✴️ Nước và vệ sinh nước (P2)

Nội dung

CHẤT LƯỢNG NƯỚC, VỆ SINH NƯỚC VÀ MỐI QUAN HỆ CỦA CHÚNG VỚI SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG 

Chất lượng nước và tiêu chuẩn 

Tuỳ theo yêu cầu của việc sử dụng nước vào các mục đích khác nhau như nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp, văn hoá, thể dục thể thao, phục vụ ăn uống và sinh hoạt mà quy định những tiêu chuẩn của ngành. Đối với nước ăn uống và sinh hoạt có tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn địa phương. Tiêu chuẩn quốc tế về nước sinh hoạt là tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ban hành năm 1958 và  bổ sung sửa đổi năm 1963, 1971 và 1984. Tiêu chuẩn bao gồm 3 nhóm chỉ tiêu: vật lý, hoá học (chất vô cơ tan, chất hữu cơ) và sinh học. 

Năm 2002, với sự giúp đỡ của Unicef, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống theo Quyết định số 1329/2002/BYT-QĐ ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế để giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt. Tiêu chuẩn này quy định ngưỡng tối đa cho phép của 112 chỉ tiêu vật lý, hoá học và sinh học. Đây là chìa khoá pháp lý cho cả người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất và cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng chủ yếu là đối với đô thị, công trình cấp nước tập trung cho 500 người trở lên, do vậy đối với vùng nông thôn hiện chưa phải là đối tượng áp dụng bắt buộc.

Để khắc phục hạn chế này, Bộ Y tế ban hành Tiêu chuẩn ngành: Tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch theo Quyết định số 09/2005/BYT-QĐ ngày 11/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tiêu chuẩn này chỉ quy định 22 chỉ tiêu cơ bản về cảm quan, thành phần vô cơ và vi sinh vật. Tiêu chuẩn này áp dụng đối với các hình thức cấp nước sạch hộ gia đình, các trạm cấp nước tập trung phục vụ tối đa 500 người và các hình thức cấp nước sạch khác. Nước sạch quy định trong tiêu chuẩn này chỉ là nước dùng cho các mục đích sinh hoạt cá nhân và gia đình, không sử dụng làm nước ăn uống trực tiếp. Nếu dùng trực tiếp cho ăn uống phải xử lý để đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống ban hành kèm theo Quyết định số 1329/QĐ -BYT ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nhìn chung, về mặt số lượng có thể chấp nhận được ở mức 30l/người/ngày ở nông thôn và 100 - 150l/người/ngày ở thành thị. Về mặt chất lượng, nước dùng để ăn uống và sinh hoạt phải đảm bảo nhưng yêu cầu chung sau đây:

Nước phải có tính cảm quan tốt, phải trong, không có màu, không có mùi, không có vị gì đặc biệt để gây cảm giác khó chịu cho người sử dụng. 

Nước phải có thành phần hoá học không độc hại cho cơ thể con người, không chứa các chất độc, chất gây ung thư, chất phóng xạ... Nếu có thì phải ở mức tiêu chuẩn nồng độ giới hạn cho phép theo quy định của Nhà nước-Bộ Y tế. 

Nước không chứa các loại vi khuẩn, virus gây bệnh, các loại ký sinh trùng và các loại vi sinh vật khác, phải đảm bảo an toàn về mặt dịch tễ học.

Vệ sinh nước và mối quan hệ của chúng với sức khoẻ cộng đồng

Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã kết luận rằng chất lượng nước và dung lượng nước sinh hoạt có ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ con người. Nhiều vụ dịch bệnh liên quan đến nước bị ô nhiễm như bệnh tả, thương hàn, lỵ, ỉa chảy, viêm gan Ađã và đang xảy ra ở cả những nước phát triển và đang phát triển. Thiếu nước cũng gây ảnh hưởng trầm trọng, đặc biệt là sự phát sinh và lây nhiễm các bệnh về da, mắt và các bệnh truyền qua đường phân miệng. Ước tính trên thế giới có khoảng 6 triệu người bị mù do bệnh đau mắt hột và khoảng 500 triệu người có nguy cơ bị mắc bệnh này. Theo thống kê sức khoẻ toàn cầu của trường Đại học Harvard, của Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới thì hàng năm có khoảng 4 tỷ trường hợp bị ỉa chảy, làm 2, 2 triệu người chết mà chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (tương đương cứ 15 giây thì có một trẻ em bị chết). Con số này chiếm khoảng 15% số trẻ em chết vì tất cả các nguyên nhân ở những nước đang phát triển. Nâng cao chất lượng nước sinh hoạt và cung cấp các công trình vệ sinh phù hợp sẽ giảm 1/4 đến 1/3 số ca bị ỉa chảy hàng năm.

