Cây thảo, sống hai năm, cao 2 – 3m. Thân mập, mọc thẳng đứng, có lông nhiều hav ít. Lá mọc so le, hình tim, đường kính 7,5 – 12,5cm, chia 5 – 7 thùy, đầu tù hơi nhọn, mép có răng cưa; cuống lá dài.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành chùm; lá bắc rộng, thường xẻ đôi; hoa to, đường kính 6 – 7cm, có khi 10cm, màu tía, hồng hoặc trắng, có cuống ngắn; đài 5 răng nhọn, mọc cong xuống, dài phụ nhỏ hơn; tràng 5 cánh rộng, mọc xoè ra, đầu cánh bằng hoặc khuyết; nhị nhiều đính trên một cột ngắn, bao phấn màu vàng nhạt; bầu nhiều ô, mỗi ô chứa một noãn.
Chi Althaea L. có khoảng 15 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, chỉ có 1 loài là cây thục quỳ.
Thục quỳ có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Do có hoa đẹp, nên cây thường được trổng làm cảnh và được du nhập đi khắp nơi. Cây được nhập lần đầu tiên vào Việt Nam ở Đà Lạt, sau chuyển dần ra miền Bắc và hiện đã có mặt ở nhiều vùng đô thị, nhất là một số thị trấn, thị xã thuộc vùng núi như Lào Cai, Tam Đảo, Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang. Thục quỳ là cây ưa ẩm và ưa sáng, được trồng ở Việt Nam vào mùa xuân – hè. Cây sinh trưởng phát triển mạnh vào mùa xuân. Thục quỳ có rất nhiều hoa.
Cây trồng ở Hà Nội cũng có tỷ lệ đậu quả khá cao. Nhiệt độ thích hợp cho hạt nảy mầm vào khoảng 18°C trở lên. Đến giữa mùa hè, khi nhiệt độ trên 30°C, cây kết thúc thời kỳ quả già và tàn lụi.
Hoa, hạt, chồi và rễ.
Tác dụng trên virus: Nước sắc cành lá non cây thục quỳ có tác dụng ức chế vi rút bệnh mụn rộp (herpes), bệnh thủy đậu.
Tác dụng chống viêm cấp: Gây phù thực nghiệm bàn chân chuột bằng caragenin hoặc dextran, cao cồn hoa thục quỳ với liều tính ra dược liệu khô là 10g/kg có tác dụng ức chế sự rỉ dịch tế bào, làm cho phù giảm đi, đồng thời làm giảm sự giải phóng PGE2 là một chất gây viêm.
Tác dụng giảm đau: Cao chiết cồn hoa thục quỳ cho uống với liều 5g và 10g/kg tính theo dược liệu khô có tác dụng giảm phản ứng đau biểu hiện bằng vặn xoắn mình chuột nhắt trắng do tiêm phúc mạc acid acetic. Thuốc cũng có tác dụng giảm đau trong mô hình nhúng đuôi chuột cống trắng vào nước nóng, mà biểu hiện đau là chuột quẫy đuôi.
Tác dụng trên tim mạch:
Dịch chiết bằng cồn hoa thục quỳ thử trên tim chuột lang cô lập có tác dụng làm tăng lưu lượng mạch vành.
Dịch chiết hoa thục quỳ có tác dụng làm giãn mạch rõ rệt trên tiêu bản chi sau chuột cống trắng.
Thử trên mèo gây mê, cao hoa thục quỳ với liều 0,14 và 0,28 g/kg tiêm tĩnh mạch có tác dụng hạ huyết áp trong một thời gian ngắn.
ADP (adenosin diphosphat) có tác dụng làm tăng sự kết tụ tiểu cầu máu thỏ. Dịch chiết hoa thục quỳ ức chế sự kết tụ tiểu cầu máu thỏ do ADP gây nên.
Althein có tác dụng giống như estron, nên thục quỳ có ảnh hưởng đến hệ sinh dục nữ.
Thục quỳ có vị ngọt, mặn, tính hàn, có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, nhuận táo, giải độc, hoạt huyết, điều kinh, thanh nhiệt, chỉ khái.
Thục quỳ được dùng chữa ho, viêm họng, viêm đuờng hô hấp, các bệnh do virus như mụn rộp, giời leo, sởi, thủy đậu, khó tiêu, đại tiểu tiện không thông, thủy thũng, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, khí hư, thấp khớp.
Liều dùng: Cành lá cây con 12 – 36g khô, nếu tươi dùng lấy lượng gấp đôi, sắc uống; hạt 3 – 6g, hoa 6 – 9g sắc hoặc nghiền thành bột uống. Rễ để nhuận tràng với liều 12g, và tẩy là 60g, sắc uống.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh