✴️ Hướng dẫn - chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người (P2)

PHÒNG LÂY NHIỄM

Nguyên tắc:

Thực hiện các biện pháp cách ly và chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt. Khi phát hiện người bệnh nghi ngờ mắc cúm A (H5N1) phải khám, phân loại và cách ly kịp thời.

Tổ chức khu vực cách ly trong bệnh viện:

Tổ chức các khu vực cách ly như đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác.

Hạn chế và kiểm soát người ra vào khu vực cách ly.

Thay giày dép hoặc đi bốt, rửa, sát khuẩn tay trước khi vào và sau khi ra khỏi buồng cách ly.

Phòng ngừa cho người bệnh và khách đến thăm:

Phát hiện sớm và cách ly ngay những người bệnh nghi ngờ mắc cúm A (H5N1). Không xếp chung người bệnh nghi ngờ với các người bệnh khác.

Người bệnh đã xác định bệnh được tập trung tại khoa Truyền nhiễm hoặc tại khoa có đủ điều kiện cách ly và điều trị,

Tất cả người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh phải mang khẩu trang ngoại khoa khi ở trong buồng bệnh cũng như khi đi ra ngoài buồng bệnh.

Người bệnh cần chụp Xquang, làm các xét nghiệm, khám chuyên khoa cần được tiến hành tại giường. Nếu không có điều kiện, khi chuyển người bệnh đi chụp chiếu, xét nghiệm... phải thông báo trước cho các khoa liên quan để nhân viên y tế tại các khoa tiếp nhận người bệnh chiếu chụp, xét nghiệm biết để mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ. Người bệnh phải đeo khẩu trang và mặc áo choàng khi vận chuyển trong bệnh viện.

Hạn chế người nhà và khách thăm vào khu cách ly. Trường hợp người nhà chăm sóc người bệnh hoặc tiếp xúc với người bệnh phải được hướng dẫn và áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm như nhân viên y tế.

Phòng ngừa cho nhân viên y tế:

Phương tiện phòng hộ gồm: Khẩu trang ngoại khoa, khẩu trang loại N95, kính bảo hộ, mặt nạ che mặt, áo choàng giấy dùng một lần, găng tay, mũ, bao giầy hoặc ủng. Phương tiện phòng hộ phải luôn có sẵn ở khu vực cách ly.

Mỗi nhân viên ở khu vực cách ly mang đầy đủ phương tiện phòng hộ trước khi tiếp xúc với người bệnh và các chất tiết đường hô hấp. Khi ra khỏi buồng cách ly phải thải bỏ các phương tiện phòng hộ vào thùng thu gom chất thải và xử lý như chất thải y tế lây nhiễm và phải tắm, thay quần áo trước khi ra khỏi bệnh viện.

Bệnh phẩm xét nghiệm: Phải đặt trong túi nilon hoặc hộp vận chuyển theo quy định đến phòng xét nghiệm.

Giám sát: lập danh sách nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc điều trị và nhân viên làm việc tại khoa có người bệnh. Những nhân viên có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh cần được khám, làm các xét nghiệm và theo dõi như người bệnh nghi ngờ bị cúm nặng.

Thông báo ngay về Trung tâm y tế dự phòng địa phương và Bộ Y tế những trường hợp nghi ngờ và mắc.

Xử lý dụng cụ y tế, đồ vải và dụng cụ dùng cho người bệnh:

Dụng cụ y tế: Những dụng cụ dùng lại phải khử khuẩn ngay tại khu vực cách ly, sau đó chuyển về buồng cọ rửa để cọ rửa và tiệt khuẩn theo quy định.

Phương tiện dùng cho người bệnh: phải cọ rửa và tẩy uế bằng xà phòng và hoá chất khử khuẩn hàng ngày và mỗi khi bẩn. Mỗi người bệnh có dụng cụ phục vụ vệ sinh và dinh dưỡng riêng.

Đồ vải: Áp dụng phương pháp vận chuyển và xử lý như đồ vải nhiễm khuẩn. Thu gom đồ vải trong túi nilon màu vàng trước khi vận chuyển xuống nhà giặt. Không ngâm đồ vải tại khu vực cách ly. Giặt đồ vải trong các dung dịch khử khuẩn. Trong trường hợp phải giặt bằng tay thì trước khi giặt đồ vải phải ngâm khử khuẩn.

Xử lý môi trường và chất thải bệnh viện:

Tuân thủ quy trình về xử lý môi trường, chất thải theo quy định như đối với các trường hợp bị ô nhiễm.

Vận chuyển người bệnh:

Nguyên tắc:

Hạn chế vận chuyển người bệnh.