Vai trò của nước đối với con người

Con người sử dụng nước cho nhiều mục đích khác nhau. Nước dùng trong sinh hoạt bao gồm nước uống, nước dùng trong nấu nướng, tắm giặt và dùng trong nhà vệ sinh. Nước dùng cho công nghiệp chủ yếu phục vụ các ngành sản xuất giấy, xăng dầu, hoá chất và luyện kim. Nước dùng để xử lý rác thải chủ yếu là dùng trong vận chuyển phân và nước tiểu từ các hố xí tự hoại tới nhà máy xử lý. Nước dùng cho mục đích vui chơi giải trí như để bơi thuyền, lướt ván, bơi lội v.v. Nước dùng để tưới tiêu trong nông nghiệp và ngoài ra còn dùng cho một số mục đích khác như chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, vận chuyển, sản xuất điện trong các nhà máy thuỷ điện và dùng trong các quá trình làm lạnh.

Đối với sự sống thì nước cũng như không khí rất cần thiết cho con người và các sinh vật khác. Khoảng 50 đến 65% trọng lượng cơ thể chúng ta là nước và chỉ cần thay đổi khoảng 1-2% lượng nước trong cơ thể cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và gây  khát. Mất 5% nước trong cơ thể có thể gây hôn mê và nếu mất một lượng khoảng 10-15% thì có thể dẫn tới tử vong. Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy con người có thể nhịn đói trong vài tháng nhưng trong điều kiện khí hậu khô nóng thì chúng ta chỉ có thể sống được 1 đến 2 ngày mà không tiêu thụ (ăn và uống) một tý nước nào. Trung bình mỗi người tiêu thụ khoảng 2 lít nước mỗi ngày và với dân số thế giới hiện nay vào khoảng 6 tỷ người thì mỗi ngày chúng ta tiêu thụ hết 12 triệu mét khối nước uống.  Do đó, cung cấp nước đầy đủ và trong sạch là một trong những yếu tố cơ bản để bảo vệ sức khoẻ. Chúng ta có thể tóm tắt những vai trò chính của nước đối với cơ thể là:

Nước được coi như là thực phẩm cần thiết đối với con người. Nước đưa vào trong cơ thể  những chất bổ hoà tan và thải ra ngoài cơ thể những chất cặn bã dưới dạng hòa tan và nửa hoà tan.

Nước cung cấp cho cơ thể những vi yếu tố cần thiết như: flo, calci, mangan v.v…

Nước rất cần cho vệ sinh cá nhân và vệ sinh công cộng.

Nước có thể đưa vào cơ thể những chất độc hại, những vi khuẩn gây bệnh khi nước không được trong sạch. 

Bệnh có liên quan tới nước 

Năm 1980 Tổ chức Y tế Thế giới thông báo 80% bệnh tật của con người có liên quan tới nước. Một nửa số giường bệnh trên thế giới là các bệnh có liên quan tới nước và 25.000 người chết hàng ngày là do các bệnh có liên quan tới nước. Bình quân trên thế giới cứ 5 người thì 3 người không có đủ nước dùng hàng ngày. 

Các bệnh liên quan với nước có thể được chia thành một số nhóm chính:

Bệnh lây lan qua nước ăn uống

Những căn bệnh này xảy ra do ăn uống nước bị nhiễm sinh vật gây bệnh, ví dụ như các bệnh đường ruột (thương hàn, tả, viêm gan A). Nước là môi trường làm lây lan và gây ra các đại dịch bệnh đường ruột ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Các vi khuẩn đường ruột tồn tại trong nước khá lâu (bảng 6.1).

Bảng 6.1. Thời gian sống trong nước máy của một số vi khuẩn đường ruột

Người ta đã tìm thấy các vi khuẩn gây bệnh tả, thương hàn, phó thương hàn, lỵ... trong nước máy của thành phố có nguồn nước bị nhiễm bẩn, hoặc nơi áp dụng biện pháp khử trùng không đảm bảo. Đồng thời, có nhiều xét nghiệm cho thấy các vi khuẩn gây bệnh ỉa chảy trẻ em như LeptospiraBrucella, Tularensis; các virus bại liệt, viêm gan A, Coksaki tồn tại trong nước tự nhiên và trong nước uống. Biện pháp dự phòng các căn bệnh này là tránh làm nhiễm bẩn nguồn nước đặc biệt là với phân người và động vật hoặc xử lý tốt nước sinh hoạt trước khi sử dụng và thực hiện ăn chín uống sôi.

Bệnh do tiếp xúc với nước

Những bệnh này có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các sinh vật gây bệnh trong nước. Ví dụ bệnh giun Guinea và bệnh sán máng (schistosomiases) có thể xảy ra ở những người bơi lội dưới nước có loài ốc bị nhiễm những sinh vật gây các bệnh này sinh sống. Các ấu trùng rời khỏi cơ thể ốc vào nước và sẵn sàng xuyên qua da của con người. Biện pháp phòng chống những bệnh này là thu gom, xử lý phân người và động vật hợp vệ sinh, đồng thời ngăn không cho mọi người tiếp xúc với nước bị nhiễm bẩn.

Các bệnh liên quan đến nước

Các bệnh trong nhóm này phải kể đến là bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh giun chỉ. Côn trùng trung gian truyền bệnh là các loại muỗi, trong đó nước đóng vai trò là môi trường sống của các sinh vật truyền bệnh. Muỗi sống trong các vùng có bệnh dịch lưu hành, quá trình sinh sản của muỗi phải qua môi trường nước. Muỗi đẻ trứng trong nước, trứng nở thành bọ gậy, bọ gậy thành cung quăng và thành muỗi. Biện pháp dự phòng là loại bỏ côn trùng truyền bệnh hoặc tránh không tiếp xúc với chúng.

Các bệnh do thiếu nước trong tắm giặt

Một số ví dụ về loại bệnh này là bệnh do Shigella, bệnh ngoài da, bệnh mắt hột và bệnh viêm màng kết. Theo điều tra dịch tễ học, các bệnh ngoài da, bệnh về mắt có tỷ mắc bệnh liên quan chặt chẽ với việc cung cấp và sử dụng nước sạch. Nguyên nhân chủ yếu là do ký sinh trùng, các vi khuẩn, virus, nấm mốc gây ra, nhưng thiếu nước sạch để vệ sinh cá nhân không kém phần quan trọng. Nghiên cứu tại các vùng trước đây có tỷ lệ mắc các bệnh trên cao, sau khi được cải thiện việc cung cấp nước, vệ sinh môi trường và giáo dục vệ sinh thì tỷ lệ mắc các bệnh trên đã giảm xuống rõ rệt.

Bệnh do vi yếu tố và các chất khác trong nước

Bệnh do yếu tố vi lượng, hoặc các chất khác có trong nước gây ra cho người là do thừa hoặc thiếu trong nước. Trong nhóm này có các bệnh sau:

Bệnh bướu cổ: bệnh phát sinh ở những nơi mà trong đất, trong nước, trong thực phẩm quá thiếu iod, ví dụ vùng núi cao, vùng xa biển. Nhu cầu hàng ngày của cơ thể là 200mcg iốt, nếu không đủ tuyến giáp phải làm việc nhiều và làm cho bướu cổ to ra. Tuy vậy, bệnh bướu cổ còn do các yếu tố khác như giới tính, địa dư, di truyền, khả năng kinh tế và xã hội.

Bệnh về răng do thiếu hoặc thừa flo: flo cần thiết cho cơ thể để cấu tạo men răng và tổ chức của răng. Tiêu chuẩn cho phép trong nước uống là 0,7-1,5 mg/l. Nếu flo nhỏ hơn 0,5mg/l sẽ bị bệnh sâu răng, nếu lớn hơn 1,5 mg/l sẽ làm hoen ố men răng và các bệnh về khớp.

Bệnh do nitrat cao trong nước: nitrat là sản phẩm phân huỷ cuối cùng của chất hữu cơ trong tự nhiên. Nitrat cao trong nước còn do nước bị ô nhiễm nước thải. Trong nước có hàm lượng nitrat trên 10 mg /l có thể gây bệnh tím tái ở trẻ em. Người ta thấy rằng hàm lượng methemoglobin trong máu cao ở cả trẻ em và người lớn khi dùng nước có hàm lượng nitrat cao quá giới hạn cho phép.

Bệnh do nhiễm độc bởi các chất độc hoá học: nước có thể bị nhiễm bẩn bởi các chất hoá học dùng trong sinh hoạt hàng ngày, trong nước thải sản xuất công nghiệp v.v.

Trong quá trình làm sạch nước để ăn uống nếu không kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước theo tiêu chuẩn vệ sinh thì các chất hoá học trong nước có nhiều khả năng gây bệnh cho con người dưới dạng nhiễm độc cấp tính, bán cấp tính hoặc mạn tính. Ví dụ, nước bị nhiễm dimetyl thuỷ ngân người ta sẽ mắc bệnh Minamata, nước có quá nhiều catmi sẽ gây bệnh Itai -Itai. Trong nước có các chất gây ung thư, con người cũng có thể bị ung thư khi dùng nước này.

Phòng ngừa các bệnh do nước truyền cần đặc biệt quan tâm việc giám sát chất lượng nước theo tiêu chuẩn vệ sinh. Quản lý, giám sát, thanh tra việc thu gom và xử lý chất thải một cách hữu hiệu tránh làm ô nhiễm nước, ô nhiễm môi trường xung quanh.

Các chỉ tiêu cơ bản để giám sát chất lượng nước

Thông thường để giám sát chất lượng nước về mặt vệ sinh người ta thường quan tâm đến các chỉ tiêu cơ bản sau:

Các chỉ tiêu vật lý: độ pH, độ đục, chất cặn lơ lửng, tổng hàm lượng cặn.

Các chỉ tiêu hoá học: độ oxy hoá, hàm lượng amoniac; hàm lượng nitrit, nitrat, clorua, sắt tổng số, độ cứng toàn phần.

Các chỉ tiêu vi sinh: tổng số Coliforms, Colifeacal chịu nhiệt hay E. coli.

Những trường hợp đặc biệt nghi ngờ khác cần xét nghiệm thêm các chỉ tiêu trong bảng tiêu chuẩn nước ăn uống số 1329/ BYT/ QĐ ngày 13/2/2002.

 

Ô NHIỄM NƯỚC, CÁC NGUỒN GÂY Ô NHIỄM NƯỚC VÀ TÁC ĐỘNG CỦA CHÚNG LÊN SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG

Ô nhiễm nước

Định nghĩa về ô nhiễm nước

Hiến chương châu Âu về nước đã định nghĩa:

“Ônhiễm nước là sự biến đổi nói chung do con người với chất lượng nước, làm nhiễm bẩn nước và gây nguy hiểm cho con người, cho công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, nghỉ ngơi, giải trí, cho động vật nuôi và các loài hoang dã 

Ô nhiễm nước có nguồn gốc tự nhiên: do mưa, tuyết tan, gió bão, lũ lụt đưa  vào môi trường nước chất thải bẩn, các sinh vật và vi sinh vật có hại kể cả xác chết  của chúng.

Ô nhiễm nước có nguồn gốc nhân tạo: quá trình thải các chất độc hại chủ yếu dưới dạng lỏng như các chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vào môi trường.

Theo bản chất các tác nhân gây ô nhiễm, người ta phân ra các loại ô nhiễm nước như sau: ô nhiễm vô cơ và hữu cơ  ô nhiễm hoá chất, ô nhiễm sinh học, ô nhiễm bởi các tác nhân vật lý.

Hoạt động của con người và vấn đề ô nhiễm nước

Trong hoạt động sống của mình, hàng ngày con người đã thải vào môi trường xung quanh một khối lượng nước bẩn tương đương với khối lượng nước sạch đã được cung cấp. Nước bẩn thải ra từ các khu dân cư, đô thị, thành phố, các nhà máy xí nghiệp v.v. có chứa một khối lượng lớn chất bẩn rất đa dạng. Khi nước bẩn chảy vào nguồn nước sẽ làm thay đổi những đặc tính cơ bản của nguồn nước tự nhiên. Ví dụ như thay đổi tính chất cảm quan của nước, làm cho nước có màu, mùi đặc biệt, hoặc thay đổi thành phần hoá học của nước, làm tăng hàm lượng chất hữu cơ, muối khoáng xuất hiện các hợp chất độc hại, hoặc thay đổi hệ sinh vật trong nước, xuất hiện các loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Ngày nay, với mật độ dân đô thị ngày càng tăng, chính phủ và cộng đồng ngày càng quan tâm tới lĩnh vực bảo vệ môi trường, mối liên quan giữa chất lượng môi trường và sức khoẻ ngày càng được hiểu rõ, đồng thời những tổn thất kinh tế do ô nhiễm nước gây ra cũng được đánh giá chính xác hơn nên đã thúc đẩy cải thiện các biện pháp áp dụng nhằm kiểm soát ô nhiễm. 

Nguồn gây ô nhiễm nước

Nước có thể bị nhiễm bẩn bởi nhiều nguồn gốc khác nhau, mỗi nguồn gây ra ô nhiễm nước lại có nhiều tác nhân ô nhiễm. Thông thường nước bị nhiễm bẩn bởi:

Chất thải trong sinh hoạt hàng ngày

Chất thải trong sinh hoạt hàng ngày bao gồm:

Nước dùng để tắm, rửa, giặt quần áo.

Nước qua chế biến thức ăn uống.

Nước lau cọ nhà cửa.

Nước tiểu, nước từ các hố xí tự hoại.

Rác bẩn trong nhà.

Phân người và gia súc.

Chất thải trong công nghiệp

Các ngành công nghiệp đã thải ra một khối lượng chất bẩn vô cùng to lớn. Nước thải của các ngành công nghiệp đã chiếm một tỷ lệ lớn, có nơi gấp 5 -  100 lần lượng nước thải sinh hoạt, ví dụ như ở Pháp hàng năm thải ra 100 triệu m3 nước thải, trong đó nước thải công nghiệp là 90 triệu m3. Nước thải công nghiệp hình thành do quá trình sử dụng nước trong sản xuất. Điều kiện hình thành nước thải, số lượng và thành phần nước thải rất khác nhau. Cho tới nay người ta biết tới trên 140 loại nước thải công nghiệp.

Rác thải công nghiệp: trong quá trình sản xuất, nhiều phế thải, rác thải đã được đưa vào môi trường xung quanh, trong đó có môi trường nước. Bã thải công nghiệp có khối lượng khá lớn ví dụ như xỉ than của ngành nhiệt điện; vỏ hoa quả, bã mía ...  trong ngành công nghiệp thực phẩm, các hoá chất trong ngành công nghiệp hoá chất.

Chất bẩn do ngành nông nghiệp và chăn nuôi

Trong nông nghiệp người ta đã sử dụng nhiều loại phân bón để tăng năng suất cây trồng như phân người, phân gia súc, phân xanh, phân hoá học. Để bảo vệ hoa màu người ta đã dùng nhiều loại hoá chất trừ sâu, diệt cỏ để tiêu diệt sâu bệnh và cỏ dại.  Sự dư thừa của phân bón và hoá chất trừ sâu diệt cỏ đã là những tác nhân gây ô  nhiễm nước.

Các nguồn gây ô nhiễm khác

Ngoài các nguồn gốc kể trên, nước còn bị ô nhiễm bởi các chất thải trong ngành giao thông đường thuỷ. Các chất thải hàng ngày trên con tàu như phân, nước tiểu, rác, nước rửa sàn tàu, dầu mỡ v.v. đều được đổ xuống sông biển. Không khí bẩn tại các khu công nghiệp, đất bẩn bởi rác, phân trong các khu dân cư cũng là nguồn gốc gây ra ô nhiễm nước và ô nhiễm môi trường.

Rất nhiều con sông chảy qua các thành phố lớn ở những nước đang phát triển đã và đang đóng vai trò như là hệ thống cống rãnh mở dẫn các loại nước thải của thành phố. Rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp đã gia tăng tổng lượng ô nhiễm vượt xa khả năng tự làm sạch của những con sông này. Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm đó là các hoạt động khai thác nước ngầm quá mức dẫn tới một số vấn đề về chất lượng nước. Khi mức nước ngầm tự nhiên bị giảm đi thì nước mặn sẽ được hút vào để thay thế  nước ngọt. Đồng thời nước thải từ hệ thống cống rãnh có thể ngấm xuống đất mang theo các sinh vật gây bệnh và  nhiều hoá chất độc hại do các nhà máy thải ra. 

Các yếu tố gây ô nhiễm nước

Do các chất hữu cơ dễ phân huỷ

Các chất hữu cơ tháo vào sông hồ có nguồn gốc từ thực vật như xác cây cỏ, hoa quả, các chất mùn. Nguyên tố cơ bản của chất bẩn là carbon. Các chất hữu cơ có nguồn gốc động vật do các chất thải của con người như nước chế biến thức ăn, nước tắm giặt, nước từ các nhà tiêu tự hoại, nước thải của các nhà máy chế biến thực phẩm, lò giết mổ, trại chăn nuôi v.v. Nguyên tố cơ bản trong chất bẩn là nitơ. Các loại vi khuẩn hoại sinh trong nước đóng vai trò chính trong việc phân huỷ các chất hữu cơ thành các chất vô cơ vô hại, đồng thời cũng làm tăng thêm lượng vi khuẩn trong 1 đơn vị thể tích nước.

Trong nước bị ô nhiễm ít, hàm lượng oxy hoà tan trong nước ở trên mức giới hạn cho phép, các chất hữu cơ sẽ được phân huỷ bởi các vi khuẩn hiếu khí để tạo thành các sản phẩm cuối cùng như nitrat sulphat, phosphat, CO2 v.v. Khi nguồn nước bị ô nhiễm nặng và liên tục bởi các chất hữu cơ, hàm lượng oxy hoà tan trong nước giảm xuống còn rất thấp, quá trình phân huỷ các chất hữu cơ do các vi khuẩn yếm khí đảm nhiệm và tạo thành các sản phẩm trung gian, làm cho nước có mùi hôi, màu đen, xuất hiện các khí thối như H2S, NH3, CH4 và aldehyd.

Để đánh giá mức độ nhiễm bẩn trong nước bởi các chất hữu cơ, người ta thường dùng các chỉ số sau:

Nồng độ oxy hoà tan trong nước.

Nhu cầu oxy về hoá học (COD).

Nhu cầu oxy về hoá sinh học (BOD).

Trong đó:

DO là lượng oxy hoà tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật sống trong nước như cá, lưỡng cư, động thực vật thuỷ sinh, côn trùng v.v... DO thường được tạo ra do sự hoà tan oxy từ khí quyển hoặc do quang hợp của tảo. Nồng độ oxy hoà tan trong nước thường nằm trong khoảng 8-10 ppm. Tuy nhiên, nồng độ này thay đổi phụ thuộc vào nhiệt độ, sự phân huỷ các chất và sự quang hợp của tảo v.v. Khi nồng độ DO thấp, các loài sinh vật sống trong nước giảm hoạt động hoặc thậm chí có thể bị chết. Do vậy, DO là một chỉ số quan trọng để đánh giá sự ô nhiễm nước của các thủy vực.

BOD (biological oxygen demand) là lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hoá các chất hữu cơ theo phản ứng  

                

Trong môi trường nước, khi quá trình oxy hoá sinh học xảy ra thì các vi sinh vật sử dụng oxy hoà tan, vì vậy xác định tổng lượng oxy hoà tan cần thiết cho quá trình phân huỷ sinh học là phép đo quan trọng đánh giá ảnh hưởng của một dòng thải đối với nguồn nước. BOD cho ta biết lượng chất thải hữu cơ trong nước có thể bị phân huỷ bằng các vi sinh vật.  

COD (chemical oxygen demad) là lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ. Như vậy, COD là lượng oxy cần thiết để oxy hoá toàn bộ các chất hoá học trong nước, trong khi đó BOD là lượng oxy cần thiết để oxy hoá một phần các hợp chất hữu cơ dễ phân huỷ bởi vi sinh vật.

Toàn bộ lượng oxy sử dụng cho các phản ứng trên được lấy từ oxy hoà tan trong nước (DO). Do đó, nếu nhu cầu oxyhoá học và oxy sinh học cao thì sẽ làm giảm nồng độ oxy hoà tan trong nước, có hại cho sinh vật sống trong nước và hệ sinh thái nước nói chung. Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nông nghiệp là các tác nhân làm gia tăng giá trị BOD và COD của môi trường nước.

Do các yếu tố sinh học

Nước là môi trường trung gian truyền bệnh, đặc biệt là các bệnh đường ruột và gây ra các vụ dịch lớn như vụ tả Hăm Buốc năm 1892 có 18.000 người bị bệnh và làm chết 8.605 người, tại Xanh-Petécbua năm 1908 có 20.835 người mắc bệnh và làm chết 4.000 người. Nguyên nhân chính là do nước bị nhiễm phẩy khuẩn tả.

Từ năm 1845 đến 1935 đã có 124 vụ dịch thương hàn và phó thương hàn. Năm 1965, vụ dịch thương hàn ở Mỹ có 16.000 mắc bệnh và người ta đã tìm thấy vi khuẩn thương hàn trong nước máy của thành phố. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã tìm thấy vi khuẩn lỵ, vi khẩn gây bệnh ỉa chảy ở trẻ em, các vi khuẩn Leptospira và Tularensia, vi khuẩn đường ruột, virus viêm gan v.v. Nước còn bị nhiễm bẩn bởi các loại ký sinh trùng như amíp, trứng giun sán các loại. Con người có thể mắc bệnh ký sinh trùng khi dùng nước không sạch. Bảng 6.2 trình bày các sinh vật gây bệnh chính sống trong nước.

Bảng 6.2. Các sinh vật gây bệnh chính sống trong nước

Do các yếu tố hóa học

Nguồn nước gây ra ô nhiễm nước bởi các chất hóa học chủ yếu là do chất thải công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp hoá chất. Chất độc hoá học vào nước làm cho nước có màu sắc, mùi vị khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tự làm sạch tự nhiên của nước, có hại đến hệ thống sinh vật sống trong nước bị tiêu diệt hoặc di chuyển nơi sinh sống, tiêu diệt hoặc làm giảm các nguồn thuỷ sản làm thức ăn cho con người và gia súc, ảnh hưởng xấu tới chất lượng nước ngầm, nước bề mặt, đó là nguồn cung cấp nước cho cộng đồng. Có tới 55.000 hợp chất hoá học thải vào môi trường xung quanh. Những ngành công nghiệp tháo nước thải có chứa các chất hoá học phải kể đến ngành công nghiệp khai thác, chế biến dầu mỏ, công nghiệp luyện kim màu, luyện kim đen, công nghiệp sản xuất hoá chất nói chung và hoá chất trừ sâu diệt cỏ, các bột giặt. 

Ngoài các chất hoá học do con người thải vào môi trường thì nước còn bị ô nhiễm bởi các nguồn tự nhiên. Một ví dụ rất điển hình là ô nhiễm arsen trong nước ngầm. Tổ chức Y tế Thế giới mô tả thực trạng ô nhiễm arsen tại Bangladesh là  một thảm họa môi trường lớn nhất từ trước tới nay. ở quốc gia đứng đầu khu vực châu á về số lượng giếng khoan bơm tay này hiện đã có khoảng 35 đến 77 triệu người có nguy cơ bị nhiễm độc. ở Việt Nam, theo một số nghiên cứu mới được thực hiện tại một số tỉnh đồng bằng Sông Hồng, sông Cửu Long cho thấy nồng độ arsen trong nước ngầm đã vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế và của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại một số điểm lấy mẫu ở đồng bằng Sông Hồng có tới 80% mẫu vượt quá tiêu chuẩn của WHO (Nguyễn, 2005).

Ngoài các tác nhân ô nhiễm môi trường nêu trên người ta còn quan tâm tới sự ô nhiễm nước bởi nhiệt độ và các chất phóng xạ.

Xem tiếp: Nước và vệ sinh nước (P3)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top