1. Mô tả
- Cây thảo, cao khoảng 1m. Thân rễ to có nhiều rễ dài mang củ nhỏ hình trứng, màu vàng nhạt, rất thơm. Thân khí sinh do bẹ lá tạo thành. Lá mọc so le, hình bầu dục, thuôn hoặc mũi mác rộng, dài 40 – 50cm, rộng 10 – 15cm, đầu nhọn, mặt dưới có lông nhung; cuống và bẹ ngắn.
- Cụm hoa mọc từ thân rễ, trước khi cây ra lá, hình trụ, dài 15 – 20cm; lá bắc nhiều, lợp lên nhau, những lá phía dưới mang hoa màu lục, lá phía trên không mang hoa pha hồng ở đầu; hoa màu vàng, đài có 3 răng tù, có lông dạng mi; tràng có ống dài hơn đài, cánh môi hình tròn hơi chia ba thùy; nhị ngắn, bao phấn hình bầu dục, trung đới mảnh có hai tai ở gốc, nhị lép dài bằng cánh môi, thuôn; bầu có lông.
- Quả ít gặp.
- Mùa hoa quả: tháng 3-6
2. Phân bố, sinh thái
Nghệ trắng phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, từ Ấn Độ, Malaysia đến Lào, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc).
Ở Việt Nam, nghệ trắng có ở các tỉnh miền núi phía bắc, tập trung nhiều ở Lai Châu (Điện Biên, Tuần Giáo), Sơn La (Mộc Châu, Yên Châu), Hòa Bình (Mai Châu)… Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc trên đất ẩm, còn tương đối màu mỡ ở vùng nương rẫy, trong thung lũng và ở những bãi đất hoang dọc đường đi và quanh làng bản… Độ cao phân bố có khi đến gần 1000m. Cây thường mọc tập trung thành đám lớn, do sự phân nhánh, phát triển mạnh của hệ thống thân rễ. Cây ra hoa hàng năm. Hiện nay, chưa quan sát được quá trình tái sinh tự nhiên cây con từ hạt.
3. Cách trồng
Nghệ trắng được trồng nhiều ở các vùng trung du và miền núi để làm thuốc. Cách trồng nghệ trắng cũng tương tự như trồng nghệ, nhưng với khoảng cách thưa hơn (30x40cm) và ít khi dùng phân nên năng suất thấp. Cây sống khoẻ, ít bị sâu bệnh, thu hoạch vào tháng 10-11 hàng năm.
4. Bộ phận dùng
Thân rễ, thu hoạch vào mùa thu – đông, loại bỏ rễ con, rửa sạch ngâm nước 2-3 giờ, ủ mềm, thái mỏng rồi phân loại sấy khô.
5. Thành phần hóa học
- Phân tích thành phần củ nghệ trắng thấy có những số liệu như sau: cao ether 12,00%, cao cồn 1,14%, cao nước 6,50%, độ ẩm 13,33%, albunoid 30,63%, tinh bột 23,46%, sợi 8,42% và tro 4,46%.
- Cất kéo nghệ bằng hơi nước thu được 6% tinh dầu màu xanh nâu, mùi long não, có các hằng số sau: 0,1939; nD302,03, chỉ số ester 2,03, chỉ số ester sau khi acetyl hóa 58,66, chỉ số acid 0,9, aD30 – 12,5. Tinh dầu chứa các sesquiterpen (chủ yếu là a và I3 curcumen) 65,5%, các sesquiterpen alcol 1 vòng 22,0%, d.camphor 2,5%, d camphen 0,8%, acid p.methoxycinnamic và các acid khác 0,7%, phần nhựa không xác định được là 8,5%, chất màu chủ yếu là curcumin. (The VVealth of India tập II. 153. p.141)
- Theo tài liệu Trung Quốc (Trung dược từ hải II – 739), nghệ trắng có curcumyl alcol, zingiberol, 1 p curcumen, demethoxy curcumin, turmeron, p. tolyl methyl carbinol, diferuloyl methon, epiprocurmerol neoprocurmerol, 4S. p. acetoxydehydrocurdinon; p hydroxygermacron, neocurdinon, zedoarondiol, iso. zeđo arondiol methyl zedo arondiol, curcumenon, d. sabinen, linderazulen…
- Kuroyanagi Masatsuna, Ujiie Kaosu đã tách và xác định cấu trúc 21 hợp chất sesquiterpen từ phần dịch chiết CHCl3 của củ nghệ tươi. Chúng là các dẫn chất ceton (I) và (4s. 5s) germacron 4,5 epoxy (II) (CA 109, 1988, 190589p).
- Kuroyanagi Masanori, Ueno Akira tiếp tục phân tích và tách được 11 sesquiterpen có khung guaian, seco guain và germacran (CA. 113, 1990, 3229u).
- Arai Ichiro và cộng sự đã tách được từ nghệ trắng chất (4s, 5s) – (+) germacron 4,5 epoxy để điều trị bệnh đái tháo đường (CA. 121, 1994, 286576f).
- Thành phần các chất bay hơi trong loài nghệ trắng ở Ấn Độ đã được Choudhury S.N; Ghosh Anil.c nghiên cứu. Nguyên liệu được cất kéo bằng hơi nước thu được một loại tinh dầu, đem phân tích bằng sắc ký khí và sắc ký phổ khối thấy có 51 thành phần (trong lá) 50 thành phần (cuống lá) và 61 thành phần (rễ). Thành phần chủ yếu gồm 1,8 cineol (lá 20%, cuống lá 8,8% và thân rễ 9,3%), camphor (lá 18%, cuống lá 16,8% thân rễ 25,6%), germacron (lá 11,8%, cuống lá 0,2% và thân rễ 10,6%), isoborneol (M 6,4%, cuống 6,8% thân rễ 8,2%), camphen (9,4%, 1,2%, 7,4%).
