✴️ Vị thuốc từ Hướng dương

Nội dung

Tên tiếng Việt: Hướng dương, Cây quỳ, Hoa mặt trời

Tên khoa học: Helianthus annuus L.

Họ: Asteraceae (Cúc)

Công dụng: Thuốc giải nhiệt (Hạt). Lợi tiểu, ho (Dầu hạt). Huyết áp cao (cụm hoa).

A. Mô tả cây:

  • Cây thảo lớn, sống hàng năm, có thân to thẳng, cao 1-3m, thân thường có đốm, có lông cứng. Lá to, thường mọc so le, có cuống dài; phiến hình trứng; lá ở phía dưới hình tim, nhọn đầu, mép lá có răng, hai mặt lá đều có lông trắng. Cụm hoa đầu lớn, đường kính 7-20cm, quay về hướng mặt trời. Bao chung hình trứng. Hoa hình lưỡi ở ngoài màu vàng, các hoa lưỡng tính ở giữa màu tím hồng. Quả bế dẹt, có vỏ cứng màu đen bóng, có viền xám hoặc trắng ở những sống dọc.
  • Mùa hoa tháng 5-7; mùa quả: tháng 8-10

B. Phân bố, sinh thái:

  • Hướng dương có nguồn gốc từ loài H.lenticularis Douglas mọc tự nhiên ở Mehico. Song, hiện nay không còn có ở trạng thái hoang dại. Từ xa xưa hướng dương đã được trồng làm cảnh và qua quá trình chọn giống, lai tạo để lấy hạt, quần thể hướng dương đã gồm hàng chục giống, thích nghi với nhiều vùng trồng khác nhau. Hướng dương được trồng nhiều nhất ở Ucraina, các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia. Ở Việt Nam, hướng dương do người Pháp đưa vào, sau đến một số giống lấy từ Liên Xô, Đông Âu và hiện còn được trồng rải rác trong nhân dân, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc.
  • Nhìn chung, hướng dương là cây có biên độ sinh thái rộng, thích nghi với vùng có khí hậu ôn đới ấm, cận nhiệt đới và vùng nhiệt đới núi cao. Cây cũng có thể sinh trưởng phát triển tốt cả ở vùng khô tại Trung Á, có sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, mùa đông có sương mù. Cây trồng ở Việt Nam có giới hạn nhiệt độ trung bình năm từ 15 đến 30 độ C; lượng mưa 1500-2800mm/năm; đất có pH trung bình và không chịu được ngập úng. Hoa thụ phấn nhờ côn trùng, tái sinh từ hạt tốt.

C. Bộ phận dùng:

Cả cây gồm rễ, thân, lá, hoa và hạt.

D. Thành phần hóa học:

Hàm lượng dầu béo trong hạt hướng dương khoảng 50%, trong đó linolenic acid chiếm  tới  70%. Còn  chứa  các phospholipid  như  lecithin, phosphatidylinositol, phosphatidylethanolamine. Hàm  lượng  protein khoảng  20-26%, trong  đó  các  acid  amin  thiết  yếu isoleucine, leucine, lysine, methionine, phenylamine, tryptophan, threonile, valine có tỷ lệ phần trăm gần giống tỷ lệ lý tưởng do WHO kiến nghị, do đó có giá trị dinh dưỡng tương đối cao. Ngoài  ra  còn  có  các  acid hữu cơ như citric acid, tartaric acid, chlorogenic acid, quinic acid, caffeic acid; beta caroten, nhiều loại vitamin và nguyên tố vi lượng. Ðặc biệt, vitamin E có hàm lượng rất cao trong hạt hướng dương (trong 15g có tới 31mg); Hàm lượng Ka-li (K) trong hạt hướng dương còn cao hơn trong chuối tiêu và quít.

E. Tác dụng dược lý:

1. Hạt và dầu hướng dương:

  • Cho chuột cống trắng ăn hạt hướng dương một thời gian, có tác dụng phòng ngừa tăng lipid huyết và cholesterol huyết, nhưng nếu gây tăng lipid huyết và cholesterol huyết từ trước thì hạt hướng dương không có tác dụng rõ. Có thể là do trong hạt hướng dương có phosphatid trong đó có lecithin – dầu hướng dương đặc biệt là acid linoleic có tác dụng ức chế sự hình thành huyết cục ở chuột cống trắng, có khả năng là do sự tăng tổng hợp prostaglandin E, do đó ức chế sự bám kết của tiểu cầu.
  • Nuôi chuột cống trắng bằng dầu hướng dương đã xử lý ở nhiệt độ 250-310 độ C, gan chuột sẽ bị thoái hóa và tăng khả năng gây ung thu của những chất gây ung thư.
    2. Lá hướng dương: Dịch chiết lá có tác dụng ức chế Staphylococcus aureus, nhưng không thấy có tác dụng trên Enterococcus.
    3. Hoa hướng dương: Dịch chiết nước từ hoa có tác dụng giãn mạch thí nghiệm trên tai thỏ cô lập. Tiêm dưới da dịch chiết cho mèo, thấy gây hạ huyết áp mèo trong một thời gian ngắn. Tiêm tĩnh mạch cho thỏ, dịch chiết hoa gây kích thích hô hấp và làm hạ huyết áp. Ngoài ra, dịch chiết còn tăng cường co bóp ruột, có thể dùng trong những trường hợp liệt ruột. Dịch chiết cồn hoa hướng dương cũng có tác dụng hạ sốt.
    4. Đế hoa và đài hoa: Cao chiết nước của những bộ phận này cho mèo đã gây mê uống với liều 4g/kg thấy hạ huyết áp từ từ. Tiêm tĩnh mạch cho chó đã gây mê liều 4g/kg hoặc tiêm vào hành tá tràng thỏ không gây mê liều 6g/kh, đều thấy tác dụng làm hạ huyết áp. Dạng chiết của đế và đài hoa bằng ethanol tiêm tĩnh mạch cho mèo gây mê liều 2g/kg cũng gây hạ huyết áp. Tác dụng hạ huyết áp là do thuốc làm giãn mạch ngoại vi từ từ và kéo dài, làm giảm sức cản mạch và giảm nhịp tim.

F. Tính vị, công năng:

Hướng dương có vị hơi ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng tùy theo bộ phận dùng: cụm hoa hạ huyết áp, giảm đau; rễ và lõi thân lợi tiểu, chống ho; lá tiêu viêm, giảm đau; hạt làm se, bổ cho dịch thể.

G. Công dụng:

  • Cụm hoa hướng dương trị huyết áp cao, đau đầu, choáng váng, ù tai, đau răng, đau gan, đau bụng, đau kinh, đau khớp, viêm vú. Ngày 30-90g sắc uống.
  • Lõi cành cây hướng dương có tác dụng trị chứng tiểu ra máu, sỏi đường tiết niệu, tiểu tiện không thông… Trị ho gà dùng 15 – 30g lõi thân và cành cây hướng dương giã nát hãm nước sôi, thêm đường trắng uống trong ngày.
  • Lá hướng dương trị sốt và sốt rét: dùng 20 – 40g lá hướng dương, sắc uống.
  • Hạt hướng dương dùng khi chán ăn, người mệt mỏi, kiết lỵ ra máu, sởi phát ban không đều, ngày 20-30g, rang rồi ăn nhân.
  • Trong nhân dân, hạt hướng dương để rang ăn hoặc làm thức ăn cho người và gia súc. Dầu hướng dương để bôi trơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top