✴️ Vị thuốc Khế rừng

Nội dung

Tên tiếng Việt: Khế rừng, Dây quai xanh, Cây cháy nhà, Dây lửa, Tróc cẩu, Mạy phường đông, Làm phường (Tày), Sà là pẹt (Dao)

Tên khoa học: Rourea minor (Gaertn.) Alston subsp. microphylla (Hook. & Arn.) J. E. Vidal

Họ: Connaraceae (Khế rừng)

Công dụng: Thuốc bổ cho phụ nữ sau khi sinh đẻ (Thân, rễ). Lợi tiểu, đái vàng, đái dắt, mụn nhọt, chó dại cắn (Rễ, lá). Lá sắc uống chống sẩy thai, điều hoà kinh nguyệt.

A. Mô tả cây

Cây bụi nhỏ, thân cứng, màu nâu xám. Lá kép lông chim lẻ gồm 5-6 đôi lá chét nhỏ. Mặt trên bóng. Lá non màu hồng đỏ rất đẹp, trông xa như đám cháy do đó tên cây cháy nhà. Hoa màu trắng có 5 cánh, 10 nhị, 5 lá noãn. Quả nhỏ, cong. Mùa hoa quả tháng 6-8

B. Phân bố, thu hái và chế biến 

  • Khế rừng mọc phổ biến trong các rừng của nước ta, khi chưa có quả lá cây gần như lá cây khế do đó có tên này. Thường mọc ở những khu vực dãi nắng
  • Nhân dân lấy vỏ thân, và lá để làm thuốc
  • Thu hái gần như quanh năm. Dùng tươi hay khô. Thường dùng tươi

C. Thành phần hoá học

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu

D. Công dụng và liều dùng 

  • Khế rừng được dùng theo kinh nghiệm dân gian làm thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh, còn dùng chữa đi tiểu vàng, đỏ, đái rắt, mụn nhọt
  • Ngày dùng 10-20g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng để giã đắp lên những nơi viêm tấy, chảy máu

Đơn thuốc có khế rừng dùng trong nhân dân:

  1. Phụ nữ sau sinh, kém ăn: Thân khế rừng 10g, nước 200ml, đun sôi giữ trong ½ giờ, chia làm ba lần uống trong ngày
  2. Chữa tiểu tiện khó khăn, nước tiểu vàng: Lá khế rừng 20g sao thơm, thêm nước vào đun sôi, chia làm ba lần uống trong ngày
  3. Vết thương chảy máu: Lá khế rừng rửa sạch, giã nát đắp lên nơi đau

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top