Chỉ chuyển người bệnh trong trường hợp người bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị của cơ sở.

Khi vận chuyển phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện hồi sức hô hấp như mặt nạ oxy, bình oxy, máy thở CPAP, bóng ambu có van PEEP.

Đảm bảo an toàn cho người bệnh và người chuyển người bệnh (lái xe, nhân viên y tế, người nhà v.v..) theo hướng dẫn ở mục phòng bệnh.

Nhân viên vận chuyển người bệnh phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ: khẩu trang ngoại khoa, áo choàng một lần, mặt nạ che mặt, găng tay, mũ.

Tẩy uế xe cứu thương sau mỗi lần vận chuyển người bệnh bằng chất sát khuẩn thông thường.

Rửa tay, sát khuẩn tay khi kết thúc vận chuyển.

Xử lý người bệnh tử vong:

Người bệnh tử vong phải được khâm liệm tại chỗ theo quy định phòng chống dịch, phải khử khuẩn bằng các hoá chất: cloramin B.

Chuyển người bệnh tử vong đến nơi chôn cất hay hoả táng bằng xe riêng và đảm bảo đúng quy định phòng lây nhiễm.

Sau khi tử vong, trong khoảng thời gian 24 giờ phải hoả táng hoặc chôn cất, tốt nhất là hoả táng.

Các biện pháp phòng bệnh chung:

Vệ sinh cá nhân, nhỏ mũi, súc miệng-họng bằng các thuốc sát khuẩn

Dự phòng bằng thuốc kháng vi rút:

Đối tượng: Nhân viên y tế và những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm cúm A/H5 không sử dụng các phương tiện bảo hộ.

Liều dùng: oseltamivir 75 mg, 1 viên/ngày x 7 ngày.

Vắc xin phòng bệnh đặc hiệu:

Hiện nay đang nghiên cứu vắc xin đặc hiệu với vi rút cúm A chủng H5N1.

 

PHỤ LỤC 1. SƠ ĐỒ CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ CÚM A (H5N1)

https://suckhoe.us/photos/174/y%20h%E1%BB%8Dc%20d%E1%BB%B1%20ph%C3%B2ng/c%C3%BAm%20A%20H5N1/image004.png

PCR: polymerase chain reaction

 

PHỤ LỤC 2. PHÂN TUYẾN ĐIỀU TRỊ CÚM A (H5N1)

QUY ĐỊNH PHÂN TUYẾN ĐIỀU TRỊ CÚM A (H5N1)

Tuyến xã:

Cơ sở: Trạm y tế xã, phòng khám tư nhân, bệnh viện dã chiến.

Người bệnh: Ca bệnh nghi ngờ (suspected case), ca bệnh có thể (probable case) hoặc ca bệnh xác định (confirmed case) thể nhẹ.

Xử trí:

Oseltamivir và kháng sinh điều trị viêm phổi.

Cách ly:

Cách ly tại nhà.

Cách ly tại trạm y tế xã, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến.

Yêu cầu hỗ trợ của tuyến trên.

Tuyến huyện:

Cơ sở: Bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực:

Giai đoạn đầu: Khoa hồi sức cấp cứu, nội nhi

Giai đoạn sau: mở rộng ra các khoa khác hoặc mở rộng ra toàn bệnh viện nếu cần.

Có thể huy động hỗ trợ từ các bệnh viện khác.

Người bệnh: Ca bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Xử trí:

Đo SpO2.

Xquang phổi.

Công thức máu.

Lấy mẫu xét nghiệm vi rút.

Oseltamivir và kháng sinh điều trị viêm phổi.

Oxy liệu pháp.

Thở máy không xâm nhập.

Cách ly tại bệnh viện.

Hỗ trợ tuyến dưới.

Yêu cầu hỗ trợ của tuyến trên nếu cần.

Tuyến tỉnh:

Cơ sở: Bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện trung ương khu vực.

Giai đoạn đầu: Khoa Nội, Nhi, Truyền nhiễm, Hồi sức cấp cứu.

Giai đoạn sau: mở rộng ra các khoa khác hoặc ra ngoài bệnh viện nếu cần.

Người bệnh: ca bệnh ở mức độ trung bình đến nặng.

Xử trí:

Đo SpO2, xét nghiệm khí máu.

Xquang phổi.

Công thức máu.

Lấy mẫu xét nghiệm vi rút.

Các xét nghiệm khác:

Oseltamivir và kháng sinh điều trị viêm phổi.

Oxy liệu pháp.

Thở máy không xâm nhập và xâm nhập.

Cách ly tại bệnh viện.

