tới việc dùng sai thuốc, nhờn thuốc hoặc kháng thuốc làm suy giảm chức năng gan và ảnh hưởng tới sức khỏe cơ thể. Mặc khác điều này cũng gây ra nhiều khó khăn và tốn kém cho việc điều trị bệnh sau này. 

  • Nhận thức rõ những mối nguy hiểm của viêm gan B, có ý thức thực hiện những biện pháp an toàn để bảo vệ bản thân và tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.

  • Virus viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao qua các đường: lây từ mẹ sang con, qua đường tình dục và qua đường máu. Nếu có một người trong gia đình bị nhiễm virus viêm gan B thì những thành viên còn lại cần đi xét nghiệm để phòng ngừa.

  • Khi bị virus xâm lược, các tế bào gan của bạn là nơi bị tổn thương nặng nề nhất. Do đó, bạn cần thay đổi lối sinh hoạt và ăn uống cho phù hợp:

  • Cắt giảm khẩu phần ăn tinh bột, đồ cay nóng, dầu mỡ. Luyện tập thói quen từ bỏ rượu bia, đồ uống có gas, chứa cồn, cà phê và các chất kích thích. Vì những chất có trong các loại đồ ăn này nếu lạm dụng sẽ là gánh nặng cho gan phải hoạt động hết công suất để đào thải, chức năng gan suy giảm dễ tạo điều kiện cho virus xâm nhập. 

  • Tăng cường uống nước lọc, ăn rau củ, trái cây bổ sung vitamin cho cơ thể. 

  • Ngoài ra cần chăm sóc cơ thể bằng cách vận động, tập thể dục thường xuyên và đều đặn, tập theo tư vấn của bác sĩ với chế độ phù hợp, kết hợp đi bộ, yoga, thiền và chế độ ăn uống lành mạnh. 

Hiểu về HbsAg sẽ giúp chúng ta cảnh giác và phòng ngừa viêm gan B hiệu quả hơn. Nếu đã xét nghiệm HBsAg dương tính, người bệnh cần nhận thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh và tích cực đi khám, xét nghiệm để điều trị kịp thời. Bảo vệ lá gan cũng chính là bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.  

Rất khó để có thể tự phát hiện ra bệnh qua việc quan sát thông thường nên bệnh sẽ dễ dàng ủ trong cơ thể và vô tình bạn sẽ trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác nếu bệnh không được phát hiện. Xét nghiệm HbsAg càng sớm càng giúp bạn tránh được rủi ro mắc bệnh và rút ngắn được thời gian điều trị, cũng như dễ dàng chữa lành tổn thương gan nếu chẳng may bị nhiễm. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top