- Lá nghệ trắng còn có limonen 8,6% oxyd caryophyllen 8,7%, pachouli alcol 8,4% và elsholtzia ceton 6% trong rễ, curzenenon (10,9%) trong thân rễ (CA. 126, 1997, 72585n).
- Năm 1990, Zao và Rongbao đã tổng hợp toàn phần một hoạt chất chống u chủ yếu có trong nghệ trắng là (-) curdion (I) từ carvon (II).
6. Tác dụng dược lý
- Tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch: Dạng chiết cồn của nghệ trắng tiêm bắp thịt với liều 6g/kg trên chuột cống trắng, có tác dụng chống viêm thực nghiệm do formaldehyd gây nên. Trên tiêu bản, tử cung chửa cô lập của thỏ, chuột cống trắng, thuốc có tác dụng làm giảm biên độ co bóp và giảm trương lực tử cung, ngoài ra còn đối kháng với tác dụng gây co bóp tử cung của PGE2 gây nên. Dạng chiết cồn tiêm tĩnh mạch có tác dụng ức chế hiện tượng thực bào của các macrophage trong xoang bụng chuột nhắt trắng, đồng thời ức chế sự hình thành kháng thể. Điều đó chứng tỏ thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch.
- Tác dụng đối với tim mạch: Dịch chiết cồn của nghệ trắng tiêm tĩnh mạch với liều 3 – 5g/kg trên chuột cống trắng gây mê, có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn ở mạc treo ruột. Nghệ trắng còn có tác dụng chống loạn nhịp tim thực nghiệm.
- Tác dụng giảm đau: Dạng thuốc tiêm chế từ tinh dầu nghệ trắng (mỗi 2ml có 0,01ml tinh dầu) với liều 0,2ml/kg trên chuột nhắt trắng gây đau bằng phương pháp tiêm xoang bụng acicl acetic, có tác dụng giảm số lần quặn đau rõ rệt.
- Tác dụng đối với gan: Tinh dầu nghệ trắng có tác dụng bảo vệ gan, chống lại các tổn thương do tetrachlorur carbon gây nên.
- Tác dụng ngừa thai: Nước sắc nghệ trắng với liều 5 – 10g/kg, tiêm xoang bụng, 2 ngày liên tiếp có tác dụng ngừa thai, còn bằng đường uống với liều 50g/kg thuốc vẫn không có tác dụng.
- Các tác dụng khác: Tinh dầu nghệ trắng với liều 0, 0015 ml/chuột, tiêm xoang bụng trong 7 ngày liên tiếp, có tác dụng làm tăng hàm lượng cAMP trong tim, gan, lách của chuột nhắt trắng.
- Độc tính: Dạng thuốc tiêm chế từ tinh dầu nghệ trắng, trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm xoang bụng có LD50 = 237ml/kg (tương đương với tinh dầu nguyên chất = 1,185ml/kg).
7. Tính vị, công năng
Nghệ trắng có vị cay, đắng, tính hàn, vào các kinh tâm, phế, can, có tác dụng hành khí, giải uất, lương huyết, phá ứ.
8. Công dụng
Ở Việt Nam, nơi có nghệ trắng mọc, đồng bào Thái thường đào thân rễ về rửa sạch thái mỏng nấu với cá ăn cho thơm và đỡ tanh.
Theo kinh nghiệm nhân dân, nghệ trắng được dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm gan mạn tính, ho gà, tê thấp, sưng tấy. Dùng ngoài chữa bong gân, sai khớp, liều dùng 6-12g. sắc nước uống, hoặc dưới dạng hoàn tán. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Ở Lào, nhân dân vùng Sầm Nưa coi nghệ trắng là một vị thuốc bổ, dùng cho phụ nữ sau khi đẻ. Ở Trung Quốc, nghệ trắng được dùng chữa đau tức ngực, bụng đầy trướng, vàng da, nôn ra máu, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt không đều, động kinh.
Chú ý: Những người âm hư thiếu máu, không có khí trệ, huyết ứ không được dùng nghệ trắng.
9. Bài thuốc có nghệ trắng
- Chữa băng huyết, máu xấu, đau bụng kinh: Nghệ trắng 20g, nhọ nồi 20g (sao cháy), củ gấu 20g (chế với giấm, nước muối, rượu và nước tiểu trẻ em), tô mộc 16g, ngải cứu 12g (sao đen). Tất cả thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Chữa viêm gan mạn tính, đau vùng gan: Nghệ trắng, nga truật, thanh bì, chỉ xác, lá móng tay, sơn tra, quyết minh tử (sao), mộc thông, tô mộc, huyết giác, mỗi vị 12g. sắc nước uống.
- Chữa ho gà: Lấy 20g nghệ trắng tươi giã nhỏ, tẩm rượu vừa đủ ướt, cho vào lọ nút kín, hấp cách thủy 1 giờ, rồi chắt nước uống.
- Chữa sỏi túi mật: Nhân trần, kim tiền thảo mỗi vị 30g, nghệ trắng, chỉ xác, đại hoàng, xuyên luyện tử, nguyên hồ mỗi vị 9g, mộc hương 6g, sài hổ 8g. sắc nước uống.
- Chữa bệnh mạch vành đau nhói vùng ngực, đau các điểm cố định: Nghệ trắng, đan sâm, hồng hoa, diên hồ tổ, đương quy, mỗi vị 9g, giáng hương 4,5g, điền tam thất, hổ phách mồi vị 3g, tam thất, hổ phách nghiền thành bột, chia làm 2 phần uống với nước sắc các vị thuốc trên.
- Chữa kinh nguyệt không đều: Nghệ trắng 6g, sinh địa 6g, hầm với xương lợn ăn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp