✴️ Hướng dẫn giám sát và kiểm soát một số véc tơ và chuột truyền bệnh tại cửa khẩu (Phần 1)

THÔNG TIN CHUNG

Tổng quan về các bệnh do véc tơ truyền

Các bệnh do véc tơ truyền (bao gồm: sốt rét, sốt xuất huyết, Chikungunya, Zika, sốt vàng,...) đã được ghi nhận ở trên 100 quốc gia trên thế giới với hơn 60% dân số toàn cầu trong vùng nguy cơ và hơn 500 triệu trường hợp mắc mỗi năm. Bệnh dịch hạch lưu hành trên chuột và lây sang người qua bọ chét vẫn được ghi nhận rải rác tại một số quốc gia. Từ năm 2010 đến 2015, trên thế giới đã ghi nhận 3.248 trường hợp mắc, trong đó có 584 trường hợp tử vong.

Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên rất thuận lợi cho sự phát triển các loại côn trùng và vật chủ trung gian truyền bệnh bao gồm cả các loại muỗi, bọ chét, chuột, ..., đồng thời cũng là quốc gia có lưu hành một số bệnh do véc tơ truyền như: sốt rét, sốt xuất huyết, Chikungunya, Rickesia, sốt mò, ... và đã từng lưu hành bệnh dịch hạch. Do đó nguy cơ lây lan mầm bệnh ra cộng đồng thông qua các véc tơ truyền khi có dịch bệnh xâm nhập là rất lớn.

Trong bối cảnh giao lưu toàn cầu, các phương tiện vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán các ổ chứa và mầm bệnh do véc tơ truyền. Do đó, việc ngăn ngừa sự lây lan các mầm bệnh do véc tơ truyền ngay tại các cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự lây lan bệnh trên phạm vi toàn cầu.

Theo quy định của Điều lệ Y tế quốc tế (2005), các quốc gia thành viên phải đảm bảo điều kiện vệ sinh và không có nguồn lây nhiễm tại khu vực cửa khẩu, xây dựng các chương trình kiểm soát véc tơ, kiểm soát việc vận chuyển làm lây lan tác nhân bệnh truyền nhiễm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Phạm vi áp dụng

Việc giám sát và kiểm soát một số véc tơ, chuột truyền bệnh trong tài liệu này được áp dụng đối với muỗi (Aedes, Culex và Anopheles), bọ chét và chuột trong phạm vi khu vực cửa khẩu bao gồm các khu chức năng để đảm bảo cho các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ, thương mại tại môi trường cửa khẩu nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập và lây truyền một số bệnh truyền nhiễm qua biên giới.

Một số khái niệm, định nghĩa

Véc tơ: là những sinh vật sống có thể truyền bệnh truyền nhiễm giữa người hoặc từ động vật sang người. Đa số các véc tơ là côn trùng hút máu, chúng nhiễm mầm bệnh từ vật chủ bị nhiễm bệnh (người hoặc động vật) và sau đó truyền vào vật chủ mới trong lần hút máu tiếp theo của chúng.

Ổ chứa là nơi tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể tồn tại và phát triển.

Cửa khẩu: là nơi diễn ra các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và qua lại biên giới quốc gia đối với người, phương tiện, hàng hóa. Cửa khẩu gồm cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu quốc gia, trong đó có các loại: cửa khẩu đường bộ, đường sắt, ga hàng không, cảng biển liên thông với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

GIÁM SÁT VÉC TƠ

Giám sát loăng quăng/bọ gậy, muỗi

Nội dung giám sát

Giám sát sự hiện diện của loăng quăng/bọ gậy và muỗi truyền bệnh (đối với các loài Aedes, Culex, Anopheles) trong khu vực cửa khẩu.

Địa điểm giám sát

Nơi có nguy cơ: bãi xe ô tô, xe máy, mái nhà, rìa đường băng, nhà vệ sinh, bể chứa nước, bình hoa, lốp xe, vật đựng các loại có thể đọng nước, mương, rãnh, ...

Thời gian, tần suất

Giám sát thường quy

Thực hiện giám sát 01 lần/tháng.

Giám sát khi có nguy cơ cao

Thực hiện hàng ngày hoặc hàng tuần phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh liên quan đến muỗi truyền và mức độ nguy cơ có thể xảy ra dịch bệnh tại Việt Nam.

Kỹ thuật giám sát

Kỹ thuật giám sát loăng quăng/bọ gậy

Dụng cụ

Vợt, bẫy phễu, pipet, gáo lọc, khay nhựa trắng, hũ nhựa có nắp 100ml.

Đèn pin và pin (sử dụng để soi tìm loăng quăng/bọ gậy ở những khu vực hoặc vật chứa nước thiếu ánh sáng).

Sổ, bút để ghi chép số liệu.

Các ổ loăng quăng/bọ gậy thường gặp:

Tất cả những khu vực hoặc vật chứa nước như: bãi xe ô tô, xe máy, mái nhà, rìa đường băng, nhà vệ sinh, bể chứa nước, bình hoa, chậu hoa, cây cảnh, lốp xe, lốp xe chống va đập ở các cảng biển, rãnh container, vật đựng các loại có thể đọng nước, mương, rãnh, và các vật chứa nước khác như vỏ chai, lọ vỡ, vỏ đồ hộp, mảnh bát vỡ, kẽ lá cây,...

Kỹ thuật điều tra bọ gậy/loăng quăng

Với những vật chứa nước

Sử dụng bẫy phễu: Để điều tra bọ gậy/loăng quăng ở các vật chứa nước rất lớn như bể nước lớn, giếng... mà không thể sử dụng vợt, gáo lọc hay pipet. Đặt bẫy phễu vào vật chứa nước và thu thập lại sau 24 giờ. Sử dụng ống hút hút tất cả số bọ gậy/loăng quăng vào lọ và ghi nhãn.

Sử dụng vợt tiêu chuẩn: khoắng nhiều vòng từ trên xuống dưới vật chứa nước, cho các sản phẩm thu được ra khay trắng. Sử dụng ống hút hút tất cả số bọ gậy/loăng quăng vào lọ và ghi nhãn.

Sử dụng gáo lọc: Đối với các vật chứa nước nhỏ, nhiều cặn, không thể sử dụng bằng vợt có thể sử dụng gáo lọc, lọc nhiều lần. Sau đó cho các sản phẩm thu được ra khay trắng. Sử dụng ống hút hút tất cả số bọ gậy/loăng quăng vào lọ và ghi nhãn.

Sử dụng pipet: Đối với các vật chứa nước nhỏ, không thể sử dụng bằng vợt hay gáo lọc, có thể sử dụng ống hút để thu thập trực tiếp và cho tất cả số bọ gậy/loăng quăng vào lọ và ghi nhãn.

Nếu vật chứa nước có bọ gậy/loăng quăng cần đánh dấu lại để xử lý.

Mẫu bọ gậy/loăng quăng có thể được định loại tại chỗ hoặc chuyển về tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.

Với những khu vực có nước

Thu thập bọ gậy ở các thủy vực nhỏ: tìm những vũng nước hai bên bờ khe suối, lòng suối cạn, các vũng nước nhỏ,... tại khu vực cửa khẩu dùng dụng cụ bắt bọ gậy (khoảng 0,5l) hớt nhẹ trên bề mặt đổ vào khay, sau đó dùng ống hút bắt bọ gậy cho vào lọ.

Thu thập bọ gậy ở các thủy vực lớn: đi men theo hai bên bờ suối vớt bọ gậy bằng vợt, cho vào khay và sau đó dùng ống hút bắt bọ gậy cho vào lọ.

Nếu thủy vực nào có bọ gậy/loăng quăng cần ghi lại để xử lý.

Mẫu bọ gậy/loăng quăng có thể được định loại tại chỗ hoặc chuyển về tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.

Tính các chỉ số loăng quăng/bọ gậy

Chỉ số dụng cụ chứa nước có loăng quăng/bọ gậy (CSDCBG) là tỷ lệ phần trăm dụng cụ chứa nước có loăng quăng/bọ gậy:

Kỹ thuật giám sát muỗi

Sử dụng các loại bẫy, máy hút muỗi để phát hiện sự có mặt và thu thập muỗi trưởng thành của các loài truyền bệnh Aedes, Culex, Anopheles.

Sử dụng bẫy GAT thu thập muỗi trưởng thành

Chuẩn bị bẫy GAT và thiết bị khác

Bẫy GAT

Bẫy GAT trước khi đặt ở thực địa cần được kiểm tra kỹ lưỡng về số lượng bẫy, chất lượng của bẫy: xem lưới có bị rách, các thiết bị có bị vỡ hay không.

Thông thường quá trình đặt bẫy GAT diễn ra trong một thời gian dài và liên tục trong nhiều tháng do đó phải dự trữ một lượng bẫy nhất định. Mỗi cửa khẩu cần có số lượng bẫy khoảng 30 chiếc phòng trường hợp mất hoặc bẫy bị hỏng do tác động bên ngoài.

Vật tư khác

Chuẩn bị ống tuýp và bông để đựng mẫu muỗi hoặc tuýp Eppendorf.

Băng dính/tem để ghi nhãn từng bẫy. Bút ghi nhãn là loại bút không phai màu khi gặp nước.

Đèn pin soi muỗi và máy/thiết bị hút muỗi cầm tay giúp chuyển muỗi vào tuýp đựng.

Sổ ghi chép thông tin và phiếu điều tra theo mẫu giám sát.

Quy trình triển khai thực địa

Bước 1. Số lượng và khoảng cách đặt các bẫy GAT

Số lượng bẫy từ 20 - 30 bẫy ở 01 cửa khẩu, tùy thuộc vào diện tích cửa khẩu.

Khoảng cách giữa hai bẫy GAT tối đa là 50m.

Bước 2. Đặt bẫy GAT

Lập sơ đồ đặt bẫy.

Bẫy GAT sau khi được lắp theo đúng kỹ thuật (Phụ lục 2) sẽ được đặt ở những nơi có ánh sáng yếu, thường xuyên tập trung đông người, chọn vị trí đặt bẫy an toàn tránh tác động bên ngoài, thường đặt ở góc nhà, mái hiên tránh mưa rơi trực tiếp. Đây là những nơi tần suất xuất hiện muỗi Aedes cao nhất.

Ghi nhận thông tin lên bẫy, thời gian đặt, địa điểm đặt.

Ghi nhận thông tin bẫy lên sổ điều tra hoặc phiếu điều tra thường quy.

Một số lưu ý khi đặt bẫy:

Không được đặt bẫy nơi có nước dột như không có mái che, mưa hắt vì nếu như vậy bẫy sẽ thường xuyên đầy tràn đồng thời làm giảm hiệu quả diệt muỗi của lưới tấm hóa chất.

Hạn chế dịch chuyển vị trí của bẫy.

Tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ để không làm ảnh hưởng tới bẫy.

Bước 3. Thu hồi mẫu muỗi từ bẫy GAT (một tuần một lần)

Cán bộ giám sát dùng máy hút muỗi cầm tay hút toàn bộ số muỗi chết trên lưới tẩm hóa chất.

Chuyển số muỗi này vào tùng tuýp đựng, mỗi bẫy GAT ứng với 1 tuýp.

Ghi thông tin (mã số bẫy GAT) lên tuýp đựng muỗi thu được tương ứng với thông tin trên bẫy GAT.

Ghi thông tin lên sổ/phiếu điều tra về số lượng muỗi thu được. Mỗi bẫy được ghi trên phiếu điều tra giám sát muỗi bằng bẫy GAT.

Mẫu muỗi có thể được định loại tại chỗ hoặc chuyển về tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.

Một số lưu ý trong thời gian bẫy được đặt ở thực địa:

Thời gian đặt bẫy lâu nên lượng nước trong xô có thể vơi dần do đó cần theo dõi và bổ sung nước.

Bẫy có thể thất lạc, hư hỏng do đó phải thay thế nếu cần.

Thực tế khi đặt bẫy, hầu hết nước trong xô lâu ngày rất bẩn không thu hút muỗi Aedes tới đẻ trứng được nên phải thay bằng nước sạch (nước mưa, nước máy) hàng tháng.

Trong quá trình đặt bẫy lâu ngày, túi rút và vải tấm hóa chất là chất liệu dễ mục, rách nên cần được thay thế nếu cần.

Sử dụng bẫy BIOGENTS thu thập muỗi trưởng thành

Chuẩn bị bẫy Biogents và thiết bị khác

Bẫy Biogents

Bẫy Biogents trước khi sử dụng ở thực địa cần được kiểm tra kỹ lưỡng về số lượng bẫy, chất lượng của bẫy: xem lưới có bị rách, các thiết bị có bị hư hỏng hay không.

Thông thường quá trình đặt bẫy Biogents diễn ra trong một thời gian khoảng 3 ngày. Mỗi cửa khẩu cần có số lượng bẫy tối thiểu 4 chiếc.

Thiết bị khác

Chuẩn bị ống tuýp và bông để đựng mẫu muỗi hoặc tuýp Eppendorf.

Băng dính/tem để ghi nhãn từng bẫy. Bút ghi nhãn.

Đèn pin soi muỗi và máy/thiết bị hút muỗi cầm tay giúp chuyển muỗi vào tuýp đựng.

Sổ ghi chép thông tin và phiếu điều tra theo mẫu giám sát.

Quy trình triển khai thực địa

Bước 1. Lắp ráp bẫy.

Bẫy Biogents sau khi được lắp theo đúng kỹ thuật sẽ được đặt ở những nơi có ánh sáng yếu, thường xuyên tập trung đông người như nhà bếp, phòng ăn, phòng khách, phòng làm việc, khu/phòng lưu trú, đặt ngoài trời như tại các bụi cây, hoa...

Bước 2. Cắm điện, kiểm tra bẫy xem có điện và quạt đã chạy hay chưa.

Bước 3. Thu mẫu muỗi từ bẫy Biogents (24 tiếng/một lần).

Chuyển số muỗi này vào từng tuýp đựng, mỗi bẫy Biogents ứng với 1 tuýp đựng.

Ghi thông tin (mã số bẫy Biogents) lên tuýp đựng muỗi thu được tương ứng với thông tin trên bẫy Biogents.

Ghi thông tin lên sổ/phiếu điều tra về số lượng muỗi thu được. Mỗi bẫy được ghi trên phiếu điều tra giám sát muỗi bằng bẫy Biogents.

Mẫu muỗi có thể được định loại tại chỗ hoặc chuyển về tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.

Bước 4. Thu bẫy sau khi đã thực hiện xong việc điều tra/nghiên cứu. Bẫy được thu gọn cho vào túi chuyên dụng cất, bảo quản đúng quy cách.

Một số lưu ý trong thời gian bẫy được đặt ở thực địa:

Thời gian đặt bẫy 24 giờ nên xem tình trạng mất điện, sút điện, tình trạng bả mồi... làm ảnh hưởng đến bẫy và thu thập muỗi.

Không được đặt bẫy nơi có nước dột, không có mái che, mưa hắt vì nếu như vậy bẫy sẽ bị ướt dẫn đến chập điện làm hư hỏng bẫy ảnh hưởng đến thu thập muỗi.

Không để trẻ nhỏ phá, nghịch bẫy vì bẫy có điện gây nguy hiểm, làm ảnh hưởng tới bẫy và thu thập muỗi.

Sử dụng bẫy đèn CDC thu thập muỗi trưởng thành

Chuẩn bị bẫy đèn CDC và thiết bị khác

Bẫy đèn CDC

Thông thường quá trình đặt bẫy đèn CDC diễn ra trong đêm và mỗi định kỳ hàng tháng thực hiện kỹ thuật này trong 03 đêm liên tục. Mỗi cửa khẩu đặt tối thiểu 06 bẫy đèn CDC gồm: 03 bẫy trong nhà và 03 bẫy ngoài nhà, như vậy cần có số lượng bẫy khoảng 10 chiếc phòng trường hợp mất hoặc bẫy bị hỏng.

Dụng cụ khác

Pin đèn (hoặc ắc quy), đèn pin.

Tuýp và ống hút bắt muỗi.

Sổ ghi chép, phiếu điều tra và bút các loại.

Quy trình triển khai thực địa

Bẫy đèn có thể sử dụng để bắt muỗi cả trong và ngoài nhà. Tùy theo mục đích điều tra để lựa chọn cách đặt bẫy cho hiệu quả.

Bước 1. Lắp đặt bẫy

Lắp đặt bẫy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bước 2. Chuẩn bị nguồn điện

Chuẩn bị bình ắc quy đã được nạp điện đầy đủ (thường sử dụng bình ắc quy 6V) hoặc lắp pin cho bẫy hoạt động từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Bước 3. Kiểm tra đèn

Cắm dây tiếp điện từ 2 đầu của bình và kiểm tra quạt có hoạt động và đèn đã sáng.

Bước 4. Treo bẫy

Đặt bẫy đèn trong nhà

Treo bẫy đèn cách xa các nguồn sáng khác.

Treo bẫy đèn cách xa mặt đất (hoặc mặt sàn) khoảng 0,5m và cách giường ngủ khoảng 0,5m.

Đặt bẫy đèn ngoài nhà

Treo bẫy đèn gần ổ bọ gậy, hoặc nơi muỗi thường bay qua trên đường đi tìm mồi hút máu. Vị trí treo bẫy đèn cần thông thoáng để ánh sáng từ bóng đèn của bẫy không bị che khuất.

Bẫy treo cách mặt đất khoảng 1,5m.

Bước 5. Thu thập mẫu muỗi

Tiến hành thu thập muỗi trong lồng bẫy vào 6 giờ sáng. Bước đầu tiên là buộc miệng lồng đựng muỗi, tiếp theo là tắt quạt. Người thu bẫy cần ghi rõ số bẫy, số nhà đặt bẫy, số người ngủ trong nhà tối hôm đặt bẫy.

Bước 6. Thu bẫy

Thu bẫy sau khi thực hiện xong việc điều tra, nghiên cứu.

Một số lưu ý khi xử lý, bảo quản mẫu muỗi bằng đèn CDC

Xử lý muỗi bắt được bằng bẫy đèn cần được tiến hành ngay sau khi thu bẫy vì muỗi bắt được bằng phương pháp này thường bị chết dập nát. Trước khi xử lý phải để riêng bẫy đặt trong nhà và bẫy đặt ngoài nhà.

Trước hết dùng ống hút hoặc tuýp bắt những con muỗi sống, sau đó đổ những con chết hoặc sống nhưng không bay được ra khay men trắng.

Tính chỉ số muỗi

Chỉ số muỗi = số muỗi/bẫy/đêm

Giám sát chuột, bọ chét

Nội dung giám sát

Giám sát sự hiện diện và mật độ của các loài chuột, bọ chét tại khu vực cửa khẩu.

Địa điểm giám sát

Các khu vực các loài chuột có khả năng lưu trú:

Khu hành chính: khu làm việc của các đơn vị thuộc cửa khẩu.

Khu nhà kho, nơi tập kết hàng hóa.

Khu nhà hàng, quán ăn thuộc cửa khẩu.

Cống rãnh trong khu vực cửa khẩu.

Khu vực neo đậu tàu thuyền.

Khu tập kết rác thải.

Chợ, khu thương mại.

Thời gian, tần suất

Giám sát thường xuyên

Thực hiện 1 lần/tháng.