Hỗ trợ tuyến dưới.

Yêu cầu tuyến trên hỗ trợ nếu cần.

Tuyến trung ương:

Cơ sở:

Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia.

Bệnh viện Bạch Mai (2 đơn vị).

Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh viện Trung ương Huế.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Nhân dân 115 thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Bệnh viện 103.

Bệnh viện 175.

Người bệnh: Ca bệnh ở mức độ nặng, vượt khả năng của tuyến dưới.

Xử trí:

Đo SpO2, xét nghiệm khí máu.

Xquang phổi.

Các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu.

Lấy mẫu xét nghiệm vi rút.

Oseltamivir và kháng sinh điều trị viêm phổi.

Oxy liệu pháp.

Thở máy không xâm nhập và xâm nhập.

Điều trị suy đa tạng (kể cả máy lọc máu liên tục-CVVH).

Cách ly tại bệnh viện.

Hỗ trợ tuyến dưới.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong chẩn đoán và điều trị.

 

NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ GIỮA CÁC TUYẾN

Hạn chế vận chuyển người bệnh trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị. Khi chuyển tuyến, cần báo trước cho nơi tiếp nhận để chuẩn bị.

Thực hiện chế độ tham vấn của tuyến trên, hội chẩn liên khoa, liên viện để giải quyết các ca khó.

Tuyến trên có thể cử cán bộ tăng cường tại chỗ cho tuyến dưới.

 

HỢP TÁC QUỐC TẾ

Trao đổi hợp tác để nhanh chóng và kịp thời cập nhật thông tin về khống chế và kiểm soát dịch bệnh.

Phối hợp với các tình nguyện viên quốc tế trong việc xử trí ca bệnh và khống chế căn bệnh lây lan.

Tập trung nguồn lực để khống chế dịch bệnh tại địa phương.

 

PHỤ LỤC 3- THÔNG KHÍ NHÂN TẠO KHÔNG XÂM NHẬP (BIPAP)

Thông khí nhân tạo không xâm nhập được chỉ định cho các người bệnh cú suy hô hấp tăng CO2, còn tỉnh, hợp tác tốt, khả năng ho khạc tốt.

Tiến hành thông khí nhân tạo không xâm nhập

Đặt EPAP = 4cmH2O, điều chỉnh FiO2  duy trì SaO2 hoặc SpO2 > 92%.

Lúc đầu đặt IPAP 8cmH2O, điều chỉnh IPAP để đạt được Vte khoảng 6-8ml/kg (Chú ý, Vte phụ thuộc vào chênh lệch giữa IPAP và EPAP; PS = IPAP-EPAP).

Theo dõi người bệnh, đánh giá chức năng sống, SaO2, SpO2, Vte.

Nếu người bệnh thấy dễ chịu khi thở máy, có:

Tần số thở < 30 lần/phút.

Tần số tim không tăng quá 20 % so với tần số ban đầu.

Không loạn nhịp tim.

Không còn cảm giác khó thở, không co kéo cơ hô hấp phụ.

Vte duy trì từ 6-8 ml/kg.

SpO2 > 92%.

Tiếp tục giữ nguyên các thông số đó đặt, theo dõi sát người bệnh. 

Nếu Sp02 < 92%, tăng FiO2 từng mức 10% cho tới 100%. Nếu đã tăng FiO2 lên tới 100% mà SpO2 vẫn < 92%, tăng EPAP mỗi lần 2cmH2O. Chú ý khi tăng EPAP, phải tăng đồng thời IPAP để giữ nguyên giá trị PS.

Nếu người bệnh có co kéo cơ hô hấp, Vte thấp < 6ml/kg, mệt cơ, PaCO2 bắt đầu tăng hoặc không giảm, trước tiên phải kiểm tra xem độ khít của mặt nạ. Nếu không cải thiện tăng IPAP dần lên, mỗi lần 2cmH2O và đánh giá lại lâm sàng sau 30 phút. Chú ý khi tăng IPAP, Vte phải tăng theo.

Nếu tình trạng người bệnh cải thiện; SpO2 > 92%, duy trì các thông số, điều chỉnh mức FiO2 thấp nhất có thể được và xem xét khả năng cai máy thở

Nếu tình trạng người bệnh xấu đi với

SpO2 < 90%.

Tần số thở > 30 lần/phút.

Tần số tim tăng quá 20% so với tần số lúc đầu.

Và IPAP đã lên tới 20 cmH2O và EPAP lên tới 10 cmH2O, nên chuẩn bị đặt nội khí quản, cho thở máy xâm nhập.

Xem tiếp: Hướng dẫn - chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người (P3)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top