Giám sát khi có nguy cơ cao

Khi xuất hiện chuột chết tự nhiên.

Khi có cảnh báo một số bệnh từ động vật gặm nhấm ở các nước lân cận.

Kỹ thuật giám sát

Kỹ thuật giám sát chuột

Bước 1. Chuẩn bị

Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ bao gồm: bẫy lồng, túi vải trắng, mồi, cồn 70°, bông thấm, bông không thấm, khay men, thuốc gây mê, túi bóng dày, bộ dụng cụ mổ, thước đo, cân, bàn chải, xô nhựa cao trên 15cm, máy hút bọ chét, tuýp đựng mẫu chứa dung dịch bảo quản, sổ ghi chép, bút viết kính, bút chì, phiếu điều tra, khóa định loại, khẩu trang, găng tay, trang phục bảo hộ, túi chứa chất thải.

Bước 2. Đặt và thu bẫy

Số bẫy đặt: tùy thuộc vào từng loại hình và quy mô cửa khẩu.

Tối thiểu: 50 bẫy/đêm/điểm giám sát trong 3 đêm liên tục.

Tối đa: 100 bẫy/đêm/điểm giám sát trong 3 đêm liên tục.

Phương pháp đặt và thu bẫy: đặt bẫy vào chiều tối và kiểm tra thu chuột trong bẫy vào sáng sớm hôm sau.

Bước 3. Gây mê chuột

Chuột được gây mê bằng ether. Cho chuột vào túi bóng dày có bông thấm ether, buộc kín túi (kéo khóa) trong thời gian 10 - 15 phút.

Bước 4. Thu ngoại ký sinh (chi tiết trong phần giám sát bọ chét)

Bước 5. Tính các chỉ số đánh giá

Bước 6. Xử lý mẫu vật

Trong trường hợp có yêu cầu hoặc trong giám sát trọng điểm, mẫu vật trên chuột gồm: gan, lách, huyết thanh được thu thập, bảo quản, đóng gói và vận chuyển về các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng để xác định tác nhân gây bệnh.

Các mẫu chuột chết được xử lý theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 về xử lý rác thải y tế.

Kỹ thuật giám sát bọ chét

Bước 1. Chuẩn bị

Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ bao gồm: bẫy lồng, túi vải trắng, mồi, cồn 70°, bông thấm, bông không thấm, khay men, thuốc gây mê, túi bóng dày, bộ dụng cụ mổ, thước đo, cân, bàn chải, xô nhựa cao trên 15cm, máy hút bọ chét, tuýp đựng mẫu chứa dung dịch bảo quản, sổ ghi chép, bút viết kính, bút chì, phiếu điều tra, khóa định loại, khẩu trang, găng tay, trang phục bảo hộ, túi chứa chất thải.

Bước 2. Đặt và thu bẫy

Số bẫy: tùy thuộc vào từng loại hình và quy mô cửa khẩu.

Tối thiểu: 50 bẫy/3 đêm/điểm giám sát.

Tối đa: 100 bẫy/3 đêm/điểm giám sát.

Phương pháp đặt và thu bẫy: đặt bẫy vào chiều tối và thu bẫy vào sáng sớm hôm sau.

Bước 3. Gây mê chuột

Chuột có thể được gây mê bằng ether trong túi bóng dày như trên.

Bước 4. Thu thập bọ chét

Chải và bắt bọ chét trên vật chủ.

Thu bọ chét tự do.

Thu tại các hang, ổ động vật, các bãi đất, bãi rác.

Bẫy bọ chét tự do bằng khay men đựng nước (40 x 60 cm).

Bước 5. Tính các chỉ số

Bước 6. Xác định loài

Tại cửa khẩu xác định vật chủ, véc tơ sau đó gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur/Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng để xác định phân loài.

Xem tiếp: Hướng dẫn giám sát và kiểm soát một số véc tơ và chuột truyền bệnh tại cửa khẩu (Phần 2)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top